Bước đường sa ngã
Tại khu B (khu học viên nam- PV), trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh Yên Bái, anh Nguyễn Hữu Thế (sinh năm 1974, quê ở TP. Yên Bái) đang lúi húi chuẩn bị thức ăn cho các học viên trong khu bếp. Nghe các cán bộ của trung tâm giới thiệu có khách đến thăm, Thế có vẻ hơi khiên cưỡng tiếp chuyện. Thế nhưng, sau "màn chào hỏi", Thế có vẻ cởi mở hơn khi trò chuyện. Không những thế, anh luôn chủ động gợi chuyện với người đối diện. Anh không đợi tôi đặt câu hỏi mới trả lời mà dường như chạm mạch cảm xúc tuôn trào, anh kể vô thiên lủng chuyện vui buồn.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Thế sở hữu khuôn mặt sáng, đôi mắt trũng buồn và giọng nói khá trầm ấm. Trò chuyện với chúng tôi, trên khuôn mặt anh lộ rõ sự hoan hỉ, vui vẻ. Anh khoe rằng, còn hai tháng nữa anh được trở về nhà. Với Thế, những tháng ngày ở trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh Yên Bái là quãng thời gian anh cảm thấy cuộc sống êm ấm nhất?! Câu nói của Thế khiến tôi ngạc nhiên và có phần tò mò, bởi dường như niềm vui được trở về nhà của anh lại mâu thuẫn với chính lời anh đã nói ra. Có lẽ nào Thế muốn ở lại đây hơn trở về nhà? Hay, ẩn sau sự vui mừng ấy của anh lại là những nỗi lòng sâu kín?
Theo lời kể của Thế, sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở về quê hương và từng nộp hồ sơ xin việc ở một vài công ty nhưng mọi cơ hội đều đóng khép. Khi ấy (năm 1995), một chàng sinh viên học viện Tài chính mới ra trường với đầy nhiệt huyết như Thế cũng không thể nghĩ rằng mình lại thất nghiệp với tấm bằng loại khá trên tay. Anh lùng sục đi xin việc khắp nơi nhưng nơi nào anh "gõ cửa" cũng đều… thừa biên chế. Cuối cùng, anh phải lặn lội sang Sơn La để xin việc. Dẫu sao cơ hội cũng đã mở ra cho Thế khi anh được nhận vào cục Thuế Sơn La làm việc. Chín năm công tác tại đây, anh được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến và tin tưởng. Cái ngày mọi người biết tin anh dính vào "nàng tiên nâu", ai cũng ngỡ ngàng.
Họ không tin anh lại "bập" vào ma tuý. Bạn bè thân thiết đều gặng hỏi lý do vì đâu dẫn anh đến con đường lạc lối nhưng anh đều im lặng. "Sự thật vẫn là sự thật, không ai có thể chối bỏ sự thật, tôi đã tự mình vùi dập tương lai của mình", Thế ngậm ngùi.
Kể về con đường dính vào ma tuý, Thế nói với giọng đứt quãng và xen lẫn những cảm xúc. Thế nhớ lại, hồi mới lên Sơn La làm, anh lúc nào cũng chỉ vùi đầu vào công việc. Sau đó chỉ hai năm (năm 1997), các mối quan hệ được mở rộng, anh suốt ngày lu bù với các cuộc nhậu và bị bạn bè lôi kéo, Thế cũng không biết mình nghiện từ lúc nào. Những đồng lương ít ỏi đều được Thế "đốt" vào bàn đèn, hút sách. Hút thuốc phiện không "nặng đô", anh chuyển sang heroin. Dần dà, anh dính nghiện nặng đến mức phải chích. Những cuộc "bay" của Thế khiến anh quên hết cả khái niệm về thời gian, không gian. Anh lấy ngày làm đêm, mộng mị với những cơn ảo giác mà heroin đã mang lại. Thế bỏ bê công việc, ngập trong nợ nần và bị cơ quan buộc cho thôi việc.
Anh Thế đang chuẩn bị bữa trưa cho các cán bộ trong trung tâm
Chán nản vì bị sa thải, đầu óc lúc nào cũng phải quay cuồng với việc kiếm đâu ra tiền để "chơi" thuốc, Thế càng lún sâu vào ma tuý. Trong cơn bĩ cực, không tìm ra lối thoát, anh trở về Yên Bái với gia đình để mong nhận được sự cưu mang của người thân. Trong đầu anh lúc nào cũng viện ra đủ mọi lý do "móc hầu bao" của mẹ để lấy tiền mua thuốc. Thế nhớ lại: "Những lúc thèm thuốc, không có tiền, đầu tôi quay cuồng như con thú điên. Không phải lúc nào cũng có tiền để chơi "nặng đô". Thời điểm nghiện nặng, có ngày tôi "chơi" đến 4-5 lần, chơi liên tục khiến người rã rời, luôn "bay" trong ảo giác. Lần đầu vào trại vì tôi nghiện quá nặng nên việc cắt cơn khó khăn hơn người khác gấp bội".
Nói đến đây, khuôn mặt Thế bỗng rầu rĩ lạ thường, ánh mắt trũng buồn. Thế bảo rằng: "Nhà có bốn chị em, chỉ có duy nhất tôi là con trai nên được mẹ chiều chuộng hết mực. Dẫu rằng đã lớn nhưng mẹ lúc nào cũng xem tôi như con nít, chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Hễ tôi có yêu cầu gì mẹ đều đáp ứng. Về nhà được thời gian dài, mẹ tôi mới phát hiện ra tôi dính nghiện. Bà buồn lắm, mất ăn mất ngủ, người gầy rộc. Bà vận động tôi đi cai để làm lại cuộc đời".
Nghe lời mẹ, Thế làm đơn xin vào trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh Yên Bái để cai nghiện. Sau khi cai nghiện trở về nhà, Thế xuống Hà Nội xin việc làm. Nhưng công việc nào anh cũng chỉ làm được một thờâi gian rất ngắn. Anh lông bông, lang bạt khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để kiếm kế mưu sinh nhưng mỗi lần thôi việc khiến Thế càng trở nên chán nản, bất mãn. Trong quãng thời gian bám trụ ở Hà Nội, anh tình cờ quen một nhóm bạn xã hội, anh lại cuốn vào những cuộc chơi không bờ bến. Thế sống dạt vòm ở khu Làng Tám, Giáp Bát (Hà Nội) - nơi được xem là "ổ nghiện hút" của Hà Nội thời điểm đó và tái nghiện trở lại. Tất cả các "món" anh đều đã kinh qua, từ thuốc phiện đen, heroin đến "cỏ, ke, kẹo, đá"… "Cứ ngỡ thay đổi môi trường làm việc để dứt khỏi những cám dỗ bủa vây, nhưng không ngờ ma tuý không như thế. Nó như một loại ma lực không dễ dứt ra được", anh Thế nói.
Chia sẻ với phóng viên, Thế bảo rằng: "Mặc dù cả ba chị em gái đều chuyển về Hà Nội sinh sống và ngỏ ý muốn đón mẹ xuống sống cùng để tiện việc chăm sóc mẹ lúc ốm đau, bệnh tật. Song, mẹ tội đã nguyện sống côi cút một mình ở Yên Bái để thường xuyên vào trại thăm nom, động viên tôi. Giờ bà đã 73 tuổi rồi. Hàng tháng, bà vẫn đều đặn vào thăm tôi một lần. Những lúc đó, lòng tôi tủi hổ lắm, thân già sắp gần đất xa trời mà không nguôi nỗi lo cho cậu con trai lầm đường, lạc lối".
Hy vọng ngày về...trọn vẹn
Đó là mong mỏi mà Thế đã ấp ủ trong những ngày qua ở trại. Thế bảo rằng: "Tôi mong có một ngày trở về trọn vẹn!". Nghe anh nói, tôi có thể hiểu được hàm ý sâu sa mà anh muốn gửi gắm. Thế tâm sự, anh muốn hàn gắn lại tình cảm vợ chồng, muốn được trở về chăm sóc con cô con gái. Nhưng, anh không có đủ dũng khí để nói và mong vợ tha thứ cho những lầm lỗi của mình. Thế tâm sự: "Vợ chồng tôi đã ly thâm 5 năm rồi, cũng vì cô ấy không thể chấp nhận một người chồng nghiện ngập như tôi. Từ ngày tôi vào trại, cô con gái duy nhất một lần vào thăm bố. Nó không biết tôi đang cai nghiện mà chỉ nghĩ rằng bố đang làm việc tại đây mà thôi!".
Trò chuyện với phóng viên, anh đan xen nhiều cảm xúc và tâm trạng. Lúc thì anh nhắc đến mẹ, có khi đang kể chuyện hăng say về những ngày tháng sống trong "trại" anh lại chợt nhắc đến vợ và cô con gái. Thế rưng rưng nước mắt khi mỗi lần tôi ngỏ ý hỏi chuyện về mẹ và cô con gái của anh. Thế ngậm ngùi nói: "Cháu nó ngoan lắm nhà báo ạ. Năm nào cháu cũng được học sinh giỏi. Cháu đang sống với mẹ ở dưới Hà Nội. Chắc giờ cháu lớn lắm rồi, tôi thèm cảm giác được ôm con vào lòng quá! Tự tôi đã đóng khép hạnh phúc của mình, có hối cũng đã muộn".
Theo lời kể của Thế, đây là lần thứ hai anh phải quay trở lại trại cai nghiện. Lần đầu tiên cai nghiện, trở về tái hoà nhập cộng đồng, anh đã hơn một lần được vợ tha thứ và níu giữ anh trở về với gia đình. Thế tâm sự: "Tôi vào đây được hơn một năm rồi, công việc hàng ngày là làm việc tại bếp ăn của trung tâm. Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi từng ngày, không còn dính dáng gì đến ma tuý nên cũng cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn. Ở ngoài, từ khi vập vào ma tuý, tôi chưa có một cái tết nào vui vẻ, suốt ngày phải xoay tiền chơi thuốc". Nói đến đây ánh mắt Thế như ánh lên một tia sáng lạ thường. Dường như anh đang tìm lại sự lạc quan cho cuộc sống và không còn phải bế tắc với những toan tính xoay vần kiếm tiền "đốt" thuốc. Thế cười cười: "Giờ tôi không còn cảm giác thèm thuốc nữa. Vào đây tôi tăng lên bốn cân đấy. Tôi đang mong gặp lại vợ con tôi. Tôi đang ngóng từng ngày được trở về nhà để được mẹ giang rộng vòng tay nâng đỡ tôi vượt qua những thử thách đang đợi chờ phía trước".
Không chỉ riêng Thế, phần lớn những học viên mà tôi đã được tiếp xúc ở trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh Yên Bái đều thể hiện tâm tư, khát khao được sống, được yêu thương và mong được làm lại cuộc đời để thấy mình sống không là vô nghĩa!
Nhiều con đường dẫn đến ma tuý Trao đổi với PV, ông Lê Công Huấn - Phó giám đốc trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: Có rất nhiều đối tượng khác nhau vào đây cai nghiện. Có người từng là cán bộ, công chức Nhà nước, có người là những tay anh chị trong xã hội hoặc vì hoàn cảnh gia đình éo le, cũng có khi chỉ vì một phút bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ bị lao vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội để rồi tự đánh mất bản thân, lầm đường, lạc lối. Dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng những tháng ngày sống ở trung tâm, họ đã tự soi lại mình và nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống, phấn đấu, tu dưỡng mong sớm được hòa nhập cộng đồng. |
Ngân Giang