Đối tượng buôn người quê ở miền Tây
Trước đó, vào khoảng năm 2013, đối tượng Phạm Trường An (SN 1984, ngụ khu vực 13, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) xuất cảnh sang Trung Quốc và lấy chồng. Tại đây, An cùng chồng tìm những người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ Việt Nam rồi hứa hẹn sẽ tìm vợ cho họ với giá từ 90 đến 100 triệu đồng.
Khi về Tây Ninh, An móc nối và phân công cho một số đối tượng làm đầu mối, tuyển chọn phụ nữ và làm các thủ tục, giấy tờ để đưa sang Trung Quốc giao cho An bán làm vợ. Mỗi trường hợp “bán người” trót lọt, An trả công cho các đối tượng 20 triệu đồng. Để tuyển chọn các cô gái đem sang cho An, các đối tượng thường nói sẽ đưa các cô sang bên Trung Quốc làm việc với mức lương hậu hĩnh. Nếu may mắn lấy được chồng Trung Quốc, họ sẽ được thêm từ 20 đến 30 triệu đồng gửi về cho gia đình. Các thủ tục, giấy tờ và vé máy bay đều được người đưa đi lo liệu...
Thế nhưng, sang đến Trung Quốc, những cô gái này bị thu hết giấy tờ tùy thân và sau đó bị bán làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc ở vùng xa xôi, cuộc sống nghèo nàn, cực khổ. Từ năm 2013 đến nay, các đối tượng này đã bán sang Trung Quốc tổng cộng 6 phụ nữ, trong đó có 3 phụ nữ đã bị bán trót lọt, 3 phụ nữ đang làm thủ tục lên máy bay thì bị bắt quả tang.
Hành trình trở về của những cô gái nhẹ dạ
Trong số 3 phụ nữ đã bị bán, hai người tìm cách trốn được về Việt Nam là Vương Thị T. (29 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) và Nguyễn Khánh H. (32 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ). Đó cũng là hai trong số ít trường hợp may mắn đã trốn chạy và được giúp đỡ để về nhà.
Trước đó, để thoát nghèo, chị Vương Thị T. nghe lời một số đối tượng ra nước ngoài làm việc và trở thành nạn nhân bị lừa bán. Không khuất phục số phận, chị T. quyết tâm vượt qua những đau đớn, nhục nhã tìm đường trở về quê hương.
Trong ngôi nhà cũ nát, chị T. nghẹn nào nói: “Tôi cứ tưởng mình không còn có ngày trở về với mẹ và con của tôi. Thời gian ở bên Trung Quốc là thời gian kinh khủng nhất của mình. Tôi cứ nghĩ cuộc sống ở nước ngoài như thiên đường, ai ngờ là địa ngục. Cũng do nhẹ dạ cả tin, tôi mới sống khổ sở như thế”.
Trong dòng nước mắt, chị T. tâm sự, chị đã có chồng và một cô con gái, nhưng chồng chị không chí thú làm ăn, lại còn quan hệ lăng nhăng, gái gú. Thế nên, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Năm 2013, qua một số người, chị biết nhóm đối tượng đang cần tuyển một số cô gái Việt Nam sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao. Nghe vậy, chị T. đã đi ngay.
Không ngờ sang tới nơi, chị T. cùng mấy cô gái khác đều bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân. Chị được bán làm vợ cho một người đàn ông què ở đảo Hải Nam, Trung Quốc. Những ngày đầu tiên, chị T. vô cùng hoảng loạn, tìm mọi cách cự tuyệt chồng. Chị càng chống cự thì càng bị chồng đánh đập trong sự vô cảm, lạnh lùng. Chị sợ cứ tiếp tục thế này sẽ bị đánh rồi không biết chừng chết bỏ xác ở xứ người. Nghĩ thế, chị T. đã thay đổi và tính toán cho một cuộc đào tẩu khỏi nhà chồng.
Chị bảo, những ngày sau đó chị đã ngoan ngoãn, không tìm cách cự tuyệt chồng nên không còn bị đánh. Hàng ngày, chị theo gia đình nhà chồng đi làm. Bất đồng về ngôn ngữ, lối sống nên không biết nói gì và cũng không hiểu họ nói gì, chỉ biết làm việc quần quật như đứa ở. Thời gian đầu, chồng không cho đi đâu vì sợ chị bỏ trốn. Nhưng sau này, khi đã ngoan ngoãn nghe lời, không cự tuyệt nên chồng cũng tin. Vả lại, thấy chị làm việc chăm chỉ, không còn tỏ ý muốn về quê nhà, nhà chồng chị T. đã không còn quản chặt.
Chị T. nghẹn ngào nói: “Sang đó, nhiều chuyện kinh khủng lắm, nói là lấy ông chồng nhưng nhà đó 3 anh em trai. Hai anh già nữa không có tiền cưới vợ, nên tôi bị bọn họ cứ coi như vợ chung. Nhiều đêm bị 2 anh chồng hiếp dâm, tôi sợ lắm. Chồng thì què quặt, hơn nữa họ hiểu hoàn cảnh nên chồng tôi biết 2 anh hiếp vợ vẫn im lặng. Đó chính là sự nhục nhã nhất mà tôi phải chịu đựng, bây giờ nghĩ lại còn sợ hãi”.
Nhưng, chị bảo chị nghĩ đến việc bằng mọi giá bỏ trốn khỏi đây khi một hôm chị được chồng cho đi chợ và đã gặp vài người Việt Nam bên này. Họ qua đây trước, biết khá rõ về phong tục, đường đi lối lại. Khi biết hoàn cảnh của chị T., họ đều vô cùng cảm thông.
Thế rồi, cũng trong một lần đi chợ, như đã hẹn từ trước, họ giúp chị T. bắt xe và hướng dẫn các chặng lên xuống, bắt đầu hành trình trốn về nước. “Tôi rất may mắn khi chưa có con với người chồng bên Trung Quốc, chứ nhiều người có con rồi thì bị nhà chồng giữ con lại để làm tin”, chị T. nhớ lại.
Tìm hiểu cuộc sống hiện tại, chị T. cho biết, sau biến cố, gia đình cũng không nguyên vẹn. Chồng chị nhân việc vợ sang Trung Quốc làm việc đã chạy theo và sống với người đàn bà khác. Ngày chị đi, gửi con cho bà ngoại, giờ nó đã lên 10 tuổi. Đó cũng là niềm vui giúp chị nhanh chóng lấy lại tinh thần và có động lực làm việc. Đi làm, chăm con, với chị bây giờ thế là cũng may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người phụ nữ khác cùng rơi vào cảnh ngộ bị lừa bán.
Chị T. nói, bây giờ chị đi làm phụ hồ, cuộc sống tuy vất vả nhưng vui vì có gia đình bên cạnh. Đôi mắt nhìn xa xăm, chị T. thở dài: “Cuộc sống hiện tại cũng còn vất vả lắm, nhưng không có tiền mà an tâm hơn sống trên đất người. Lấy chồng như nô lệ tình dục, được sống với con gái, với mẹ là điều hạnh phúc nhất mà tôi muốn”.
Phụ nữ cần thận trọng, không nên tin vào lời giới thiệu việc nhẹ lương cao. Đại tá Trần Văn Luận, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: “Nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh vất vả, cuộc sống quá khó khăn nên khi bị người xấu dụ dỗ đi làm ăn với mức lương cao ở nước ngoài đã nhanh chóng đồng ý. Nhưng đa phần là bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ hoặc làm gái mại dâm, có nhiều người may mắn trốn được về, có nhiều người được giải cứu nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ chịu khổ cực bên nước bạn. Cũng mong các chị em lao động nghèo, khi nghe lời dụ dỗ ra nước ngoài làm lương cao nên thận trọng”. |
Tô Hương Sen