Tuổi thơ côi cút
Ngồi trước mặt tôi là cậu bé Phan Thanh Quyết, 16 tuổi, quê tỉnh Bình Dương. Em vào trường giáo dưỡng vì nhiều lần trộm cắp. Nhìn cậu bé với khuôn mặt hiền lành, đôi mắt buồn thăm thẳm, không ai nghĩ ngoài đời, Quyết từng là đứa trẻ hư hỏng, trộm cắp “thành thần”.
Quyết nói, em không nhớ mình đã lấy trộm những gì, bao nhiêu lần nhưng cậu lại nhớ như in chuyện bố bỏ mẹ đi lấy vợ khác từ lúc cậu mới 6 tuổi. Rất khó khăn để Quyết nhớ đến quá khứ quá buồn của mình nhưng khi có cơ hội chia sẻ, Quyết đã trải lòng rất nhiều.
Quyết buồn bã nói: “Em không muốn nhắc đến bố. Em không oán trách ông ấy nhưng thật tâm em không muốn nhớ đến ông ấy tí nào. Em nghĩ bố em đã không còn nhớ rằng ông có một đứa con như em. Gần mười năm rồi, em chưa một lần gặp lại ông ấy”. Quyết nói, em không nhớ được khuôn mặt của bố mình. Nhưng em vẫn nhớ ngày ông ra đi, mẹ em đã khóc nhiều như thế nào và cả những ngày sau đó, bà vẫn khóc thầm mỗi đêm.
Quyết kể, bố mẹ em vốn là hàng xóm của nhau, cùng lớn lên trong gia đình nông dân nghèo. Nhà gần nhau nên hai người lớn lên, yêu và lấy nhau như bao cặp đôi khác. Cuộc sống khó khăn đã khiến cuộc hôn nhân ấy sớm rạn vỡ. Mâu thuẫn gia đình càng ngày càng tăng khi nghề thợ hồ của bố và đồng lương thợ cạo mủ cao su của mẹ Quyết chẳng đủ trang trải cuộc sống. Rồi trong một lần đi làm, bố Quyết đã thích một người đàn bà khác. Ông gây sự với mẹ Quyết rồi bỏ nhà đi. Một mình mẹ nuôi Quyết lớn khôn. Và chỉ 5 năm sau khi bố bỏ đi, mẹ Quyết cũng đi lấy chồng.
Quyết buồn bã nói: “Mẹ em còn trẻ mà, mới hơn 30 tuổi nên chuyện mẹ lấy chồng là bình thường. Lúc đó, em mới hơn 10 tuổi. Nghe bà ngoại nói chuyện mẹ sẽ đi lấy chồng, em khóc rống lên. Lúc đó, em thấy mẹ cũng khóc nhiều. Nhưng rồi mẹ vẫn theo người ta. Sau đó, em ở với ông bà ngoại, ông bà ngoại già rồi nên chỉ biết bán vé số nuôi em”.
Ba bỏ đi lấy vợ rồi đến lượt mẹ cũng đi lấy chồng, hơn 10 tuổi, cậu bé đã sớm cảm nhận nỗi cô đơn dù được ông bà ngoại rất mực yêu thương. Nhưng tình yêu ấy cũng không đủ để cậu bé thấy vui và hạnh phúc. Quyết tâm sự: “Nhiều lúc thấy bạn bè có bố mẹ đưa đi học, đi ăn, đi chơi, em thèm lắm. Em ước được ba mẹ đưa đi ăn một lần, hoặc được đến trường đón em sau mỗi lần em đi học về. Nhưng chẳng bao giờ em có được. Ông bà em đi bán vé số cả ngày, khi về, ông bà cho em ít tiền ăn sáng, ăn trưa. Buổi tối, bà mới về nấu cơm cho em ăn”. Những buổi cơm chiều không có bố mẹ, cuối buổi học cũng không ai đón đưa làm cậu bé luôn thấy buồn tủi...
Luôn mơ có cả ba lẫn mẹ
Không ai chăm sóc, không ai bảo ban, Quyết dần trở thành con ngựa bất kham. Ngoài giờ đi học, Quyết lấy tiền ông bà cho ăn sáng theo bạn bè vào các tiệm game chơi điện tử. Lúc đầu, em chỉ chơi chút ít thời gian. Nhưng càng ngày, thời gian Quyết “ngồi đồng” ở tiệm net nhiều hơn thời gian đến trường. Đến lúc nhận ra mình không thể bỏ thú vui vô bổ đó thì Quyết đã nghiện game.
Để thỏa thú chơi game, những ngày đầu, Quyết dùng tiền ăn sáng. Nhưng khi nghiện, số tiền ít ỏi đó không đủ để em thỏa mãn cơn ghiền. Không đủ tiền chơi, Quyết nghĩ ra cách đi trộm cắp. Em thành thật kể: “Em mê chơi điện tử lắm, nhưng vì không biết kiếm đâu ra tiền, lại còn nhỏ nên em đã nghĩ đến chuyện đi ăn cắp. Em đi trên đường, thấy ai hở ra cái gì như xe đạp, điện thoại là em trộm. Hàng xóm sơ hở em cũng lấy đi bán. Em bị bắt mấy lần nhưng do chưa đến tuổi khởi tố hình sự nên em bị đưa vào đây”.
Từ ngày vào trường giáo dưỡng, thi thoảng ông bà ngoại Quyết có đến thăm, mua chút quà cho cháu rồi lại vội vã với việc mưu sinh. Khi tôi hỏi Quyết mẹ có đến thăm lần nào hay không, Quyết cúi đầu lau nước mắt nói: “Mẹ em chỉ đến thăm một lần. Lúc đến thăm, mẹ khóc nhiều lắm. Mẹ nói mẹ còn 2 em nhỏ ở nhà nên không có thời gian chăm sóc em. Mẹ nói là em cố gắng nghe lời các thầy rồi hết thời gian học ở đây về với ông bà xin việc mà làm. Mẹ nói nhiều nhưng lúc ấy em khóc nhiều quá nên không nhớ gì nhiều. Lúc đó, em chỉ thấy vừa thương vừa giận mẹ”.
Quyết nói từ khi vào trường, tuy có nhớ ông bà nhưng không hiểu sao Quyết lại vui hơn ở nhà(?!). Bởi, ở đây Quyết được ăn uống ngày 3 bữa, được ngủ đúng giờ, có bạn bè và nhất là có các thầy cô để trò chuyện. Quyết chia sẻ: “Nói ra thì không ai tin nhưng vào đây em vui lắm. Em thấy không khí ở đây ấm áp hơn cả ở nhà. Tuy em không biết không khí ấm áp của gia đình như thế nào nhưng ở đây có thầy cô, bạn bè, được tâm sự, ăn cơm chung em vui lắm. Các bạn ở đây có nhiều hoàn cảnh giống em nên chúng em thương nhau hơn”.
Quyết kể, ở trường, em được dạy dỗ phải lễ phép với người lớn, rồi ăn cơm phải có giờ giấc. Quyết nói: “Lúc ở với ông bà, em ăn cơm bên ngoài nhiều. Chỉ buổi chiều bà mới về nấu cơm. Nhưng vì để kịp giờ đi bán vé số đêm nên có lúc, bà ăn trước. Em đi chơi về, cầm tô xúc ăn cho có chứ không được ngồi quây quần bên nhau. Ở đây, khi em buồn hay có chuyện gì, thầy cô cũng hỏi han rồi khuyên em. Những điều này, trước đây, em chưa bao giờ có”.
Cuộc sống ở trường giáo dưỡng đối với Quyết là nơi quá tốt so với tuổi thơ của em. Nhưng, dù sao Quyết vẫn luôn mơ ước có một gia đình hạnh phúc. Quyết tâm sự: “Nói gì thì nói, em vẫn luôn ước có một gia đình có cả ba và mẹ. Nhiều đêm, em khóc vì nghĩ tại sao nhiều người đều có gia đình trọn vẹn mà em thì lại không. Em cứ nghĩ mãi, tại sao bố mẹ em lại không bao giờ nghĩ về em. Nhưng rồi em cũng tự an ủi, có nhiều bạn ở đây còn khổ hơn em nhiều nên em cố gắng học hành tốt, nghe lời các thầy cô để sau này về với gia đình”.
Trải lòng với tôi xong, Quyết lặng lẽ quay lưng về phòng. Nhìn dáng cậu bé đi, tôi không khỏi chạnh lòng. Đang ở vào tuổi đẹp nhất đời người nhưng cậu đã phải chịu biết bao nỗi buồn, thiếu thốn cả tinh thần đến vật chất. Chính những điều ấy khiến cậu trượt dài trong lỗi lầm.
Tôi mong, với những gì đã trải qua và khi được các thầy cô giáo dạy dỗ, sau này, Quyết sẽ trở thành một công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
Trong suốt buổi trò chuyện với tôi, Quyết tâm sự: “Bây giờ em chỉ mong được ăn cơm với ba mẹ một lần. Chỉ cần được ngồi quây quần bên mâm cơm, nói chuyện vui vẻ như bao gia đình khác là em hạnh phúc lắm. Cứ nghĩ đến chuyện này là nước mắt em lại lăn dài. Những điều giản đơn ấy sao em thấy khó quá chị ạ”… |