Ngày 18/10, TAND Thị xã Sơn Tây tiếp tục đưa vụ án Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm ra xét xử. Bị cáo trong vụ án là bà Đào Thị Lương (SN 1961, trú tại Vống Gốc Vải, Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội), làm nghề buôn bán hàng khô tại Chợ Mộc, xã Minh Quang nhiều năm nay.
Nhờ con dâu làm Grap
Như ở phiên tòa hôm qua, bản thân bị cáo Lương đã có nhiều lời khai chưa đồng nhất, lúc thì bảo có 2 lần mua mỳ chính của Nguyễn Thị Tuyên (SN 1969, trú ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), bạn chợ cùng Lương. Lúc thì lại khai mua 3 lần. Tuy nhiên, theo cáo trạng quy kết thì có tổng cộng 5 lần Lương mua mỳ chính giả của Tuyên để sử dụng trong gia đình và bán cho khách là người phụ nữ tên Hồng.
Trong vụ án này có tình tiết đáng chú ý là Lương khai mua mỳ chính của Tuyên về dùng trong đám cưới con trai, do còn thừa nên đối tượng mang ra chợ bán. Bị cáo khai không biết đó là mỳ chính giả.
“Chỉ đến khi cơ quan điều tra tiến hành khám xét nhà của bị cáo, được một người thi hành công vụ tên là Tuấn giải thích mỳ chính của công ty sản xuất có mép phẳng và mịn, còn không phải của công ty Nhà nước thì không phẳng… thì bị cáo mới biết”, bị cáo Lương nói. Bán mỗi gói mỳ chính giả, bị cáo thu lời 500 đồng/gói.
Do lấy nhiều hàng, đang lúc người phụ nữ tên Hồng nhờ Lương tìm người chở hàng giúp thì con dâu của Lương đến cửa hàng của mẹ. Thế là, chẳng phải tìm đâu xa, Lương bảo con dâu chở hàng cho khách, tiền công 100.000 đồng.
Có mặt tại phiên tòa với tư cách là người liên quan trong vụ án, chị Nguyễn Hồng Nhung (con dâu bị cáo Lương) cho biết: “Tôi vừa ra chợ thì mẹ tôi buộc hàng lên xe rồi bảo tôi chở đến gốc Mít, theo yêu cầu của người phụ nữ tên Hồng. Khi tới nơi, cô Hồng bảo tôi chở xuống Xuân Khanh thì trả thêm cho tôi 30.000 đồng. Lúc ở chợ mẹ tôi cũng chỉ nói là chở hàng khô, không nói rõ là những hàng gì. Đến khi công an kiểm tra, tôi mới biết bên trong có chè, mì gạo, đỗ, miến, mỳ chính”.
Người này nhấn mạnh thêm một lần nữa: “Tôi chỉ chở thuê lấy tiền công chứ không biết bên trong chở những gì”.
Luật sư đề nghị tòa tuyên thân chủ vô tội
Bào chữa cho bị cáo Đào Thị Lương là luật sư Trương Tiến Dũng và luật sư Nguyễn Thế Kỷ (thuộc đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai).
Không đồng tình với quan điểm luận tội và mức án đề nghị từ 24 – 30 tháng tù (cho hưởng án treo) mà VKS áp dụng đối với thân chủ của mình, các luật sư cho rằng việc cáo buộc thân chủ mình phạm tội Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm theo khoản 1, Điều 193, BLHS là không có cơ sở.
Theo quan điểm của luật sư bào chữa, quá trình điều tra vụ án có dấu hiệu hợp thức hóa các biên bản điều tra. Cùng với đó là kết quả giám định không khách quan khi thời điểm tạm giữ số mỳ chính trên, CQĐT đã đóng gói vào 4 thùng catton, có chữ ký niêm phong của những người liên quan và của bị cáo. Tuy nhiên, khi mở niêm phong, bàn giao cho Phòng 4, viện KHHS, bộ Công an để giám định thì lại không có sự chứng kiến của những người trên. Từ đó, luật sư cho rằng không có căn cứ đảm bảo những mẫu vật giám định đó là những gói mỳ chính đã tạm giữ của bị cáo.
Chưa kể, việc cơ quan điều tra tách hành vi của bà Nguyễn Thị Tuyên ra khỏi vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, theo Nghị quyết của Quốc hội và quy định của TAND Tối cao về việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, bị cáo Lương cần áp dụng theo Điều 157, Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý. Cụ thể, các luật sư dẫn văn bản của bộ Y tế quy định mỳ chính thuộc danh mục phụ gia, không phải thực phẩm. Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định người buôn bán, sản xuất phụ gia giả là tội phạm. Chính vì thế hành vi này đã được “hình sự hóa” nếu truy tố theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 - có hiệu lực từ 0h ngày 1/1/2018.
Xét thấy còn một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ, HĐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa để triệu tập điều tra viên và đại diện cơ quan giám định.
Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 22/11 tới đây.