Liên quan đến vụ việc võ sư Nguyễn Xuân Vinh bạo hành vợ mới sinh khiến nạn nhân phải nhập viện, sáng 28/8, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, đơn vị đang tạm giữ hành chính và tiến hành các biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng Nguyễn Xuân Vinh do liên tiếp có hành vi nhắn tin đe dọa vợ và gia đình.
Trước đó, sáng 27/8, mạng xã hội lan truyền đoạn video dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một người chồng liên tục đấm đá, ném đồ vật vào người vợ. Khi đó, cô vợ vẫn đang ôm con nhỏ 2 tháng tuổi trên tay. Người vợ chỉ biết ôm con chịu trận, kể cả khi người giúp việc ra can ngăn, trận đòn roi của người chồng vẫn không dừng lại.
Theo đó, sự việc xảy ra vào 18h30 ngày 26/8, tại phòng 2501 thuộc chung cư CT1B, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Người chồng trong clip là Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987, là võ sư), còn vợ là Vũ Thu L. (SN 1992).v Trước sự việc gây xôn xao, dư luận đặt ra câu hỏi, trong trường hợp này, người chồng có hành vi đánh đập vợ như vậy có bị xử lý hình sự?
Trước sự vụ việc trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đây vụ việc nghiêm trọng, hành vi của người chồng là hành vi bạo lực gia đình, rất đáng lên án và phải xử lý nghiêm.
"Hành vi này không những gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý của người phụ nữ, mà còn tổn thương đến tâm lý, tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của những đứa trẻ và có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của hai mẹ con. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Hùng cho hay.
Theo đó, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng phân tích, đối với những vụ việc xâm hại đến danh dự, nhân phẩm hoặc xâm hại đến sức khỏe mà thương tích thuộc khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ vào cuộc xử lý khi có đơn của người bị hại, và khi người bị hại rút đơn, vụ việc sẽ bị đình chỉ.
Trong trường hợp người vợ có đơn tố cáo, giám định bị thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ từ 11%, cơ quan điều tra vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chồng theo điểm c khoản 1 Điều 134.
"Người vợ mới sinh được 2 tháng và đang bế con nên có thể coi là người không có khả năng tự vệ vì không thể đưa tay lên đỡ những cú đánh từ người chồng. Theo quy định tại khoản này, người chồng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Hùng cho hay.
Trong trường hợp người bị hại không có đơn yêu cầu xem xét thì cơ quan công an vẫn có thể xử phạt hành chính theo khoản 1, Điều 49, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì người chồng sẽ bị xử phạt với mức là 1 triệu - 1,5 triệu đồng.
“Hiện nay, pháp luật quy định khá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhận của hành vi bạo lực gia đình. Người vợ bị bạo hành có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến UBND hoặc công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.
Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do UBND cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm”, luật sư Hùng cho biết thêm.
Xem thêm clip: