Vất vả mưu sinh
Tết Trung Thu là dịp để tất cả các thành viên trong gia đình quây quần sum họp, cùng thưởng thức những chiếc bánh nướng bên ly trà xanh ấm nóng và thể hiện sự kính trọng đối với ông bà cha mẹ, thể hiện tình thương yêu đối với con cái. Tuy nhiên cũng có những người không được trở về nhà trong dịp lễ này, họ phải mưu sinh trên nơi đất khách quê người.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Quách Văn Tuyền (SN 1990, quê Thanh Hóa) ngậm ngùi: “Trước đây, tôi và vợ là Lương Thị Ngà làm công nhân cạo mủ cao su ở Tây Nguyên, sau khi về quê thì sinh được 2 bé gái là Quách Thanh My (SN 2010) và cháu Quách Ngọc Kim Ánh (2017). Vì gia đình cũng không có điều kiện nên tôi phải ra Hà Nội làm ăn để kiếm thêm thu nhập. Cứ gần đến ngày Tết Trung Thu, thấy gia đình người ta đưa con đi chơi, mua sắm tự dưng trong lòng thấy tủi thân, nhớ con da diết. Khi đó, chỉ muốn về luôn, nhưng vì công việc nên không thể về được, đành hẹn con đến ngày được nghỉ sẽ về đưa con đi chơi sau".
Vừa nói, anh vừa chỉ tay đến đồng nghiệp mặc áo xám, ngồi cách đó một dãy ghế: “Nhà cô ấy còn thương hơn, mấy năm nay hai vợ chồng ăn Tết ở Hà Nội, chưa được về với con một lần”.
Hiểu đang nói về hoàn cảnh gia đình mình, chị Vi Thị Thu (SN 1996, quê Thanh Hóa) tiến về phía chúng tôi. Chị kể: "Tôi và chồng cũng có được một bé gái đầu lòng tên là Trương Diệp Châu năm nay được 3 tuổi. Vì gia đình khó khăn nên 2 vợ chồng phải lên Hà Nội làm ăn kiếm tiền gửi vê quê để ông bà nội chăm sóc con. Đi làm trên này cũng nhớ con lắm. Đặc biệt, mỗi dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung Thu nhìn trẻ con được bố mẹ đưa đi chơi, mua quà mà nước mắt tôi cứ trào ra. Cũng may là con ở nhà chăm ngoan nên 2 vợ chồng cũng đỡ tủi thân".
"Bố mẹ sẽ bù đắp cho con"
Khi quyết định đi làm ăn xa, họ xác định phải chấp nhận xa gia đình, xa người thân để mưu sinh, dù thế, không phải lúc nào họ cũng có thể gạt đi được nỗi buồn tủi.
Anh Tuyền bộc bạch: “Hôm trước, vừa ăn xong bữa cơm trưa, đang chuẩn bị cho công việc buổi chiều thì có điện thoại của vợ gọi. Cứ tưởng vợ gọi có chuyện gì, vừa bắt máy thì thấy tiếng con gái khoe: "Bố ơi, sắp Trung Thu rồi, bố mẹ bạn Linh vừa mua cho bạn ấy chiếc đèn lồng ông sao đẹp lắm, bố về đưa mẹ con con đi chơi rồi mua cho con cái đèn như thế nhé". Nghe con nói thế, tự nhiên trong lòng tôi thấy buồn buồn, nước mắt rưng rưng nhưng vẫn cố kìm nén để động viên con: "Bố trên này đang bận công việc, con phải ở nhà ngoan nghe lời mẹ, hôm sau được nghỉ bố về bố mua quà cho con nhé".
Nghe thấy thế, con không nói gì, khiến tôi càng thương hơn. Là bố mẹ ai cũng muốn được về bên con bên gia đình, muốn được đưa con đi chơi nhưng vì công việc, vì hoàn cảnh gia đình không có lại phải đi làm xa nên không thể về được với con. Chờ một ngày nào đó sẽ về bù đắp lại cho con...".
Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, chị Thu liên tục quay mặt đi che giấu những giọt nước mắt đang chực trào: “Hôm trước tôi có nói chuyện qua điện thoại với con, cháu nói: "Bố mẹ về với con nha", rồi cháu còn bảo với ông bà cùng cháu đi đón bố mẹ cháu đang về rồi. Nghe con nói thế 2 vợ chồng lại rưng rưng nước mắt, đã 2 năm rồi không được về đưa con đi chơi Trung Thu, nhìn con nhà người ta thì có bố mẹ đưa đi chơi, mua sắm còn con mình thì không có bố mẹ bên cạnh để đưa đi chơi cùng cũng thấy buồn tủi. Nhưng biết làm sao bây giờ, vì hoàn cảnh gia đình nên vợ chồng cũng phải cố gắng xa con một thời gian để kiếm tiền, để còn lo cho tương lai của con sau này nữa”.
Cuộc sống mưu sinh, áp lực về cơm áo gạo tiền đã khiến không ít những bậc làm cha làm mẹ bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn đó, để rồi họ phải đánh mất đi khoảng thời gian yêu thương, quan tâm dành cho con trẻ, những đứa trẻ đó không có được sự quan tâm chu đáo so với những bạn bè khác. "Tôi vẫn mong thu xếp được công việc của mình để dành thời gian nhiều hơn cho con em mình, tạo cho con có một ngày Tết Trung Thu trọn vẹn nhất", chị Thu nói.
Nguyễn Lâm