Từ lời mời chào ngon ngọt
Tôi vốn không dành nhiều thời gian để ý đến những người hàng xóm láng giềng của mình. Nhưng có lẽ, đó cũng là sai lầm, vì từ những người hàng xóm "mất điện mất nước" có nhau mà tôi đã khám phá ra nhiều câu chuyện khá thú vị. Mới đây, Đỗ Văn Hòa (SN 1985), một người được gọi là "ma" ở xóm trọ nhỏ bé này chuyển phòng sang bên kia cầu Vĩnh Tuy. Nhân sự kiện được coi là "trọng đại" này, Hòa tự tổ chức một bữa tiệc nhỏ, mời tất cả mọi người trong xóm trọ tới dự và đương nhiên là có tôi. Chẳng dại gì mà hàng xóm "có lòng" mình lại không "có dạ". Chính sau bữa "trà dư tửu hậu" đó, tôi mới lần đầu tiên nghe Hòa dốc bầu tâm sự.
Nghề ô sin nam hiện nay cần rất nhiều bản lĩnh của người đàn ông để vượt qua mọi cám dỗ. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Hòa kể, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Hòa sống với bà nội ở một xã nghèo của huyện Anh Sơn, Nghệ An. Khi Hòa đỗ đại học thì bà mất. Vì không muốn dựa dẫm vào các cô, các bác trong họ, Hòa tự thân vận động và bươn chải. Cuộc sống mưu sinh nơi thành thị bon chen chật chội không đơn giản đối với một tân sinh viên vùng quê. Hòa chia sẻ: "Nghề nào em cũng từng trải qua hết rồi, từ bồi bàn, bảo vệ theo ca, xe ôm cho đến những công việc làm thêm "sang trọng" hơn như gia sư. Nhưng những công việc đó vừa vất vả, đồng lương chẳng được là bao. Một lần, nghe anh bạn cùng lớp chia sẻ một cách kiếm nhiều tiền mà công việc rất nhẹ nhàng, em vui như vớ được vàng. Thời điểm đó, em học năm cuối, cần nhiều tiền để phục vụ công việc học tập mà đồng lương gia sư lại chẳng đáng là bao. Nhưng đến khi hỏi ra, biết là nghề ô sin thì em ngượng lắm, từ chối đây đẩy và không hỏi lại nữa".
Một thời gian sau, phần vì tò mò, phần vì cần tiền, nhớ lời giới thiệu ngọt như mía lùi của cậu bạn thân, Hòa quyết tâm tìm hiểu cách thức kiếm tiền mới. Hiếu, bạn thân Hòa cho biết: "Mang tiếng làm ô sin nhưng thường chỉ phải đưa đón con cái các "nàng chủ" đi học và dọn dẹp nhẹ nhàng. Mình vẫn có thời gian làm nhiều việc khác và đảm bảo công việc học tập trên lớp". "Khi đó, Hiếu có hứa giới thiệu cho em một gia đình đang cần gấp giúp việc nam để đưa con đi học bơi vào hai ngày nghỉ trong tuần, vì mẹ bận đi spa làm đẹp nên không có thời gian chơi với con vào các ngày nghỉ. Mức lương em được trả khá hậu hĩnh, (4 triệu đồng/tháng). Em đã nghĩ là mình nằm mơ vì công việc tưởng quá nhẹ nhàng. Tìm hiểu rất kỹ và nói chuyện với bà chủ qua điện thoại, em được trao đổi công việc y như cậu bạn nói. Tất nhiên, Hiếu không quên nháy mắt ẩn ý với em kèm theo một lời chỉ bảo ra dáng bậc làm anh: "Đẹp giai như cậu lại có năng khiếu nấu ăn thì các "nàng" mê lắm". Nghe xong, em thấy buồn cười và "bỏ qua" - Hoà bần thần nói.
Đỗ Văn Hòa vẫn còn nhiều ám ảnh về cái được gọi là ô sin nam mà xã hội đang rất chuộng
Đến sự thực không như là mơ
Ngày đầu đến nhà bà chủ, Hoà thấy ngôi nhà đẹp như một cung điện. Đó là một biệt thự ven hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội). Phải nói là chị chủ thì đúng hơn vì chị ấy rất đẹp, mới chỉ 35 tuổi, đang sống cùng chồng và một con trai lớp 4 kháu khỉnh. Trong suốt một tháng đầu, chị chủ chỉ giao dịch với Hòa qua điện thoại và một bà giúp việc. Công việc của Hòa nhàn hạ đúng như mô tả, chỉ đến nhà chủ đúng hai ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, đưa thằng cò con đi bơi ở nhưng nơi sang trọng nhất Hà Nội. "Chị chủ là một phụ nữ thành đạt, kinh doanh tự do. Nghe nói, chồng chị cũng là một doanh nhân nhưng em chưa bao giờ gặp vì qua lời bà giúp việc cũ, em được biết chồng chị rất ít khi về nhà. Có lẽ cũng vì lý do đó mà sau này em vướng vào những tình huống dở khóc, dở cười mà đến giờ nghĩ lại em vẫn thấy rùng mình", Hòa cho biết.
Hòa kể lại câu chuyện sau một cái lắc đầu ngán ngẩm: "Em làm được đến hết tháng thứ hai, đang hăm hở với công việc của một ô sin nam nhàn hạ không như mọi người vẫn nghĩ thì chị chủ bỗng nhiên đuổi bà giúp việc cũ và bảo em thế chân". Tất nhiên, đã giao hẹn làm ô sin thì mấy việc trông nom nhà cửa hay thi thoảng nấu một bữa cơm cho thằng cò con khi chị chủ bận đi tiếp khách, ăn hàng không về kịp là chuyện hết sức bình thường. Nhưng cái khó là ở chỗ, chị chủ càng ngày càng quý Hòa ra mặt, thể hiện trước cả mặt con trai mình bằng những lời lẽ thân mật và những hành động chạm tay chân rất đỗi "vô tình" mà đầy hữu ý.
Một lần, Hòa đang cho thằng cò con đi ngủ thì chị chủ kêu hôm nay chị tiếp khách nhiều, uống say, bị trúng gió, nhờ Hòa nặn đầu giúp. Ai dè, nặn đầu xong, chị cầm tay Hòa đặt thẳng vào đôi "gò bồng đảo" căng tròn của gái một con khiến thằng sinh viên như Hòa run bắn người. Thấy Hòa có ý ngượng ngùng, chị chủ nói luôn: "Anh sinh viên không cần giả bộ vậy đâu. Nói thật là có nhu cầu về mặt tình cảm, những phụ nữ "có chồng hờ hững cùng như không" giống em mới phải thuê ô sin nam như thế này. Bình thường, chăm lo cho gia đình thì ô sin nữ ắt thạo việc hơn. Em lạ gì mấy người như Hòa nữa, hôm nay cứ ngủ lại đây, đừng ngại".
Tiếng "em" ngọt như mía lùi ấy khiến Hòa chưa vào nghề đã phải giải nghệ từ đó cho đến bây giờ. Hòa chia sẻ: "Ngày xưa, hồi học phổ thông, em cứ căm mãi con vợ ba Bá Kiến, nó bắt Chí Phèo bóp đùi, bóp cao, cao mãi mà anh Chí sinh ra ở tù. Bây giờ, mấy phụ nữ chê chồng hay bị chồng phụ, lợi dụng cái nghề ô sin nam mà thỏa mãn dục vọng của mình. Nếu những người như em không từ chối thì có khác nào hoạt động mại dâm nam cao cấp đâu. Nghĩ mà tủi thân lắm".
Câu chuyện của Hòa buổi tiệc chia tay đó có lẽ sẽ khiến tôi nhớ về Hòa rất lâu, lâu hơn tất cả những kỷ niệm của khoảng thời gian hơn hai năm chúng tôi "sống" chung dưới một mái nhà thuê trọ này gom lại.
Khó thoát bẫy tình Hòa kể: "Em may mắn vẫn đủ bản lĩnh bước qua sự cám dỗ của đồng tiền một cách êm đẹp. Nhiều người làm ô sin nam, gặp chủ yêu chiều thì khó lòng thoát, vì các chị chủ sẽ tìm mọi cách để ràng buộc, thậm chí là đe dọa. Chỉ khi nào chủ chán, chủ sa thải mới được "hoàn lương". Có người hy hữu không may, gặp em chồng "nàng chủ" là đồng tính nam và thích mình. Thế là cứ xoay như chong chóng bị hai đối tượng liên tục gạ tình mà khó lòng thoát ra được". |
Dương Thu