Số phận hẩm hiu của người phụ nữ ung thư vú
Khi chúng tôi đến nhà, chị Nguyễn Thị Thảo nằm lịm ở trên giường, đôi mắt đờ đẫn, chị hé mắt nhìn chúng tôi, rồi lại mệt mỏi nhắm lại. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má người phụ nữ này. Theo những người hàng xóm, chị Thảo vừa đi điều trị căn bệnh ung thư vú ở Hà Nội về. Hiện tại, sức khỏe của chị rất yếu, không thể làm được bất cứ việc gì.
Từ nhỏ anh Thái Văn Khanh (SN 1969), chồng của chị Thảo đã không được như người bình thường, bố mẹ bảo gì làm nấy. Công việc mà anh Khanh có thể làm được là đi chăn bò. Hàng tháng người đàn ông này được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người tàn tật (chế độ 202) nhưng chẳng đủ chi tiêu cho cá nhân.
Chị Thảo là người phụ nữ quá lứa lỡ thì nên được người thân mai mối cho anh Khanh. Thời điểm chị Thảo lấy anh Khanh người dân trong làng ai cũng ái ngại cho chị. Họ sợ người phụ nữ này sẽ không cáng đáng nổi khi có một người chồng như vậy.
Bỏ qua lời dị nghị của người đời, chị vẫn vun vén cho mái ấm gia đình mình hạnh phúc. Dù không được khôn khéo như người bình thường nhưng anh Khanh lại thật thà, thương yêu vợ. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi năm 2001 chị sinh được đứa con đầu lòng đặt tên là Thái Văn Đạt. Đứa con chính là động lực để chị tiếp tục cố gắng.
Có con, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè nặng lên vai người phụ nữ này. Ngoài công việc đồng áng, ai thuê gì chị Thảo làm nấy, từ cấy thuê, phụ hồ, đi làm cỏ, phun thuốc sâu,.... Dù cật lực làm việc nhưng số tiền kiếm được cũng không đủ chi tiêu cho gia đình.
Vì cuộc sống quá khó khăn nên khi những cơn đau ở ngực hành hạ, sức khỏe giảm sút nhưng chị Thảo không dám đến bệnh viện để kiểm tra. Đến khi đau quá, chịu không nổi, chị mới xuống bệnh viện Ung bướu Nghệ An để thăm khám. Khi nghe các bác sĩ thông báo bị ung thư vú, chị Thảo như chết lặng. Bao nhiêu tài sản trong nhà, kể cả con bò cũng phải bán nốt để chữa bệnh.
Trải qua cuộc phẫu thuật cắt vú trái và hàng chục lần xạ trị ở bệnh viện Ung bướu Nghệ An khiến cho sức khỏe chị giảm sút trầm trọng. Cách đây một tháng rưỡi, chị Thảo được chuyển ra Hà Nội để chữa trị.
Chồng không được lanh lợi, con còn nhỏ nên chị Thảo phải một mình ra Hà Nội. May có người cháu họ làm việc ngoài Hà Nội thỉnh thoảng qua chăm sóc, chạy giấy tờ. Vì không có tiền nên chị Thảo phải chờ những người trong phòng bệnh dùng bữa xong rồi xin phần cơm thừa để ăn. Thỉnh thoảng, có người thương tình mua thêm cho chị một suất.
“Tội nghiệp lắm! Một mình chị ấy cáng đáng gia đình. Giờ bệnh tật ở giai đoạn cuối, chị không có tiền để chữa trị. Không có tiền để lo cho bữa ăn hàng ngày nên sức khỏe chị ngày càng yếu đi. Vợ ốm nhưng anh Khanh cũng không biết chăm sóc. Không biết rồi đây, khi chị không còn nữa ai sẽ lo cho chồng và con đây”, chị Nguyễn Thị Thúy, hàng xóm nhà chị Thảo cho biết.
Người chồng của chị Thảo từ khi bán bò cũng không có việc gì để làm. May mắn có người bà con thương tình nhờ anh đi chăn bò, nếu bò đẻ con sẽ được nhận bê làm vốn. Sáng lùa bò đi ăn, trưa lùa về, lúc tỉnh táo thì anh Khanh nấu cơm giúp vợ, lúc không được bình thường chỉ biết ngồi một chỗ. Con trai chị tan trường về giúp mẹ vệ sinh cá nhân, làm việc nhà và nấu ăn. Nhìn mẹ thều thào thở mà Thái rơi nước mắt.
Tâm nguyện cuối đời
Cuộc sống gia đình càng khó khăn và bế tắc khi bệnh tình của chị đã đến mức báo động, phải chữa trị theo lịch khám của bác sĩ. Không xoay được tiền, chị Thảo lại hoảng sợ vì sức khỏe ngày càng yếu. Người phụ nữ này lo lắng sau này mất đi, ai sẽ lo lắng cho chồng con. Chị chỉ mong đứa con trai được ăn học đến nơi, đến chốn, sau này có công việc ổn định để lo cho người bố tội nghiệp.
Tâm nguyện của chị khiến chúng tôi rưng rưng nước mắt. Thương chồng con nhưng chị Thảo biết làm gì khi mọi con đường đều là ngõ cụt, sự sống bây giờ chỉ tính bằng ngày.
Tròn 17 tuổi nhưng trông Đạt vẫn ngờ ngệch và trẻ con. Một mai khi mẹ không còn nữa, bố lại không bình thường, em biết bấu víu vào ai để tiếp tục con đường học vấn? Biết được hoàn cảnh Đạt khó khăn, thầy cô và bạn bè cũng ủng hộ nhưng số tiền chẳng đáng là bao. Ban giám hiệu nhà trường cũng tạo điều kiện miễn giảm cho một số khoản, nhưng trong trường hợp như vậy Đạt không có tâm trí để học hành.
“Mong muốn lớn nhất của em bây giờ là mẹ khỏi bệnh. Từ khi mẹ bị như vậy đến giờ cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Em cũng không còn tâm trí để học tập nữa. Em chỉ mong nhanh chóng tốt nghiệp cấp 3 để đi kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Nhìn mẹ đau đớn bệnh tật em không đành lòng”, Đạt nghẹn ngào nói.
Ông Ngô Xuân Thành, xóm trưởng 9A, xã Hưng Long cho biết: “Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Thảo thuộc diện hộ nghèo của xóm. Chị mắc bệnh ung thư vú khiến cuộc sống gia đình rơi vào cảnh bĩ cực. Bao nhiêu tài sản trong nhà đều phải bán hết để chữa bệnh cho chị. Thế nhưng, bệnh tình chị Thảo không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ chị ấy vượt qua cơn bạo bệnh để lo lắng cho chồng và con”.
Mọi đóng góp giúp đỡ xin gửi về:
- Chị Nguyễn Thị Thảo trú tại xóm 9A, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
SĐT: 01633 26 39 06
- Hoặc: Văn phòng đại diện tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên – Báo điện tử Người Đưa Tin
Số tài khoản: 220 0101 0767776, ngân hàng MaritimeBank, chi nhánh Nghệ An.