Những ngày gần đây, thông tin sự việc một giáo viên tại Trường tiểu học Bình Chánh quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh đang gây tranh cãi trái chiều.
Khi đọc được sự việc này, là một người theo ngành sư phạm đã 25 năm và tâm huyết với nghề. Cô giáo Lê Huyền đã viết nên những vần thơ “Nghề của mình…” để nói lên tâm tư về nghề giáo.
Bài thơ này đã nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin phép được đăng tải bài thơ:
NGHỀ CỦA MÌNH…
Nghề của mình buồn lắm phải không em?
Khi phụ huynh bắt cô quỳ xin lỗi.
Chỉ vì phút nóng lòng cô nông nổi
Trách phạt trò phải quỳ gối trước cô
Nhớ chúng mình những năm tháng trẻ thơ
Khi đến lớp bị thầy cô quở phạt.
Sợ cha mẹ về nhà đâu dám “mách”
Vì biết rằng mẹ sẽ phạt nặng hơn
Thời gian qua rồi, ta cũng lớn khôn.
Gặp thầy cô, vẫn ngồi ôn chuyện cũ.
Vẫn dạ, thưa… lời trò đầy hiếu lễ
Ơn thầy cô mà con đã nên người…
Thời gian qua rồi, đạo học đổi thay
Cô giáo thời nay ngày ngày lên lớp
Ngoài giảng bài còn bao nhiêu áp lực
Từ phía gia đình, từ phía phụ huynh
Cô phạt các con đâu được cho mình?
Mà cũng chỉ mong học sinh tiến bộ
Chỉ mong rằng phụ huynh đừng làm khó
Đừng coi con như “ông chúa, bà hoàng”
Muốn con mình thành những đứa trẻ ngoan
Hãy để con qua gian nan thử thách
Đừng chỉ vì một lần con bị “phạt”
Lại làm tổn thương nhân cách người thầy
Còn gì bằng cả xã hội chung tay
Tìm biện pháp để con ngày tiến bộ
Đừng phó mặc cho thầy cô dạy dỗ
Khi con hư lại đổ lỗi cho thầy
Có thể em buồn vì chuyện hôm nay
Nhưng hãy tin ngày mai rồi sẽ khác
Người dân ta với tinh thần “hiếu học”
Nghề của mình vẫn cao quý em ơi!
Chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin, cô giáo Lê Huyền (Giáo viên trường Tiểu học Ngọc Khê 1, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho biết: “Mấy ngày qua tôi đọc được thông tin một giáo viên tiểu học phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh, với lý do cô đã phạt một số học sinh quỳ trong giờ học.
Bản thân tôi cũng là một giáo viên tiểu học nên rất thương và thông cảm với cô giáo.
Tôi viết bài thơ này với mong muốn các bậc phụ huynh học sinh hãy có cái nhìn cảm thông hơn với nhà giáo chúng tôi, đồng thời hãy cùng chung tay với chúng tôi trong việc giáo dục con em mình”.