Tâm sự chiều cuối năm của một phạm nhân từng là thầy giáo

Tâm sự chiều cuối năm của một phạm nhân từng là thầy giáo

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 2, 16/01/2017 09:28

Bữa cơm cuối năm ở trại giam không khác những bữa cơm thường, nhưng ở đó chất chứa nhiều hơn tâm sự của những phạm nhân với biết bao lỗi lầm trong quá khứ...

Mâm cơm chiều cuối năm

Bên mâm cơm chiều tại trại giam Nà Tấu (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) những ngày Tết đến, xuân về, Thượng tá Vũ Thế Chuyền – Phó Giám thị trại giam vừa đếm số người trong mâm cơm vừa cười bảo: “Các đồng chí có thấy gì trùng lặp không. Tất niên năm trước, cũng 13 người ngồi quây quần bên mâm cơm. Bây giờ cũng đang 13 người ngồi đây, quanh mâm cơm này để cùng chào đón một mùa xuân nữa lại về. Năm trước, lúc đầu ngồi 2 mâm nhưng tôi bảo, tại sao phải 2 mâm, dồn hết lại làm 1 cho vui”.

Nói rồi, Thượng tá Chuyền lại quay sang chúng tôi: “Có khi nào các bạn ngồi ăn cơm trong 1 mâm đông người mà ấm cúng như thế này chưa?”. Không đợi chúng tôi kịp trả lời, tất cả lại cười rôm rả. Đó là không khí chung tại trại giam Nà Tấu những ngày cuối năm.

Trong bữa cơm ấy, Thượng tá Chuyền kể cho chúng tôi câu chuyện của rất nhiều phạm nhân đang cải tạo tại đây. Có người là thầy giáo phạm tội; có người là cán bộ công chức một chi cục thuế ở Điện Biên nhưng vì ghen mà dùng hung khí đâm vợ và phạm tội Giết người; người vì vài ba triệu đồng để mua sữa cho con mà vô tình tham gia vào đường dây mua bán người, để rồi ngày trở về chứng kiến vợ đi lấy người khác, con ngơ ngác nhìn mình không chịu gọi bằng bố...

Xã hội -  Tâm sự chiều cuối năm của một phạm nhân từng là thầy giáo

Quang cảnh tại Trại giam Nà Tấu

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên rõ, Trung úy Nguyễn Ngọc Hiếu - cán bộ giáo dục trại giam Nà Tấu dẫn chúng tôi đi thăm trại. Đi qua những bóng áo sọc kẻ - các phạm nhân đang trong quá trình cải tạo tại đây, những câu chào “cán bộ” từ các phạm nhân khiến chúng tôi thấy đầy hy vọng về quá trình cải tạo của họ.

Trung úy Hiếu cho biết, các phạm nhân ở đây chủ yếu người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa với cuộc sống nghèo khó, trình độ hiểu biết còn nhiều hạn chế. Và cũng phần đông trong số họ phạm các tội về mua bán người; tàng trữ - mua bán chất ma túy. “Chúng tôi dạy họ những kỹ năng để khi trở về với xã hội sẽ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, hướng dẫn họ cách làm nương, học nghề như làm vàng mã, khâu bóng... để sau này ra ngoài dễ dàng kiếm công ăn việc làm”, Trung úy Nguyễn Ngọc Hiếu nói.

Nỗi niềm phạm nhân

Trong lúc ngồi đợi lớp học kỹ năng hòa nhập cộng đồng mà Trung úy Hiếu sẽ giảng cho một vài phạm nhân với chủ đề Lập nghiệp, chúng tôi có dịp trò chuyện với một trong các phạm nhân. Đó là phạm nhân Nguyễn Trọng Tuệ (quê Tam Đường, Lai Châu) với quá khứ của một “thầy giáo phạm tội” nhưng sau quá trình được các cán bộ Trại giáo dục, Tuệ đã có “niềm tin hướng thiện”.

Phạm nhân Tuệ tâm sự, anh vốn là một thầy giáo sinh ra trong “gia đình cơ bản”. Cuộc sống sẽ cứ êm đềm trôi qua nếu như “ông giáo làng” biết kiềm chế bản tính nóng nảy của mình.

“Ngày 27/2/2013, tôi đi Sa Pa du xuân thì nhận được điện thoại mẹ báo tin có người say rượu đến nhà đánh bố gãy tay. Tôi lái xe quay lại để đưa bố đi viện nhưng trên đường về tôi gặp người mà mẹ vừa nhắc tới trong điện thoại, đang đi ngược chiều. Tôi đã lái xe đâm thẳng vào anh ta. Tôi ra đầu thú và bị khép tội giết người với mức án 5 năm tù. Cuộc sống của một thầy giáo đã khép lại sau song sắt kể từ giờ phút đó”, anh Tuệ trải lòng.

Xã hội -  Tâm sự chiều cuối năm của một phạm nhân từng là thầy giáo (Hình 2).

Lớp học kĩ năng hòa nhập cộng đồng tại Trại giam Nà Tấu

 

“Ngồi trong trại giam tôi vô cùng ân hận. Càng hận mình tôi càng cảm thấy mất phương hướng, mất niềm tin vì ngày trở về còn rất dài. Nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng cán bộ trại giam Nà Tấu đã kịp thời nắm bắt tư tưởng, gặp gỡ và chỉ cho tôi hướng cải tạo. Tôi ấn tượng câu nói của cô Phạm Thị Hương Giang: “Các anh bên ngoài xã hội dù là ai, làm gì với những lý do chủ quan hay khách quan, mà vi phạm pháp luật, khi vào đây, chúng tôi là những người định hướng, giáo dục các anh  để trở về xã hội. Dù các anh có hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng hãy biến những điều không thể thành có thể...”, phạm nhân Tuệ kể.

Anh nói tiếp: “Từ câu nói này tôi đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn và được xếp loại cải tạo khá tốt. Tôi tin rằng, chỉ cần cầm tờ giấy mãn hạn tù về tôi sẽ là người lương thiện. Giờ đây tôi tin vào tương lai. Tôi biết, cuộc sống không có phép màu. Đối với chúng tôi chỉ cần có con đường “nỗ lực cải tạo thật tốt” là lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả mọi người đã giúp chúng tôi nhìn ra giá trị đúng nhất của cuộc sống...”.

Đó là những dòng tâm sự của phạm nhân Nguyễn Trọng Tuệ trong những ngày giáp Tết Đinh Dậu. Anh bảo, ngày gây án cũng là vào mùa xuân, những ngày Tết. Cũng gần 4 năm trôi qua, 4 năm không được ăn Tết cùng gia đình, 4 năm người thầy giáo không được đứng trên bục giảng. Bao nhiêu nỗi niềm đều gửi lại sau song sắt trại giam.

Xã hội -  Tâm sự chiều cuối năm của một phạm nhân từng là thầy giáo (Hình 3).

Ánh mắt đượm buồn của Sùng Seo Sì trước ngày trở về với cộng đồng sau rất nhiều biến cố gia đình từ ngày anh vào Trại giam

Còn với Sùng Seo Sì (28 tuổi, nhà ở thôn Phố Mới, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), 1 trong 16 phạm nhân được đặc xá tại trại giam Nà Tấu (tỉnh Điện Biên) lại là tâm sự khác. Tâm sự của người được trở về với cộng đồng, với gia đình nhưng mang nỗi đau lớn trong tim khi tổ ấm gia đình mà anh có được trước khi bước vào trại giam, giờ đây chỉ là ánh mắt ngơ ngác của hai con nhìn anh như người xa lạ và tờ đơn ly hôn anh được người nhà cất giữ giúp.

Từ hôm biết tin mình sắp được trở về với gia đình, Sì đếm từng ngày với bao dự tính tương lai. Trong đó, điều mong mỏi nhất của người đàn ông ấy là được nghe tiếng gọi “bố” của hai đứa con thơ và tìm việc kiếm tiền nuôi con. Trong thâm tâm Sì luôn muốn “vết đen” ấy được chôn vùi cùng quá khứ buồn khi nó khiến Sì mất đi tất cả, từ gia đình tới công việc cũng như một vài sự quan tâm mà lẽ ra anh đã có.

Gần 4 năm thụ án tại trại giam Nà Tấu, Sùng Seo Sì có một lần được gặp hai con trai. Nỗi đau lớn nhất trong anh là thời khắc hai con nhìn bố như người xa lạ. Cho đến tận lúc này, Sì vẫn không quên ánh mắt ấy. Anh nhìn lại con và khóc. “Đau lắm nhưng chẳng biết làm sao được”, Sì nói.

Và càng đau đớn hơn khi ngày trở về cận kề cũng là lúc vợ chồng chính thức ly hôn. Theo lời kể của Sì, tháng Sáu, anh được vợ thông báo sẽ chia tay. Hỏi nguyên nhân, anh nhận được câu trả lời “mọi chuyện đã kết thúc” của vợ.

Năm nay Sì sẽ có một cái Tết đoàn viên. Nắm tay chúng tôi thật chặt trước lúc trở về với cộng đồng, Sì không quên câu chào: “Các cán bộ nhớ lên ăn Tết với gia đình em nhé”. Cái bóng lầm lũi của Sì khuất dần, khuất dần sau những ngọn đồi đang được che bởi lớp sương mù dày đặc. Phía trong sân trại giam Nà Tấu, những bông hoa đào đang nở rộ...   

Nguyễn Huệ

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.