Việc bác sĩ Hoàng Công Lương (BVĐK tỉnh Hòa Bình), người trực tiếp ra y lệnh trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong bị khởi tố bắt tạm giam đã gây nhiều ý kiến tranh cãi.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ, luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Hội Luật gia Việt Nam, người trực tiếp đi cùng đoàn của tổng hội Y học Việt Nam lên làm việc tại Hòa Bình vừa qua để có thêm góc nhìn cụ thể về vụ việc.
Quy trách nhiệm cho BS Lương là không đúng
PV: Bà đánh giá ra sao về việc Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với bác sĩ Hoàng Công Lương, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình liên quan đến vụ 8 bệnh nhân tử vong sau chạy thận?
Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm: 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã tử vong. Đây là sự cố y khoa vô cùng đau xót với bệnh viện nói riêng và toàn ngành y nói chung, đặc biệt với chính gia đình, thân nhân 8 bệnh nhân. Nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân này tử vong, chúng ta đã biết từ kết luận của cơ quan điều tra là do chưa đảm bảo được nguồn nước cấp vào máy lọc thận có nồng độ Florua cao hơn 245 - 260 lần mức tối đa cho phép, từ đó gây nhiễm độc, chết người.
Việc cơ quan cảnh sát điều tra tìm ra nguyên nhân gây tử vong cho 8 bệnh nhân là sự lý giải rất khoa học làm cơ sở cho việc phòng ngừa những sự cố y khoa tương tự không bao giờ có thể xảy ra nữa.
Sự việc bắt nguồn từ hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn. Tuy nhiên, sau khi sửa chữa xong, việc bàn giao, kiểm tra, kiểm định chưa được làm đầy đủ nên hóa chất còn tồn dư cao quá mức cho phép gấp 245-260 lần nhưng không được phát hiện nên đã gây ra nguyên nhân tử vong cho 8 bệnh nhân. Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương, người trực tiếp ra y lệnh chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân ngày hôm đó với lý do bác sĩ Lương mới nhận được thông báo việc sửa chữa đã xong qua điện thoại, chưa nhận được biên bản bàn giao việc sửa chữa mà đã ra y lệnh tiến hành chạy thận cho bệnh nhân. Cơ quan điều tra đã ra quyết định bắt tạm giam bác sĩ Lương. Chúng tôi thấy quyết định bắt tạm giam bác sĩ Lương là chưa thỏa đáng.
Theo đó, hợp đồng sửa chữa thiết bị giữa bệnh viện (do cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình được giao phụ trách) với công ty TNHH Trâm Anh (được công ty Thiên Sơn bán lại hợp đồng sửa chữa) sau khi sửa chữa xong phải được kiểm tra, kiểm định chất lượng nước và phải có biên bản bàn giao, nghiệm thu. Đây là trách nhiệm giữa bên sửa chữa và bệnh viện. Nhưng giữa công ty và bệnh viện chưa có biên bản bàn giao, việc này chưa được hoàn thành đúng quy định nhưng đã thông báo cho điều dưỡng của khoa là việc sửa chữa đã hoàn thành. Trách nhiệm ở đây là của phía công ty sửa chữa và bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (cán bộ phòng Vật tư được giao phụ trách). Chính vì thế, nếu quy trách nhiệm cho bác sĩ Lương là không đúng.
Tôi giả sử phía công ty và bệnh viện có biên bản bàn giao được hợp thức hóa bằng giấy tờ thì tai nạn này vẫn xảy ra. Bởi vì chất lượng nguồn nước không thay đổi. Trừ trường hợp sau khi sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị phải có sự kiểm tra, kiểm định chất lượng nước thì kết quả mới khác. Còn ở đây, phía công ty và bệnh viện đã trao đổi với nhau là hoàn thành việc sửa chữa rồi. Việc hợp thức hóa biên bản sau đó cũng đã làm. Chính vì thế, bác sĩ Lương có ra y lệnh sau khi nhận được biên bản bàn giao việc sửa chữa hệ thống lọc nước thì sự cố vẫn xảy ra. Tuy nhiên, đây cũng là lỗi của bác sĩ Lương chưa thực hiện thủ tục hành chính theo quy định.
PV: Bà có cho rằng việc bắt tạm giam bác sĩ Lương như một người gây nguy hiểm cho cộng đồng là không thỏa đáng?
Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm: Tôi được biết nhân thân của bác sĩ Lương tốt, là bác sĩ được nhiều bệnh nhân quý mến. Trong chuyến đi về BVĐK tỉnh Hòa Bình, tôi còn được nghe một điều dưỡng chia sẻ, bác sĩ Lương bỏ tiền túi nhờ điều dưỡng đi mua đồ ăn trưa cho bệnh nhân chạy thận khó khăn. Một người giàu lòng nhân ái, có đạo đức nghề nghiệp như vậy nếu để tại ngoại phục vụ điều tra liệu có thể tiếp tục gây hậu quả cho bệnh nhân không? Tôi chắc chắn là bác sĩ Lương không thể gây thêm hậu quả gì nghiêm trọng cho bệnh nhân của mình.
Chính vì thế, chúng tôi đã đề nghị Công an tỉnh Hòa Bình cho phép bác sĩ Lương được tại ngoại để phục vụ điều tra theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 27/11/2015. Khi tiếp xúc với các y, bác sĩ và điều dưỡng làm việc tại khoa, họ tỏ ra hoang mang và vô cùng lo lắng.
Nếu chúng ta làm đúng sẽ được pháp luật bảo vệ
PV: Như chia sẻ của bà thì các nhân viên y tế đang tỏ ra lo lắng sau vụ việc này?
Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm: Họ hoang mang vì hôm nay là bác sĩ Lương, liệu ngày mai có phải là họ? Trong cuộc gặp mặt, nhiều nhân viên y tế đã bật khóc. Lúc cấp cứu cho các bệnh nhân, bệnh nhân bị tử vong, họ đã khóc vì bệnh nhân như người nhà của họ, nay họ lại khóc cho chính số phận của mình. Ai sẽ bảo vệ họ? Họ đã nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, đã tận lực làm việc nhưng bác sĩ trực tiếp điều trị đã bị khởi tố, bị bắt, bị tạm giam.
Tôi cũng lo vụ việc này sẽ gây tâm lý e ngại cho các bác sĩ trong việc điều trị, cứu chữa bệnh nhân tới đây. Nếu bác sĩ cứ theo thủ tục hành chính mà làm dù bệnh nhân cần kíp y lệnh. Đặc biệt trong trường hợp cấp cứu sẽ là thiệt thòi, vô cùng nguy hiểm cho bệnh nhân.
Tôi cũng e rằng, các sinh viên ngành y sẽ suy nghĩ rất nhiều và nếu cứ như thế này, liệu bao nhiêu cháu sẽ dám theo ngành y nữa.
Do vậy, trong vụ việc này, sau khi hoàn tất điều tra, xác định bác sĩ Lương vi phạm điều nào, khoản nào của quy chế khám chữa bệnh, cơ quan điều tra chỉ rõ cụ thể. Tôi cũng mong các y, bác sĩ, nhân viên y tế bình tâm, không vì vụ việc bác sỹ Lương mà sa sút tinh thần, cần phải kiên cường hơn nữa và phải thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế. Nếu chúng ta làm đúng, chúng ta sẽ được pháp luật bảo vệ.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm – Hương Lan (thực hiện)