Theo chân Phật từ núi cao đến hải đảo
Nhắc đến người con trai đang nhận nhiệm vụ làm trụ trì chùa Song Tử Tây ở Trường Sa, mắt bà Phạm Thị Nhiên (64 tuổi, trú xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại rơm rớm nước, một xúc cảm vừa thương, vừa tự hào. Bà Nhiên cho biết: “Đại đức Thích Nhuận Đạt tên thật là Lưu Minh Tuấn (28 tuổi), là con thứ 3 trong gia đình có 5 chị em, hai trai, ba gái. Năm đang học lớp 6, trong một lần đi học về Tuấn bất ngờ sà vào lòng tôi rồi xin “cho con đi tu má nghe”. Lúc mới nghe nó nói, tôi thực sự bị sốc nặng".
"Tưởng nó nói đùa nên tôi hỏi đi hỏi lại hai, ba lần nó đều đáp “không có đâu má ơi. Con có duyên với đức Phật nên muốn vào chùa tu học”. Thú thật, nhà tôi có lòng hướng Phật nhưng chưa có bất kỳ ai đi tu cả, với lại chồng là tài xế xe tải đường dài, bản thân tôi cũng đang làm nhân viên đánh máy tại xã nên điều kiện gia đình cũng không đến nỗi không nuôi được con, phải gửi vào chùa. Tuy nhiên, ý con đã quyết như vậy nên vợ chồng tôi cũng đành chiều lòng con”, bà Nhiên nhớ lại.
Bà Nhiên nhớ lại: "Lúc đó, Tuấn còn quá nhỏ (mới chỉ 12 tuổi) nên ban đầu tôi dắt cháu lên gặp thầy Thích Ngộ Tịnh, trụ trì chùa Viên Ngô (Ninh An, thị xã Ninh Hòa) đề đạt nguyện vọng cho cháu vào chùa ở vài ba tháng, đừng xuống tóc hẳn, lỡ không quyết tâm đòi về thì lại phiền mấy thầy. Sư thầy Ngộ Tịnh thấy Tuấn tuổi còn nhỏ mà đã có căn duyên với cửa phật nên cũng động viên cháu tu tâm, dưỡng tính, chuyên tâm phật pháp. Khoảng 6 tháng sau, cháu được thầy Ngộ Tịnh nhận làm đệ tử, đặt pháp danh là Nhuận Đạt. Từ đó, Tuấn ở hẳn trong chùa chuyên tâm giác ngộ phật pháp cùng các sư thầy.
Cũng theo bà Nhiên, từ đó đến khi hết phổ thông, thầy Nhuận Đạt chân tu tại chùa Viên Ngộ. Tròn 18 tuổi, thầy Nhuận Đạt từ biệt các thầy và gia đình để lên Đà Lạt theo học Trung cấp Phật học Lâm Đồng. Sau khi tốt nghiệp, Thuận Đạt tiếp tục bôn ba khắp trong Nam, ngoài Bắc để tu học phật pháp trước khi trở về chùa Viên Ngộ. Mùa thu năm 2013, sư thầy Nhuận Đạt tiếp tục làm mẹ sốc lần thứ hai khi ghé nhà và xin phép mẹ cho ra Trường Sa làm trụ trì chùa Song Tử Tây.
“Dáng người nhỏ nhắn, kiệm lời, sống dựa nhiều vào tình cảm như Tuấn thì chịu sao nổi những khắc nghiệt nơi đảo xa, đầu sóng ngọn gió. Nhưng biết tính con, lòng nó đã quyết tình nguyện ra Trường Sa nhận nhiệm vụ thiêng liêng của tổ quốc nên tôi cũng chỉ nhẹ nhàng hỏi “con đi chi ra dữ rứa, khi mô mới về”. Tuấn không nói gì chỉ ôm chầm lấy tôi, thỏ thẻ “không sao đâu má, con là thanh niên mà, mấy anh chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài đó cũng sống được đấy thôi. Tu sĩ cũng là chiến sĩ, má đừng có lo, con đi rồi con lại về….”, bà Nhiên chia sẻ.
Một tháng sau, giữa cơn mưa tầm tã của đất trời Cam Ranh, đại đức Thích Nhuận Đạt ôm từ biệt mẹ trước lúc lên tàu ra Trường Sa nhận nhiệm vụ. Một cái ôm thật chặt mà chính cả hai mẹ con cũng không biết rằng mãi hơn 1000 ngày sau họ mới có dịp hội ngộ.
Hội ngộ giữa Trường Sa
Suốt gần hai tháng trời khi biết tin, bản thân vinh dự được nhà nước tạo điều kiện theo tàu hải quân ra Trường Sa thăm con, bà Nhiên cứ đi ra, đi vào thấp thỏm không yên. Lo say sóng thì ít mà háo hức gặp con thì nhiều. Ngày 25/4, bà Nhiên theo tàu 571 xuất phát từ cảng Cát Lái (TP.HCM) tiến thẳng ra Trường Sa. Hai ngày một đêm lênh đênh trên biển, bà Nhiên chẳng thể chợp mắt, cứ thỉnh thoảng lại ra trước mũi tàu hướng mắt về Trường Sa. Đến trưa 27/4, tàu 571 thả neo cách đảo Song Tử Tây vài trăm mét, bà Nhiên cùng mọi người được đưa xuống xuồng CQ (xuồng Chủ quyền-PV) để cập bờ. Từ cách bờ vài chục mét, bà đã thấy bóng con đang vẫy tay, mừng rỡ gọi “Má ơi! Má ơi!”.
Giữa trưa, nắng như thiêu như đốt, mồ hôi nhễ nhãi nhưng thuyền vừa cập bến hai mẹ con vội ôm chầm lấy nhau. Giọt nước mắt lăn dài trên má của hai mẹ con, giọt nước mắt hạnh phúc. Đại đức Thích Nhuận Đạt cho biết: “Nghe tin tàu ra đảo, có cả mẹ ra thăm nữa nên tôi cùng mọi người chờ từ lúc 11h trưa. Cảm xúc lúc gặp mẹ giữa biển trời quê hương thật đặc biệt. Tôi biết đây là lần đầu tiên và cũng có thể là lần duy nhất được gặp mẹ giữa lòng Trường Sa”.
Sau khi trò chuyện về tình hình gia đình, đại đức Thích Nhuận Đạt dành hầu hết thời gian để đưa mẹ đến thăm cột mốc chủ quyền, ngọn hải đăng, tượng đài Trần Hưng Đạo, trường học và các nhà người dân trên đảo.
Nhìn nồi cơm đầy ắp, trên mâm nào là rau luộc, rau xào, đậu khuôn, xì dầu… mắt bà Nhiên lại ngấn lệ. Bà tâm sự: “Hỏi con sao nấu nhiều thế. Nó bẽn lẻn, nấu luôn cho má ra ăn mà. Thấy tôi khóc nó bảo “do con nấu dở quá hả má?” Tôi chẳng biết đáp sao. Không phải thương con ăn uống kham khổ vì ăn chay trường mà là cảm giác hạnh phúc nhìn con trưởng thành. Ngày rời vòng tay gia đình chỉ là một đứa trẻ gầy gòm, nhút nhát giờ đã là một thanh niên rắn rỏi, tự tay nấu nướng, bếp núc lo sinh hoạt hàng ngày vừa hoàn thành trọng trách của một vị trụ trì ngôi chùa lớn nhất trong 6 ngôi chùa ở Trường Sa”.
Mấy tiếng trôi qua thật nhanh, kim đồng hồ nhích dần về 16h30 và nơi cuối cùng của hai mẹ con dừng chân cũng chính là cầu tàu. Xa 4 năm gặp nhau được 4 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Giây phút chia xa không nói nên lời. Lấy vạt áo lau vội giọt nước mắt trên gò má mẹ, sư Nhuận Đạt động viên: “Má về trước, tết con lại về…”
Chiếc xuồng CQ đã cách xa bờ hơn trăm mét, bà Nhiên vẫn thấy bóng chiếc áo nâu sờn tung bay trong gió chiều, con trai vẫn nán lại cầu tàu vẫy tay chào từ biệt mẹ.
Chúng tôi đến thăm mẹ Nhiên vào những ngày cận tết, lúi húi trong căn nhà nhỏ bà đang cẩn thận gói gém nào là bánh tráng, bánh chưng, bánh kẹo để nhờ người quen gửi vào Cam Ranh chờ có tàu ra đảo thì gửi ra cho con trai.
Bà Nhiên chia sẻ: “Bữa nay ngoài đảo đã có sóng điện thoại, dù sóng chập chờn nhưng năm, ba ngày tôi lại điện ra hỏi thăm tình hình con thế nào cho đỡ nhớ. Hồi nhỏ nó thích ăn bánh tráng lắm, khi mô điện ra hỏi nó ăn chi má gửi ra nó cũng kêu ở ngoài đảo đầy đủ lắm có thiếu gì đâu.
Rau, củ, quả tự trồng, chiều còn đá bóng, chơi bóng chuyền, rèn luyện sức khỏe nữa má đừng lo gì cả. Nói vậy thôi, chứ tết nhất cũng chẳng gì nhiều, có vài chục bánh tráng, với mấy cái bánh chưng gửi ra Trường Sa cho con gọi là chút là quà quê, thêm chút tết quê hương, mong con yên lòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió”.
Tình nguyện ở lại Trường Sa thêm một kỳ làm chỗ dựa cho dân đảo Trao đổi với PV, hòa thượng Thích Ngộ Tịnh, trụ trì chùa Viên Ngộ cho biết, theo đúng kế hoạch thì đại đức Thích Nhuận Đạt sẽ nhận nhiệm vụ làm trụ trì chùa Song Tử Tây từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2016. Tuy nhiên, vừa qua Nhuận Đạt đã viết đơn tình nguyện ở lại Song Tử Tây làm trụ trì thêm một nhiệm kỳ nữa. “Gắn bó với Nhuận Đạt từ lúc Nhuận Đạt còn là một chú tiểu 12, 13 tuổi nên tôi hiểu dù vẻ ngoài ít nói, sống tình cảm nhưng bên trong là một trái tim ấm nóng, một nghị lực vươn lên phi thường. Mỗi lần có dịp nói chuyện, tôi vẫn dặn dò đệ tử tu sĩ cũng là chiến sĩ. Trên đảo khó có điều kiện giúp phật tử về vật chất nhưng bản thân phải là một chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trên đảo”, sư Ngộ Tịnh chia sẻ. |
|
BẠCH HƯNG