Mới đây, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương về "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Theo đó, bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành) và cấp huyện (phòng, ban). Điều này, đã khiến nhiều địa phương tỏ ra băn khoăn.
Giải thích cho việc tạm dừng việc sáp nhập này, bộ Nội vụ giải thích, trước đó, Bộ này đã xây dựng 2 dự thảo liên quan đến việc sáp nhập sở, ngành là Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, TP. thuộc tỉnh, TP. trực thuộc T.Ư). Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ ngày 3/12, trong khi Chính phủ chưa ban hành 2 nghị định này, bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Bộ Nội vụ cũng khẳng định, hiện 2 dự thảo này đã được trình Chính phủ và báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị. Dự kiến, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến với 2 dự thảo nghị định nêu trên về 3 vấn đề: Thứ nhất là khung số lượng các sở ngành sau sáp nhập là bao nhiêu; thứ hai là tiêu chuẩn thành lập sở, ngành mới; thứ 3 là số lượng cấp phó và biên chế tối đa tại mỗi sở, ngành.
Trước những băn khoăn lo lắng của một số địa phương cũng như dư luận về việc tạm dừng việc sáp nhập các sở, ngành, phòng, ban, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện chỉ tạm dừng hợp nhất với các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện. Việc hợp nhất các ban Đảng tại các địa phương thời gian tới vẫn diễn ra bình thường. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc khẳng định văn bản gửi UBND tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương về việc sắp xếp tổ chức bộ máy chỉ là tạm dừng để chờ nghị định mới chứ không phải là dừng việc sáp nhập các sở ngành, phòng ban.
Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Trước hết, phải khẳng định việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành) và cấp huyện (phòng, ban) là 1 chủ trương đúng đắn và vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu sắp xếp nhỏ, gọn lại thì số lượng sở ngành giảm dẫn đến tổ chức bộ máy biên chế giảm, đầu mối giảm, việc kiểm tra, giám sát thuận lợi. Từ đó, phát huy được năng lực của mỗi cán bộ, tránh tình trạng “sáng mang cặp đi, chiều lại xách cặp về”, bộ máy tổ chức cồng kềnh, làm việc không hiệu quả. Nhận thức được điều này, một số tỉnh thành đã tỏ ra chủ động, tích cực nghiên cứu và đề ra các phương án thực hiện”.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, thời gian qua, việc sáp nhập, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ở các địa phương còn chưa có sự thống nhất, dẫn tới tình trạng nhiều địa phương băn khoăn không biết thực hiện ra sao, cụ thể như thế nào vào thực tiễn ra sao dẫn tới tình trạng không đồng nhất, thậm chí là chưa phù hợp.
“Việc sáp nhập các sở ngành, phòng ban còn chưa thống nhất, mỗi nơi thực hiện một kiểu, một cách. Ví dụ, tại tỉnh Lào Cai thì sáp nhập sở Giao thông vận tải và sở Xây dựng thành sở Giao thông vận tải-Xây dựng tỉnh Lào Cai.
Ở tỉnh Bạc Liêu thì hợp nhất sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sở Thông tin và Truyền thông để thành lập sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch. Đồng thời việc sáp nhập sở Giáo dục và Đào tạo với sở Khoa học và Công nghệ thành sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ có phù hợp không?
Tất nhiên, việc sáp nhập còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, tuy nhiên nếu mỗi tỉnh lại làm một kiểu thì rất khó. Chưa kể đến việc, nếu cứ để các tỉnh tự do, tùy tiện sáp nhập theo tôi có thể dẫn đến hỗn độn và nảy sinh tiêu cực. Do vậy, việc tạm dừng chờ ý kiến thống nhất của Bộ Chính trị, đưa ra nghị định mới là điều hợp lý, giúp cho các tỉnh có đầy đủ căn cứ, tiêu chuẩn để thực hiện cho thống nhất, phù hợp hơn”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh: “Việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành) và cấp huyện (phòng, ban) phải thực hiện một cách nghiêm túc, cẩn thận chứ không phải sáp nhập một cách cơ học dẫn đến tình trạng sáp nhập cho có, cho xong. Điều này, không những không tinh giản được bộ máy tổ chức mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Chính vì vậy, cần phải có sự tập trung thống nhất cho bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tôi hi vọng nghị định mới của Chính phủ ban hành sẽ đưa ra những tiêu chuẩn, quy định, cụ thể, rõ ràng hơn để việc sáp nhập các sở, ngành, phòng, ban đạt được đúng mục đích và mang lại hiệu quả rõ rệt”.