Hiện tượng chuyển giới không phải mới xuất hiện ở Việt Nam song đến nay, vẫn chưa có những quy định pháp luật cụ thể thừa nhận giới tính thật sự của người chuyển giới khiến con đường tìm lại chính mình của họ đầy nước mắt…
Cát Thy, Aki Trần, Ngọc Ly dũng cảm nói ra khát vọng được là chính mình
Đổi cả mạng sống để được là chính mình
Trong hội thảo "Khát vọng được là chính mình", tôi gặp Cát Thy 24 tuổi sống tại TP. HCM. Cát Thy có gương mặt khá đẹp, nụ cười duyên dáng với những cử chỉ mang đậm nét con gái miền Nam. Nếu không nghe cô kể, khó ai biết được cô chính là người chuyển giới (từ nam sang nữ). Bằng giọng nhỏ nhẹ, Cát Thy kể cho chúng tôi nghe cuộc đời đầy đau khổ, tủi nhục từ khi quyết định chuyển giới tính.
Khi chào đời, Cát Thy (tên mới sau khi chuyển giới) là một bé trai bụ bẫm đáng yêu, được cả nhà chào đón. Ba mẹ chọn cho Cát Thy một cái tên đầy nam tính với hi vọng sau này con trai sẽ là một người đàn ông mạnh mẽ. Thế nhưng, ba mẹ Cát Thy hoàn toàn bất ngờ khi cậu con trai mà họ đặt nhiều hi vọng chính thức thông báo mình là một cô gái trong thân xác đàn ông. "Từ khi biết suy nghĩ, biết nhận thức, tôi đã thích mặc đồ con gái, nuôi tóc dài nhưng ba mẹ nghĩ đó chỉ là sở thích nhất thời rồi sau này tôi sẽ thay đổi", Cát Thy nói. Mỗi lần trong bộ dạng nữ, Cát Thy bị mọi người xung quanh chế nhạo, châm biếm, bạn học hàng ngày lấy "cậu bé gái" ra làm trò đùa, đám con trai thì xông vào đánh đập vì…làm xấu mặt con trai. Không vượt qua được sự kỳ thị của bạn bè, "cậu bé gái" đành bỏ học giữa chừng.
Khi nghe con trai nói muốn được sống cuộc sống của một người phụ nữ và thân xác người phụ nữ, ba mẹ Cát Thy đã tìm mọi cách để ngăn chặn ý định ấy. Cát Thy nhớ lại: "Mẹ bắt tôi phải làm những việc nặng nhọc của đàn ông: Phu hồ, đóng tàu tới khuân vác...Ba mẹ hy vọng công việc nặng nhọc này sẽ giúp tôi quên đi ham muốn làm con gái để trở thành người đàn ông". Thế nhưng, công việc vất vả ấy chỉ có thể lấy đi sức lực chứ không thể lấy đi khao khát mãnh liệt được tìm lại chính mình, ngược lại nó còn hối thúc "cậu bé gái" từng giây từng phút. Mong muốn được sống thật với chính mình, "cậu bé gái" lao vào công việc, tích cóp tiền để phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Mỗi khi có tiền, cô lại mua hoocmon nữ để tiêm vào người với hy vọng cơ thể nhanh chóng biến đổi thành con gái.
Cát Thy tâm sự: "Ngày ấy, khi cầm hoocmon nữ trên tay, tôi mang đến nhờ bác sỹ tiêm hộ và hỏi xem đây là thuốc gì, có tác hại ra sao. Khi ấy, bác sỹ nói đây là một loại thuốc có tác dụng làm đẹp cho da. Một thời gian sau, tôi có năn nỉ thế nào bác sỹ không tiêm giúp nữa, vì đây là loại thuốc không có ở Việt Nam, có nhiều tác dụng xấu với sức khỏe của người sử dụng. Lúc ấy, tôi phải học cách tự tiêm cho chính mình". Tiêm hoocmon vào người, sức khỏe Cát Thy suy giảm rõ rệt, cô không thể làm những việc nặng như trước. Thay vào đó, cô chuyển qua nghề hát, làm MC, diễn hài... cho đám ma để sinh sống và dành dụm tiền cho việc phẫu thuật sau này. Thế nhưng phẫu thuật chuyển đổi giới trở thành ước mơ xa vời với Cát Thy bởi cô không có đủ tiền. Đơn giản vì một ca phẫu thuật bơm ngực, cắt bộ phận sinh dục chuyển từ nam sang nữ cộng với nghỉ ngơi bên Thái Lan có giá 120 triệu đồng, trong khi mỗi ngày cô chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng.
Thay bằng việc phẫu thuật bơm ngực ở những nơi an toàn, Cát Thy đi bơm ngực chui chỉ để có được bộ ngực đầy đặn như những người phụ nữ bình thường: "Trước khi bơm silicon, người chủ ấy đã nói "Bơm silicon có thể chết đấy, cưng không sợ chết sao?" "Nếu không may silicon chạy vào tim, nhiễm trùng máu là cưng đi đời". Nghe cảnh báo như vậy nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi không sợ chết. Tôi tâm niệm chỉ cần được sống một giờ rồi chết trong thân xác người phụ nữ cũng cam lòng".
Vượt qua những đau đớn, Cát Thy cũng có được bộ ngực đầy đặn của người phụ nữ. Nhưng cũng từ đây, cô phải chịu bao đớn đau về thể xác và tinh thần đi kèm. Cát Thy tâm sự: "Không có gì hạnh phúc hơn khi được là chính mình, được làm những việc mình thích. Thế nhưng hạnh phúc ấy phải trả bằng những đớn đau, tủi nhục vô cùng khủng khiếp. Có lẽ, trên thế giới này không có ai đớn đau tủi nhục bằng người chuyển giới. Bản thân tôi mỗi tuần phải tiêm hoocmon giới tính một lần, mỗi lần tiêm xong thấy cơ thể suy nhược rất nhiều. Đó còn là những đớn đau thể xác mỗi khi bộ ngực silicon kia bị người khác cố tình trà đạp".
Cát Thy trò chuyện với phóng viên
Nỗi niềm cay đắng khi mơ ước khác xa thực tế
Chịu nỗi đau về thể xác, nhưng người chuyển giới như Cát Thy lại bẽ bàng với nỗi đau tinh thần, đó là sự miệt thị của những người xung quanh. Sau khi chuyển đổi giới tính, cô gọi điện hỏi ba mẹ, khi ba mẹ đồng ý, cô mới dám về nhà. Tuy nhiên, ngay cả ba mẹ Cát Thy cũng giật mình e ngại, không nhận ra con. Lúc ấy, Cát Thy cảm giác lạc lõng, xa cách dù đang ở chính nhà mình. Cô còn buồn hơn mỗi khi nghe hàng xóm bỡn cợt mỉa mai "Ôi đẹp thế nhưng đẹp nữa vẫn là gay!".
Bị xã hội mặc định là gay, Cát Thy rất sợ phải ra đường, sợ phải tiếp xúc với bên ngoài trước những ánh mắt soi mói của mọi người. Những ngày đầu, thay vì sống dưới ánh sáng mặt trời, Cát Thy chuyển sang sống về đêm. Ngày ngủ, tối cô lang thang ra công viên để giao lưu với những người có hoàn cảnh giống mình. Cuộc sống ấy cứ lặng lẽ trôi đi. Thế nhưng không làm thì ai nuôi, Cát Thy lại lóc cóc đi xin việc. Đến đâu cô cũng nhận được cái nhìn dè bỉu, coi thường của mọi người. Có chỗ còn dọa nạt, xua đuổi cô "mày cút ngay khỏi chỗ này không tao đánh chết"... Cuối cùng để sống được, Cát Thy phải đi bán giọng hát, làm trò mua vui cho các đám ma cùng những người giống mình với đồng lương bèo bọt chỉ đủ nuôi sống bản thân và mua chút phấn son.
Làm người khác vui, những tưởng họ sẽ cảm động, biết ơn, ngược lại, cô bị đối xử tàn tệ. Cát Thy đau đớn nhớ lại: "Mỗi lần biểu diễn, xin thêm tiền, chúng tôi bị họ sỉ nhục thậm tệ. Chỉ có 20 ngàn đồng mà họ bắt tôi phải quỳ xuống thì họ mới cho. Không chỉ có thế, tôi còn bị nhiều người lạm dụng thân thể để giải quyết nhu cầu sinh lý bởi họ thích thú với những điều lạ, thích được cười và hành hạ trên nỗi đau khổ của người khác. Có lần, khi tôi mới tiêm thêm silicon vào ngực thì bị một người xông vào sờ soạng, nắn bóp tới mức đau điếng người. Vì vừa bơm hóa chất vào người, tôi không thể kháng cự nổi mà có phản kháng thì lại bị chửi rủa, đánh đập. Sau lần bị hành hạ ấy, tôi phải uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi tới 3 ngày mới đỡ".
Trong ánh mắt của Cát Thy u ám nỗi buồn, uất nghẹn khi vẫn còn người coi người chuyển giới chỉ là một lũ pê đê ti tiện, thấp hèn thích đánh thì đánh, lạm dụng thì lạm dụng... . "Không chỉ có tôi mà rất nhiều người chuyển giới cũng bị lạm dụng. Nhiều người vì không chịu đựng được, họ đã chọn con đường tự vẫn để kết thúc cuộc sống đau khổ. Một số khác tìm đến con đường tu hành hoặc sống thu mình...".
Với những người chuyển giới, việc tìm được người yêu rồi kết hôn là điều vô cùng khó khăn, phần lớn họ phải tìm tới người đồng tính để chung sống, để nương tựa, an ủi bản thân. Cát Thy buồn buồn khi kể về người chồng không hôn thú hiện nay. Ngày ấy, anh và cô đến với nhau cũng chỉ để giải quyết nhu cầu tình dục. Thế nhưng, sau một thời gian chung sống với nhau, anh cảm thấy thương và yêu cô. Dù rất nhiều lần xảy ra cãi vã, có lần anh bỏ về quê gần một tuần nhưng sau nhớ quá, anh lại lên tìm cô. Cát Thy cho biết: "Có lẽ tôi là một người may mắn vì đã tìm được một người yêu mình thực sự và thực tâm muốn lấy mình làm vợ. Chúng tôi đã sống với nhau như vợ chồng được 2 năm nay chỉ thiếu giấy đăng ký kết hôn hợp pháp mà thôi. Đôi khi buồn tôi cũng than thân trách phận, nhưng rồi lại tự nhủ phải sống và sống tốt, phải biết đấu tranh để giành sự sống chính đáng cho người chuyển giới".
Những người chuyển giới khao khát mãnh liệt được cuộc sống bình thường như bao người: Được kết hôn, sinh con, học hành và chăm sóc sức khỏe... Nhưng điều ước ấy không biết bao giờ mới trở thành hiện thực bởi chưa có hành lang pháp lý bảo vệ người chuyển giới. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Không riêng Cát Thy, Aki Trần, Ngọc Ly và rất nhiều người chuyển giới khác phải sống trong những nỗi cay đắng, tủi nhục... Aki Trần (chuyển giới từ nữ sang nam) tâm sự: "Để được sống với đúng mình, tôi phải đấu tranh vô cùng kiên quyết và mạnh mẽ đối với gia đình. Khi tôi thể hiện sự mãnh mẽ, nam tính theo giới tính thực sự, tôi bị bố nói cho đi gặp bác sỹ để chỉnh lại "cái đầu". Từ khi thay đổi cách ăn mặc, cuộc sống của tôi trở nên khó khăn. Khi tôi đi xe bus, phụ xe nhìn tôi như "vật thể lạ", bắt tôi bỏ khẩu trang ra để nhìn sau đó nói "đến thẻ sinh viên mà cũng làm giả được". Nghe câu ấy, tôi vô cùng đau xót". |
Hồng Mây