Trong quá trình công tác, tôi và nhiều đồng nghiệp đã thức trắng hàng trăm đêm để cứu sống biết bao mạng người thập tử nhất sinh với hết trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc. Tôi không cần người nhà bệnh nhân bỏ bì thư biếu xén ơn nghĩa (tôi và các đồng nghiệp đã nhiều lần từ chối không nỡ nhận), nhưng chỉ cần những nghĩa cử chân thành cảm thông trân trọng từ đáy lòng của bệnh nhân và thân nhân.
BS Ngô Duy Hoàn (phải), BV Đa khoa Vũ Thư tỉnh Thái Bình bị người nhà bệnh nhân đâm
Suốt 34 năm, mỗi năm có một ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02) nhưng chẳng có năm nào tôi và các đồng nghiệp được một đại diện của người bệnh và thân nhân của họ trong địa phương đến dự để tỏ lòng trân trọng và nhớ đến các thầy thuốc trong hội nghị mừng ngày 27/2 do Nhà nước hay cơ quan tổ chức hay trong chốn riêng tư (chỉ có đại diện chính quyền, một số cơ quan ban nghành và các đồng nghiệp tự an ủi lấy nhau - khác hẳn với ngày nhà giáo Việt Nam).
"Hết rên quên thầy" là một cụm từ mà anh em thầy thuốc hay cười buồn nhắc nhau. Nhà nước, xã hội, các cơ quan truyền thông - dư luận và người bệnh luôn đòi hỏi người thầy thuốc phải làm hết, làm trên sức mình để khám chữa bệnh, cứu người nhưng ngược lại họ xem thầy thuốc như là những người ngoài hành tinh hay những cỗ máy chỉ sống bằng hương hoa mà thôi (hoặc có thể họ nghĩ rằng đa số thầy thuốc đều giàu có do bóc lột bệnh nhân). Họ không nghĩ rằng thầy thuốc cũng là một con người có thân phận và tình cảm như mọi người mà thôi. Theo tôi biết thì ở nước ta chỉ khoảng 30 % thầy thuốc có đời sống từ tương đối khá trở lên, số hơn 70% thầy thuốc nhất là ở các cơ quan y tế công ở tỉnh, huyện, xã vẫn còn có đời sống rất khó khăn, chật vật.
Hơn 80% đơn vị BV công trong cả nước chẳng có vệ sĩ theo đúng nghĩa như các ngân hàng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn. Công an địa phương thì khi có sự cố lớn họ mới được mời đến nhưng thường thì rất chậm trễ khi ... sự đã rồi! Anh em thầy thuốc vừa lo cứu người vừa nơm nớp lo sợ không biết có tai họa gì sẽ giáng lên đầu mình không do các "thượng đế" nóng giận bất chợt. Đành rằng có một số thầy thuốc còn thiếu trách nhiệm, thiếu y đức, thiếu năng lực chuyên môn, còn chủ quan trong đánh giá và tiên lượng bệnh dẫn đến những hậu quả không tốt cho bệnh nhân nhưng tôi nghĩ rằng đó không phải là con số đông và khi có những tình huống như vậy thì ta không nên vội quy chụp hoàn toàn trách nhiệm cho những thầy thuốc đó.
Nhà nước, xã hội, địa phương cần có cái nhìn khách quan hơn, vô tư hơn, ít thành kiến hơn để tìm ra mọi nguyên nhân kết hợp và mang tính tổng quan hơn ví như vấn đề cơ chế đào tạo, cơ chế tổ chức tuyển dụng, cơ chế sử dụng cán bộ nghành y, cơ chế sử dụng nguồn ngân sách kinh phí, vật tư, cơ sở, TTBYT...cho các đơn vị y tế, BV đã hợp lý chưa, có vấn đề tha hóa tiêu cực không? rồi vấn đề đãi ngộ, lương tiền đời sống cho TT đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho họ chưa?..v.v... Tôi chưa kể cái văn hóa, văn minh của người dân trong đối xử, giao tiếp ở nhiều địa phương đối với thầy thuốc còn quá thấp kém và mang nhiều thành kiến không hay. Họ cứ nghĩ rằng: "Thầy thuốc phải như mẹ hiền" trong mọi tình huống kể cả khi "con cái" quá hư đốn, hỗn láo! Giả dụ như khi người mẹ hiền có mắc một số sai lầm nào đó thì con cái đâu có cho mình cái quyền lên mặt dùng roi vọt, quát tháo đe nẹt thậm chí gây thương vong cho mẹ mình ?
Ngành giáo dục, thường có câu nhắc nhở cho học trò và phụ huynh của họ từ xa xưa cho đến tận bây giờ và có thể là mãi mãi về sau: tôn sư trọng đạo, riêng ngành Y thì ở nước ta từ xưa tôi chưa thấy có câu nào tương tự như vậy để nhắc nhở người bệnh hay thân nhân của họ.
Nguyễn Quý Ninh (bác sỹ)