Nhìn bề ngoài, hành vi của chúng có vẻ "ngớ ngẩn" nhưng nhiều chuyên gia tội phạm học đã cảnh báo không nên xem thường những hành vi phạm tội kiểu này. Bởi trên thực tế, nhiều vụ án mạng kinh hoàng trước đây đã cho thấy tâm lý tội phạm đã phát sinh đến mức khó lường.
Lý giải cho thực tế này, đại tá Nguyễn Viết Hòa, trưởng phòng Cảnh sát hình sự (công an tỉnh Nghệ An) phân tích, nguyên nhân dẫn đến xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo này bắt nguồn từ kinh tế khó khăn. Họ cũng nghĩ ra nhiều kịch bản để đạt được mục đích, thậm chí cả việc giả bắt cóc để đòi tiền chuộc. Bên cạnh đó, nhiều người cho vay nợ rơi vào cảnh túng quẫn, không tìm được lối thoát dẫn đến làm liều.
Nhiều khi người ta nợ mình, mình lại nợ người khác, bị người khác thúc ép nên bằng mọi giá nghĩ cách đi đòi nợ thật nhanh, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. "Với những trường hợp này, khi xử lý chúng tôi cảm thấy thật xót xa. Giá như họ tỉnh táo và hiểu luật thì có lẽ họ đã không hành động như vậy. Còn đối với những đối tượng lưu manh, chuyên đi đòi nợ thuê thì cần xử lý thật nghiêm minh", đại tá Hòa cho biết.
Luật sư Nguyễn Huy An.
Theo quan điểm của vị trưởng phòng CSHS công an tỉnh Nghệ An, để phòng ngừa loại tội phạm này, cơ quan công an cần đưa vào diện quản lý số đối tượng có biểu hiện nghi vấn dễ tập trung nhau lại để thành băng nhóm đi đòi nợ thuê. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu được quy định của pháp luật. Hiện nay, nhiều người đang là chủ nợ, do không đòi được tiền nhưng lại không nhờ đến cơ quan chức năng giải quyết mà tự ý đi thuê các đối tượng ngoài xã hội để đòi nợ hộ, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ người trái pháp luật đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Như vậy, đang là người được pháp luật bảo vệ nhưng do không hiểu luật, lại trở thành người vi phạm pháp luật. Thậm chí, trong một số vụ án, người cho vay nợ lại trở thành kẻ chủ mưu trong các vụ án bắt giữ người trái pháp luật.
Cũng trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn LS TP. Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi tống tiền "kiểu mới". Hành vi giả "bắt cóc" tống tiền của những đối tượng phạm tội thuộc vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn chúng sử dụng tuy đơn giản nhưng vô cùng tinh vi, manh động. Chắc chắn những đối tượng này phải có thời gian tìm hiểu, điều tra về nhân thân cũng như hoạt động của những gia đình kể trên để ra tay. Chúng chủ yếu nhắm đến đối tượng chị em phụ nữ nhẹ dạ cả tin hoặc những gia đình có tiền của. Kế hoạch được sắp xếp một cách chặt chẽ để người bị hại rơi vào trạng thái hoảng loạn, không kịp nhận ra hành vi lừa đảo của chúng. Đến khi phát hiện ra thì một số tiền không nhỏ đã rơi vào tay đối tượng phạm tội.
Theo quan điểm của luật sư Huy An, với những hành vi này ngoài việc chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, không thể hình dung hết được mức độ nguy hiểm mà chúng có thể gây ra. Không loại trừ khả năng, khi bị phát hiện hoặc kế hoạch bại lộ, chúng sẽ quay sang thực hiện kế hoạch mới, thậm chí với mức độ manh động và táo tợn hơn. Những vụ bắt cóc tống tiền xảy ra thực tế cũng có thể bắt nguồn từ đó.
Theo đại tá Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng cục Cảnh sát hình sự (C45 - bộ Công an), xuất phát từ tình hình kinh tế suy thoái, rất nhiều người vay nợ theo kiểu "tín dụng đen" nhưng không trả được, nhiều người buôn bán thua lỗ, thất nghiệp đâm ra chán nản… Một số trường hợp lâm vào cảnh túng quẫn dẫn đến làm liều. Có trường hợp vay lãi bình thường nhưng nhiều con nợ chây ỳ, không trả, khi người cho vay nhờ đến cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng lại không được giải quyết triệt để, dẫn đến hình thành các "đội quân" chuyên đi đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn để giải quyết những vấn đề ngoài pháp luật. Chúng thường uy hiếp tinh thần con nợ, khủng bố bằng bom bẩn, chất bẩn, thậm chí bắt cóc tống tiền. Với những đối tượng này cần xử lý nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. |
Đức - Hường