Tắm nước lá cho "lành" thành sinh bệnh

Tắm nước lá cho "lành" thành sinh bệnh

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Chẳng biết có trừ được tà ma hay không, công dụng thật như thế nào nhưng ở viện Da liễu, rất nhiều mẹ trẻ đưa con đến khám vì bị nhiễm trùng da.

Đua nhau tắm nước lá, quả, cỏ cho con

Chị Hà Ngọc Hường là công chức Hà Nội, về quê chồng ở Hưng Yên sinh nở. Chị Hường sinh bình thường, sau 1 hôm cả mẹ và bé được về nhà. Mẹ chồng chị Hường là "người cổ". Biết con dâu và cháu về nhà ở cữ đã dự trữ đủ các loại lá để xông cho mẹ, tắm cho bé. Trong đó, nhiều nhất là lá tre, tía tô (cho mẹ) và lá chè, mướp đắng cho bé. Ngày nào mẹ chồng cũng đun cho chị Hường 1 nồi nước xông kèm theo 1 nồi nước tắm cho bé.

Xã hội - Tắm nước lá cho 'lành' thành sinh bệnh

Trẻ bị dị ứng khi tắm lá.

Theo giải thích của bà thì tắm lá chè rất tốt, nó giúp mịn da, tẩy được gây còn bám trên người bé (sau khi ở bụng mẹ ra). Ngoài lá chè, bà còn đun cả quả mướp đắng tươi lấy nước tắm cho bé. Nghe người mách, hôm khác, bà đun lá bưởi, lá ruối, lá dâu... tắm cho bé. Hơn nửa tháng sau, da bé không mịn mà bắt đầu sẩn, mọc nốt nhỏ li ti, mọng nước ở bên trong.

Không chỉ các mẹ trẻ ở khu vực nông thôn, nhiều mẹ trẻ ở thành phố cũng thi nhau tắm nước lá cho bé, tạo cho bé hòa nhập với môi trường thiên nhiên ngay từ nhỏ. Với lý do đó, chị Nguyễn Vân Hà - Giám đốc một công ty tư nhân đã bắt chồng về tận quê (ở Phú Thọ) tìm đủ các loại lá lên cho mẹ xông và bé tắm. Ngày nào, anh chồng cũng phải đun nước lá để nguội để bà pha với nước sôi, vừa đủ, tắm cho bé.

Vùng quê trung du là đất trồng chè, ngoài lá chè thì sài đất, lá chân vịt, lá dẻ quạt cũng rất nhiều. Thế là, mỗi hôm, bé được tắm 1 loại lá khác nhau. Ngoài ra, mẹ bé con bắt bố đi mua chanh tươi, quả dừa nhiều nước về vắt nước, lấy nước dừa nguyên chất tắm cho bé. Mẹ bé mong muốn, bé có làn da trắng sáng, mịn, đẹp tự nhiên. Bé lớn lên không bị rôm, không bị chốc đầu...

Tham khảo trên diễn đàn chăm trẻ sơ sinh, chị Hường và chị Hà rất tâm đắc vì mình đã tắm cho con được nhiều loại lá hơn các bà mẹ khác. Thế nhưng, da bé chưa đẹp thì đã phải nhập viện vì nhiễm trùng da.

Thi nhau đưa con đi điều trị bệnh về da

Bác sỹ Hoàng Thế Trường - khoa Khám bệnh - bệnh viện Da liễu TW cho biết: Số lượng trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng da do các mẹ tắm nước lá cho bé được đưa đến viện khám ngày càng tăng. Có ngày, riêng tôi khám cho 7 bé. Biểu hiện ban đầu dễ thấy nhất của bé khi bị viêm da là sốt, một số vùng da hoặc toàn thân xuất hiện mẩn đỏ.

Với kinh nghiệm dân gian, nhiều người bà cho rằng, sau khi tắm lá nếu mẩn đỏ phát ra ngoài da thì một vài ngày sau sẽ đỡ và vẫn tiếp tục tắm nước lá. Đến khi nhập viện thì có bé trong tình trạng viêm nhiễm nặng, phải điều trị dài ngày. Cá biệt, có bé bị viêm, nhiễm trùng ở vùng mặt, đầu, cổ, nơi tập trung nhiều mạch máu, gần hệ thần kinh nhìn rất tội. Nhiễm trùng ở vùng này có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.

Bác sỹ Trường kể: "Cách đây 1 tuần, tôi vừa khám cho 1 bé mới 3 tuần tuổi. Tất cả vùng da ở cổ, ngực của bé đều bị loét. Nếu không loét thì có mụn nhỏ li ti, mọng nước và có thể loét ra bất kỳ lúc nào. Mẹ bé khóc lóc phản ánh rằng, tắm nước lá chè, nước lá sài đất, quả mướp đắng cho bé. Tắm nước lá chè được 2 hôm, thấy da bé sẩn đỏ, người mẹ trẻ tưởng bé không thích ứng với nước lá chè, chuyển sang tắm cho con bằng nước lá sài đất, rồi tắm nước quả mướp đắng... Sau 4 ngày điều trị kháng sinh đặc trị, bé đã đỡ viêm, chắc chắn không nhiễm vào đường huyết nhưng bé rất yếu vì lượng kháng sinh/ngày vào cơ thể khá lớn. Nếu không điều trị tích cực, bé sẽ không qua khỏi mà điều trị tích cực, sau này bé có bệnh gì đó, dùng kháng sinh sẽ rất khó khăn. Vì ngay từ nhỏ, bé đã phải dùng kháng sinh liều cao".

Xã hội - Tắm nước lá cho 'lành' thành sinh bệnh (Hình 2).

Đây là lá chè tươi đun lấy nước tắm cho bé.

Vì sao, tắm nước lá đã đun sôi, bé vẫn bị nhiễm trùng? Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nhiều gia đình tự mua các loại lá, đun sôi lấy nước tắm cho trẻ sơ sinh. Họ tưởng nước lá đó vô hại nhưng với trẻ sơ sinh thì hoàn toàn khác. Da của trẻ rất mẫn cảm, dễ phản ứng với mọi thứ bên ngoài (vì trước đó quen môi trường trong bụng mẹ). Muốn trẻ thích ứng được thì phải có thời gian. Nhiều trẻ có phản ứng trên da ngay sau khi được tắm nước lá vì vi khuẩn gây bệnh còn trong nước lá.

Theo tiến sĩ Dũng, nước lá là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, da của trẻ sơ sinh rất mỏng, dễ bị tổn thương và dẫn đến nhiễm trùng da. Tiến sĩ Dũng khẳng định, trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng da do tắm các loại lá, quả, cỏ cây không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ rất dễ biến chứng chuyển thành nhiễm khuẩn đường huyết. Nếu cả 2 nhiễm khuẩn cùng tồn tại, cùng phải điều trị một thời điểm, chắc chắn, sẽ để lại di chứng về da, các di chứng không tốt khác cho sự phát triển của bé sau này.

Bác sỹ Trường bộc bạch, mùa nào cũng có trẻ sơ sinh đến khám vì viêm da do tắm các loại lá, quả, cỏ. Các bà mẹ trẻ không thể biết được những loại cây lá, quả, cỏ đó mọc ở bờ, bụi... là những chỗ rất bẩn, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi đem về nhà, nếu không được rửa sạch, được đun thật sôi thì nó chính là mầm bệnh lây lan, gây bệnh cho bé và mẹ. Bác sỹ Trường nhấn mạnh, một số loại vi khuẩn gây bệnh, dù đã ở nhiệt độ sôi 100 độ C nhưng vẫn không chết, vẫn có khả năng gây bệnh cho bé khi gặp môi trường thích hợp để phát triển.

Lời khuyên của các bác sỹ là các mẹ đừng tự tiện tắm nước lá, cỏ, quả cho bé. Da bé mỏng, nhạy cảm, dễ nhiễm bệnh.

Bác sĩ Lê Tố Như, Phó khoa Sơ sinh bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng, không phải bé sơ sinh nào tắm lá cũng gây các phản ứng trên da. Một số biện pháp dân gian như tắm bằng quả mướp đắng, lá chè tươi, tắm chanh hay một số loại lá cây khác cho bé cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng thích ứng được những loại nước lá và quả này. Trong khi đó, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da có những đặc tính rất khác biệt như mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ nhiễm khuẩn. Do đó, việc làm sạch da hàng ngày cho bé cần phải đúng cách, nên theo chỉ dẫn của bác sỹ sẽ tránh được những "tai nạn" đáng tiếc xảy ra cho da của bé.

Nguyễn Thanh Hòa


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.