Ngày 12/10, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ ông Lê Hoài Linh (SN 1981, ngụ tỉnh Bình Dương). Ông Linh là Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Ông Linh bị bắt ngay tại trụ sở phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Bến Cát. Tại đây, cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh khám xét phòng làm việc của ông Linh và khám xét văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát.
Một nguồn tin cho biết, ông Linh bị bắt giữ vì liên quan đến vụ án cựu Bí thư thị xã Bến Cát - ông Phạm Hồng Khanh (SN 1967, ngụ tỉnh Bình Dương) vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại địa bàn xã An Tây, thị xã Bến Cát.
Như báo điện tử Người Đưa Tin đã đưa trước đó, vào ngày 10/8, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã đọc quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Khanh, Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Theo Đại tá Chính, ông Khanh bị bắt vì vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại địa bàn xã An Tây, thị xã Bến Cát.
Cụ thể, vào năm 2005 – 2008, bà Hồ Thị Hiệp, Giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Thương mại An Tây (công ty An Tây) vay của ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn 72 tỷ đồng. Khi vay, tài sản công ty An Tây thế chấp gồm đất, nhà xưởng… với định giá tài sản vào khoảng 80 tỷ đồng. Đến năm 2008, công ty này không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào nợ xấu. Năm 2011, phía ngân hàng sử dụng vốn dự phòng để xử lý khoản nợ xấu này. Sau đó, ngân hàng đã xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, việc xử lý này kéo dài từ năm 2012 – 2015.
Thời điểm này, ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn và ông Nguyễn Quang Lộc, Phó Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1 có nhiệm vụ xử lý nợ của khách hàng. Phương thức xử lý tài sản thế chấp của ngân hàng là giao bà Hồ Thị Hiệp tự bán và bên mua là ông Nguyễn Hồng Khanh. Gia đình ông Khanh đã mua lại toàn bộ tài sản thế chấp của ngân hàng.
Việc xử lý tài sản do ông Nguyễn Phi Hùng và Nguyễn Quang Lộc thực hiện đã không đúng với quy định khi không có văn bản thoả thuận với bên bán, không có biên bản thẩm định, định giá tài sản, không đưa ra bán đấu giá tài sản, xử lý hạ thấp giá trị tài sản, quyết định bán tài sản không đúng thẩm quyền… Và, hành vi này đã gây thiệt hại cho ngân hàng.
Cụ thể, tài sản thế chấp có giá trị trên 80 tỷ đồng nhưng các bị can Hùng, Lộc đã thoả thuận với bà Hiệp và ông Khanh hạ thấp giá bán và chỉ đưa một phần vào ngân hàng.
Hiện nay, cơ quan điều tra xác định chỉ có 8,7 tỷ đồng được các đối tượng đưa vào ngân hàng và ông Khanh trực tiếp giữ lại, đưa cho bà Hiệp 4,1 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, số nợ mà ngân hàng không thu hồi được vào khoảng 106 tỷ đồng. Đây là thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước. Hành vi của bị can Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Quang Lộc đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, ông Nguyễn Hồng Khanh từng làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát đã thoả thuận, thống nhất với một bộ phận ngân hàng là ông Hùng, Lập và bà Hiệp trích 50% số tiền bán tài sản thế chấp đưa lại cho bà Hiệp. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã chứng minh được việc ông Khanh không đưa 4,1 tỷ đồng vào ngân hàng mà lại chuyển cho bà Hiệp.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương xác định, ông Nguyễn Hồng Khanh đồng phạm với bị can Nguyễn Phi Hùng và Nguyễn Quang Lộc về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản của Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự. Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục tạm giữ ông Linh để phục vụ công tác điều tra vụ án trên.