Tâm lý nóng vội khiến nhiều người chết thảm

Tâm lý nóng vội khiến nhiều người chết thảm

Thứ 3, 10/09/2013 17:25

Sau khi một công nhân bị ngạt khí gas và ngã vào bồn chứa mỡ cá, năm người khác lần lượt chạy tới ứng cứu, nhưng cuối cùng đều tử nạn. Vụ tai nạn lao động do khí độc đặc biệt nghiêm trọng này, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về kỹ năng ứng cứu người gặp nạn...

Cứu nhau trong giây phút sinh tử

Khoảng 9h sáng 4/9, tại nhà máy tinh luyện dầu cá của công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đa quốc gia (gọi tắt là IDI, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có một số nhân viên lấy mỡ cá để kiểm nghiệm. Do mực nước trong bồn thấp, nên thay vì kéo dây xuống lấy mẫu, anh Lâm Thanh Phong (SN 1978) đã leo xuống bồn múc mỡ cá. Khi vừa leo xuống, anh hít phải khí lạ, hoa mắt, chóng mặt. Do khu vực này thiếu ô xy, cầu thang lại trơn trượt nên anh Phong bị ngạt và ngã vào bồn. Thấy anh Phong lâm nạn, một đồng nghiệp chạy tới, cố kéo nạn nhân lên, nhưng không chịu nổi hơi độc cũng bị rơi xuống bồn.

Xã hội - Tâm lý nóng vội khiến nhiều người chết thảm

Các công nhân leo vô bồn chứa mỡ cá mà không có dụng cụ bảo hộ.

Cần xem xét trách nhiệm của các bên liên quan

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Đăng Liêm (Hiệu trưởng trường đại học Công nghệ thông tin Gia Định, thành viên hội Luật gia châu Á) cho biết: "Trường hợp bị tai nạn lao động này, người lao động sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động do bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc. Khoản 3 điều 107 Bộ Luật Lao động năm 1994, sửa đổi năm 2002 quy định: "Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc do thân nhân người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không phải do lỗi của người lao động. Trong trường hợp do lỗi của người lao động, thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp (nếu có). Cũng cần xem xét xem doanh nghiệp có các phương tiện bảo hộ tai nạn lao động hay không. Nếu thiếu trách nhiệm trong trang bị phương tiện bảo hộ tai nạn lao động trong quá trình lao động, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với người sử dụng lao động". 

Thấy hai đồng nghiệp gặp nạn, các công nhân cùng thực hiện công việc lấy mỡ cá đã thông báo cho ban giám đốc công ty. Lúc này, anh Mai Hữu Tôn (SN 1982, Giám đốc) và anh Triệu Bá Trà (SN 1974, Phó giám đốc nhà máy) vội vàng chạy lại phía bồn tìm cách cứu hai nhân viên. Tuy nhiên, hai anh cũng bị khí độc làm cho ngạt thở và rơi vào bồn. Thấy hai lãnh đạo nhà máy cũng chung tình trạng như hai nhân viên trước, ba nhân viên còn lại không kịp suy nghĩ gì nhiều, chạy tới bồn chứa mỡ cá, bịt mũi, miệng một cách sơ sài, tìm cách đưa bốn người lên trên. Tuy nhiên, lượng khí độc quá lớn, khiến ba nhân viên này không chịu nổi và cũng lần lượt rơi xuống bồn.

Chỉ đến lúc này, những nhân viên của nhà máy mới thôi dùng cách cứu đồng nghiệp theo quán tính, bản năng. Nhiều nhân viên mặc dụng cụ bảo hộ lao động, chạy tới đập bồn, đưa các nạn nhân ra ngoài, gọi cấp cứu. Tuy nhiên, sáu người đã tử vong trước đó, chỉ còn anh Đặng Văn An (SN 1985) vẫn còn sống, do khi xuống gần đến nơi, anh thấy khó thở nên trèo lên. Tuy nhiên, anh vẫn bị ngất xỉu, phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các bác sỹ tại bệnh viện đa khoa huyện Lấp Vò cho biết, hiện anh An đã qua cơn nguy kịch, nhưng tinh thần vẫn còn hoảng loạn, chưa thể cung cấp bất cứ thông tin gì.

Tai nạn thương tâm xảy ra đã để lại nỗi đau quá lớn cho các gia đình nạn nhân. Bà Ngô Thị Khanh, mẹ anh Mai Hữu Tôn, đã khóc hết nước mắt khi mất đi người con trai duy nhất của gia đình. Được biết, gia đình bà trước đây rất nghèo. Ông Mai Văn Trường (cha anh Tôn) từng phải đạp xe lôi, xe ba gác chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học. Hơn 10 năm vất vả, ông bà mới nở nụ cười mãn nguyện khi anh Tôn tốt nghiệp trường đại học Bách khoa TP.HCM, vào làm tại công ty IDI, rồi được cất nhắc lên chức Giám đốc nhà máy. Chưa kịp đền ơn sinh thành, dưỡng dục, anh đã vội ra đi, để lại cha mẹ già cùng người vợ trẻ, với gánh nặng mưu sinh khi mất đi người trụ cột trong gia đình…

Xã hội - Tâm lý nóng vội khiến nhiều người chết thảm (Hình 2).

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng tử nạn dây chuyền khi gặp tai nạn lao động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 18/6 vừa qua, một vụ ngạt khí độc khi trục vớt tàu xảy ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng khiến dư luận bàng hoàng. Theo đó, chiếc tàu Onnekas One (quốc tịch Malaysia) gặp nạn tại vùng biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 12/2012. Sau đó, chủ tàu đã thuê công ty TNHH trục vớt Long An thực hiện. Trưa 18/6, nhóm thợ lặn của công ty tiến hành công việc. Thợ lặn Võ Văn Thuận nhảy xuống khoang balas kiểm tra vòi bơm thì bị ngạt thở, la hét vẫy vùng. Thấy vậy, anh Văn Công Thang lập tức nhảy xuống ứng cứu cũng ngạt khí độc. Sau đó hai thợ lặn khác nhảy xuống ứng cứu tiếp cũng bị tử vong. Bốn người khác nhảy xuống cũng ngạt khí độc hôn mê, được đưa đi cấp cứu.

Trước đó nữa, ngày 20/4, tại công ty TNHH Hiệp Phát (chuyên sản xuất giấy và bao bì carton, KCN Phú Tài, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng xảy ra tai nạn tương tự, khiến ba công nhân tử vong do ngạt khí độc. Kết quả điều tra cho biết, khoảng 8h cùng ngày, ba công nhân này chui xuống bồn rỗng trước đây chứa bột giấy làm vệ sinh và bị ngất xỉu trong bồn. Thấy vậy, ông Đào Văn Dư (48 tuổi) chui xuống bồn ứng cứu cũng bị ngạt khí độc. Bốn người được đưa vào viện cấp cứu, nhưng chỉ có ông Dư thoát chết.

Giúp nhau như thế bằng 10 hại nhau

Trước vụ tai nan lao động thảm khốc khiến sáu người tử nạn, một người nguy kịch, dư luận người dân muốn biết loại khí gì trong bồn chứa mỡ cá khiến những người này tìm đến cái chết. Trao đổi với PV, ông Hồ Mạnh Dũng (Giám đốc ban Điều hành nhà máy tinh luyện dầu cá, công ty IDI) cho biết: "Bằng kinh nghiệm chuyên môn và kiểm tra thực tế của công ty, nguyên nhân chính dẫn đến sáu người thiệt mạng xảy ra vào ngày 4/9 vừa qua không phải do khí độc mà bị ngạt thở do thiếu oxy khi leo vào bên trong bồn lấy mẫu. Việc thiếu hụt oxy đã khiến những người leo vào bồn bị choáng váng, chóng mặt, hoa mắt; sau đó, rơi vào trạng thái hôn mê sâu".

Theo nguồn tin từ cơ quan CSĐT công an huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), đây là vụ tai nạn liên quan đến việc ngạt khí độc lớn xảy ra tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Khi nhận được tin báo của người dân, cơ quan CSĐT đã đến hiện trường để điều tra, làm rõ nguyên nhân khiến sáu người của công ty IDI tử vong. Để xác định rõ loại khí bên trong bồn chứa mỡ cá, cơ quan CSĐT tiến hành lấy mẫu để đưa đi kiểm định xem đó là loại khí gì. Hiện, chưa có kết quả xác định khí độc nên cơ quan CSĐT chưa thể đưa ra nguyên nhân khiến giám đốc, phó giám đốc và các nhân viên của công ty IDI chết thảm.

Xã hội - Tâm lý nóng vội khiến nhiều người chết thảm (Hình 3).

Luật sư Nguyễn Đăng Liêm

Đang xác định khí độc gây chết người

Theo ông Nguyễn Văn Trung (Chánh Thanh tra sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp), vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Bộ phận khoa học hình sự đang vào cuộc điều tra, hiện chưa xác định được chất gì gây ra cái chết của sáu người tại nhà máy thuộc công ty IDI nên chưa có kết luận chính thức".

Để tìm hiểu kỹ hơn về các bồn chứa mỡ cá thường xuyên xuất hiện tại các nhà máy tinh luyện dầu cá, PV trao đổi với kỹ sư Lê Văn Rạng, chuyên gia nghiên cứu bào chế các loại mỡ cá tra, cá basa thành dầu tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để tìm hiểu rõ. Kỹ sư Rạng cho hay: "Hiện nay, những công ty tinh luyện dầu cá đều có xây dựng hàng loạt bồn chứa mỡ cá để phục vụ cho quá trình sản xuất. Nguyên tắc tối kỵ là không bao giờ cho phép ai chui vào bồn để lấy mẫu vì rất nguy hiểm. Thông thường, các bồn chứa mỡ cá đều có thiết kế van tự động đặt ở phía dưới, khi cần có thể dễ dàng lấy mẫu mỡ cá đi kiểm nghiệm. Về vụ tai nạn lao động khiến sáu người chết trong bồn mỡ cá, tôi cho rằng ngoài việc trong bồn thiếu oxy, còn có loại khí độc do mỡ cá tiết ra, đây chính là nguyên nhân khiến họ tử vong chỉ sau thời gian ngắn bước vào bồn".

Theo ông Trần Huy Liệu (Giám đốc công ty TNHH Minh Tú, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ, một trong những đơn vị đầu tiên sản xuất thành công dầu bio diesel từ mỡ cá tra, cá basa), công ty của ông cũng có hệ thống bồn chứa nguyên liệu (mỗi bồn chứa khoảng 65m3). Tại công ty, quy định không cho phép ai bước vào bồn mỡ cá để lấy mẫu. Mỗi khi hệ thống bồn chứa mỡ cá của công ty gặp sự cố, các công nhân phải dùng dụng cụ bảo hộ để tìm cách khắc phục, chứ không bao giờ tay không để leo vào.

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực sản xuất dầu tinh luyện từ mỡ cá tại các tỉnh phía Nam cho biết: "Vụ tại nạn thảm khốc xảy ra là do các nạn nhân không có kinh nghiệm ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Khi thấy một người gặp nạn, những người còn lại cứ thế lao đến cứu mà không có một dụng cụ bảo hộ nào. Trong trường hợp này, nếu những người trong cuộc bình tĩnh xử lý thì hậu quả thương tâm sẽ không xảy ra. Đồng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Công Thoại (chuyên gia tâm lý hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) chia sẻ: "Khi thấy có người gặp nạn bất ngờ, tâm lý của những người còn lại là nôn nóng muốn lao vào cứu ngay mà không lường trước hậu quả sẽ xảy ra. Việc làm thiếu suy nghĩ này đã đẩy những người đi cứu trở thành nạn nhân. Vụ việc sáu người tử vong tại nhà máy của công ty IDI là một ví dụ đau lòng".           

NHóM PV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.