Tâm sự nữ nhân viên quán nhậu đêm

Tâm sự nữ nhân viên quán nhậu đêm

Thứ 5, 27/12/2012 23:40

Họ đa phần là những sinh viên, những cô gái quê từ các tỉnh lẻ lên Hà Nội vừa học, vừa kiếm tiền. Cuộc sống thành thị bao giờ cũng hấp dẫn bởi vẻ hào nhoáng, nhưng trong muôn vẻ của cuộc sống mưu sinh, vẫn còn đó những câu chuyện éo le, những tâm sự khó nói.

Trái hẳn với những quán ăn cố định, thường phục vụ khách hàng vào ban ngày, những quán ăn lưu động lại phục vụ khách về đêm. Trên những con phố ăn uống về đêm ở khắp TP. Hà Nội như: Đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Quý Đức, Phùng Hưng, Nguyễn Chí Thanh..., lúc nào cũng thấy thực khách ra vào tấp nập.

Những người phục vụ ở các quán ăn di động vào ban đêm trên đường Nguyễn Quý Đức (Hà Nội) chủ yếu là những cô gái còn rất trẻ, lúc nào cũng tất bật với những công việc từ dọn bàn, bê đồ ăn cho khách, rửa chén bát, lau dọn bàn ghế... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu như những nhân viên bưng bê này đều là những sinh viên của một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp quanh địa bàn. Họ muốn kiếm thêm thu nhập trợ giúp gia đình nên ban ngày đi học, ban đêm đi làm.

Nghề "3B" của sinh viên

Trong vai một khách hàng đi ăn đêm, chúng tôi ghé vào một quán ăn ở cuối đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân). Một cô gái nhỏ bé, nói giọng miền Trung ra mời chào và đợi phục vụ. Lúc này đã gần 12h đêm, trong quán chỉ còn một vài người đang vừa ăn vừa tán chuyện. Trong khi đợi bà chủ làm đồ ăn, chúng tôi có điều kiện trò chuyện với cô phục vụ này. Cô gái tự xưng là K., quê ở Nghệ An (sinh viên năm thứ hai, trường đại học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội). K. đã làm ở quán ăn này được hơn ba tháng, với mức lương trả theo giờ. Hiện tại, chủ quán trả cho K. 10.000 đồng/giờ. Thời gian làm việc bắt đầu từ 7h tối cho tới 12h đêm, nhưng có hôm đông khách phải làm muộn hơn nữa. Như vậy, mỗi buổi tối trung bình K. kiếm được khoảng 50.000 - 70.000 đồng.

Khi chúng tôi hỏi tại sao không đi gia sư như các sinh viên khác cho đỡ vất vả, K. nói: "Em là người miền Trung, không nói tốt giọng Bắc nên các trung tâm gia sư đều từ chối. Các gia đình ở Hà Nội chỉ thuê những người nói giọng Bắc để dạy con em họ. Những người như bọn em không có cơ hội cho nên phải chọn nghề này để có thêm thu nhập". K. cũng cho biết, nghề này lúc nào cũng phải luôn tay luôn chân, K. thường gọi vui là nghề "3B": Bưng bê bàn.

Pháp luật - Tâm sự nữ nhân viên quán nhậu đêm

Các quán ăn đêm lúc nào cũng san sát trên đường phố Hà Nội

Ngoài việc phải thức đêm, thức hôm ra, nhân viên còn bị chủ sai "như vặt thịt". Đã vậy, những người mới vào làm còn thường xuyên bị ăn mắng vì chưa quen việc. Thậm chí, nếu làm hỏng đồ của chủ, nhân viên phải xuất tiền túi ra đền. Ngay như K. cũng vậy, theo quan sát của PV, hầu như cô nhân viên này có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, chứ chưa nói tới thời gian rảnh để ngồi "chém gió".

Trường hợp của bạn Phạm Thị L. (sinh viên năm thứ nhất trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cũng vất vả không kém. Hiện, L. đang làm nhân viên phục vụ cho một quán vịt quay trên đường Nguyễn Trãi (đoạn gần ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi). Thời gian làm việc của L. từ 18h đến 23h mỗi ngày, với mức lương là 6.000 đồng/giờ. Tính ra, mỗi buổi tối quần quật làm, L. cũng chỉ kiếm được khoảng 30.000 đồng.

L. cho biết : "Hiện nay, sinh viên hầu như ai cũng đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được công việc phù hợp. Bởi thế, có rất nhiều sinh viên chọn làm nhân viên bán hàng ăn, bán cà phê, hay vừa bán hàng ăn vừa bán cà phê…".

Công việc thường ngày của L. là trông quán, phục vụ khách ăn và rửa bát. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng không có lúc nào được rảnh rỗi. Bởi lẽ, tuy là nhân viên của cửa hàng bán vịt quay nhưng khi vắng khách, L. lại được "trưng dụng" vào làm nhân viên quán cà phê. L. cho biết thêm, hiện nay đang có phong trào quán cà phê kiêm luôn quán ăn đêm nên nhân viên phải kiêm luôn hai việc như thế. Chủ quán vừa tiết kiệm được tiền thuê nhân viên, vừa kiếm thêm được những khoản tiền lớn nhờ kiểu làm ăn "tiện cả đôi đường" như vậy.

Bạn L. cho biết thêm, những nhân viên quanh khu vực này đều là sinh viên có những hoàn cảnh khó khăn, hầu như gia đình không đủ tiền chu cấp cho cuộc sống sinh hoạt ở Hà Nội nên các bạn đều phải tự tìm cách kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, cuộc mưu sinh của những người như L. không phải dễ dàng, suôn sẻ mà có rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau những giờ học tập mệt mỏi trên giảng đường, thay vì được nghỉ ngơi, họ lại tiếp tục công việc kiếm tiền vào ban đêm.

"Thân cò lặn lội" ở... vỉa hè

Chia sẻ với chúng tôi về những nỗi vất vả của nghề bưng bê, trên khuôn mặt Phạm Thị L. tỏ rõ sự ưu tư. L. cho biết: "Làm nghề này phải biết chấp nhận vất vả, nhưng đôi lúc có nhiều nỗi niềm không biết nói cùng ai. Chúng em hay gọi nghề của mình là "nghề cười". Chủ mắng cũng cười, khách mắng càng phải cười. Cười để cho mọi chuyện qua đi, cho cả khách lẫn chủ được vui vẻ và cho mình kiếm được đồng tiền". Ấy nhưng, trong tiếng cười có vẻ vô tư đó là những xót xa, những tiếng thở dài cho một nghề bạc bẽo.

Phạm Thị L. cho biết: "Người nào đã xác định làm nghề này là không sợ khổ, không sợ vất vả. Em là con nhà nông, chuyện rửa bát, lau dọn bàn ghế hay chuyện tất bật bưng bê không phải chuyện gì quá to tát. Những người làm nghề như em sợ nhất là ánh nhìn khinh rẻ, hách dịch của những kẻ có tiền, những lời mắng mỏ đầy phân biệt của chủ quán hay những trò làm tội nhân viên của những khách hàng trái khoáy".

L. tâm sự: "Có lần, một khách hàng đến quán ăn uống và đòi hút thuốc lào. Nhưng do quán không có nên em phải chạy đi mượn. Chạy khắp các quán xung quanh không có, mãi sau mới mượn được của một bà hàng nước. Trời thì mưa to, em phải khoác áo mưa đi mượn. Thế mà về đến nơi, ông khách nọ chê thuốc hôi và bắt đi mua thuốc mới. Em lại phải đội mưa đi mua thuốc. Mua về thì ông ta lại chê mua ít quá không bõ hút nên quẳng cả điếu cày đi chỗ khác. Vừa bực mình, vừa tủi cho phận mình!".

L. còn cho biết thêm, những ngày mùa đông giá rét, động đến nước là đỏ mẩn tay nhưng mỗi ngày L. vẫn phải rửa biết bao bát đĩa mà chủ quán không mua cho lấy đôi găng tay bảo hộ. Mỗi khi đề xuất thì họ còn chần chừ chán. Lấy cớ dùng găng tay dễ làm rơi và vỡ bát nên L. phải bảo đôi ba lần chủ quán mới chịu mua. Khi quán cà phê hết khách, L. còn bị điều ra trông quán vịt quay đặt ngay ngoài đường. Những hôm trời mưa rét, co ro trong tấm áo khoác mỏng, khổ sở vì cái dù che bị gió thổi tơi tả mà vẫn không dám bảo ông chủ dọn hàng. Kiểu gì L. cũng phải đợi đến giờ tan ca mới dám xin phép để về.

Đang nói chuyện, chợt thấy L. vẫy gọi một cô gái tên H. - nhân viên làm ở quán bên cạnh đến tiếp chuyện chúng tôi vì quán của L. có khách. H. kể, có lần vì sơ ý không kịp lau bàn ghế cho sạch sẽ, chủ quán thấy vậy lấy ngay cái rẻ lau ném vào mặt và chửi những câu rất thậm tệ. "Những lúc như vậy, thấy tủi lắm, nhưng mình làm công cần kiếm lấy đồng tiền nên phải nhẫn nhịn thôi. Đôi khi, họ không hài lòng chuyện gì ở bên ngoài, nhân viên trở thành đối tượng trút giận thay. Hễ có lỗi nhỏ là họ chửi không ra gì" - H., tâm sự.

Chưa kể các nhân viên nữ phải làm việc trong môi trường khá "nhạy cảm". Những trò sàm sỡ của khách hàng, những câu mát mẻ, ý tứ của cánh đàn ông hay thậm chí của ông chủ là "chuyện thường ngày ở huyện". Hai bạn cũng cho biết, đa phần những người làm ở những quán ăn đêm đều là những người trọ ở quanh khu vực để đi lại cho tiện. Thế nhưng, vẫn có người phải đi xe đạp từ nhà tới chỗ làm mất mấy cây số. Những hôm về sớm thì không sao, những hôm về muộn nhiều người không dám về một mình. Họ thường ngủ nhờ nhà bạn gần đó để mai về sớm. Đêm hôm đi lại vừa rất bất tiện mà cũng rất nhiều nguy hiểm rình rập...

Nỗi khiếp đảm đến từ các bợm nhậu

Một trong những nỗi "khiếp đảm" nhất mà những nhân viên quán ăn đêm phải chịu đựng là những cuộc nhậu không hồi kết của những tay bợm rượu ngồi lì trong quán. L. và H. cùng cho biết, thông thường giờ tan ca của hai người khoảng từ 23h30'. Thế nhưng, nhiều đêm vì có những hội nhậu ngồi lâu quá, nhân viên cũng phải vạ vật ngồi chờ, vừa buồn ngủ, vừa ngao ngán cho cái cảnh làm thuê. "Nhiều người vì uống say, nôn mửa hết cả ra quán. Cuối cùng, chúng em vẫn phải là người dọn. Dù sao thế vẫn còn may, có nhiều người say rượu, lời qua tiếng lại dẫn đến đánh nhau ầm ĩ. Vừa phải dọn đồ đạc bị vỡ, vừa mất thời gian giải tán đám đánh nhau. Có hôm làm xong hết mọi chuyện thì cũng 2h - 3h sáng".

Phạm Thiệu

(Còn nữa)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.