Nghề "sởn gai ốc" nhất trong mọi thứ nghề
Họ có những niềm vui, nỗi buồn trong nghề, mà có khi đến cả người thân bên cạnh cũng không bao giờ sẻ chia được…
Sinh năm 1953, ở vùng quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, năm 1972, ông Hồ Kim Châu sang Nga học bác sỹ Nội khoa ở thành phố Cảng Odessa, miền Nam Liên Xô (cũ). Năm 1979, ông tốt nghiệp về nước để thực hiện ước mơ xưa trở thành bác sỹ với ống nghe, đo huyết áp để hàng ngày cảm được nhịp đập trong trái tim người, để chia sẻ, để giúp bà con nghèo khó. Bất ngờ, ông được viện Khoa học hình sự - bộ Công an mời gọi.
Mới đầu ông cũng "hoảng" nhưng sau khi nghiên cứu về pháp y thì chính ông bị dẫn dụ bởi sự yêu thích, lòng đam mê đối với nghề rất mới này. Bệnh tật đã khổ rồi nhưng oan khiên mới là tận cùng của khổ cực. Gia đình có người mất đã là "nỗi tiếc thương vô hạn không thể gì bù đắp" nhưng có những cái chết thể xác đi kèm theo cả cái chết tinh thần là sinh mạng chính trị, là danh dự và lắm khi còn hệ lụy cho cả những người đang sống.
Ông nói với tôi rằng, chưa bao giờ ông ân hận với chọn lựa của mình. Nghề của ông, nghề bác sỹ pháp y vẫn thường được mọi người gọi bằng cái tên "đồ tể" chuyên phanh thây người khác không những thiếu trang thiết bị chuyên dụng, phải "tác nghiệp" ngay cả những nơi bẩn thỉu như đường cái, bờ ruộng, mép sông… mà còn là một nghề rất ít người theo đuổi, thậm chí khi chưa kịp vào nghề đã "bỏ của chạy lấy người" rồi.
Bác sỹ Hồ Kim Châu trong những lần khám nghiệm tử thi
Trong căn phòng làm việc nhỏ của ông, nhìn những bức ảnh hiện trường, những tập hồ sơ lưu các vụ án ông tham gia, chúng tôi cảm thấy rùng mình, thỉnh thoảng như có luồng điện chạy dọc sống lưng, cảm giác buồn nôn, hoa mắt. Nhưng với bác sỹ Châu thì đó không chỉ là công việc mà đó là trách nhiệm ông và đồng nghiệp phải làm. Ông vẫn luôn coi cái nghề mình theo đuổi đầy tự hào, cao quý vì ông đã góp phần vào việc phá án, đưa sự thật ra ánh sáng, nói thay nỗi oan khuất cho người bị hại, trả lại công bằng cho người nằm xuống mà không thể cất tiếng nói lên sự thật.
Cứ nghe hai chữ pháp y là họ kêu "úi trời"
Nhiều tử thi bị nhiễm HIV Đặc biệt, có không ít tử thi bị nhiễm HIV và mắc các bệnh lây nhiễm khác như lao, viêm gan B. Dù biết rằng có thể bị nhiễm bệnh, nhưng các bác sỹ pháp y không thể đùn đẩy nhiệm vụ của mình cho ai khác được. Có những vụ án mỗi cơ quan giám định pháp y đưa ra những kết luận khác nhau nên bác sỹ pháp y phải kiểm nghiệm lại nhiều lần mới có thể đưa ra những kết luận thống nhất và chính xác nhất. Để hạn chế các nguy cơ nhiễm bệnh, họ chỉ biết phòng vệ bằng cách sử dụng các dụng cụ, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh như đeo khẩu trang, găng tay nilon, ủng và mặc quần áo mưa. Trong quá trình mổ thì thao tác nhẹ nhàng, thận trọng, tiến hành nhanh gọn… để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. |
Nhấp ngụm trà, ông bắt đầu kể cho tôi một trong những lần khám nghiệm tử thi để lại nhiều ấn tượng nhất là "vụ án vườn điều" năm 1993 tại thôn 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Vụ án này kéo dài trong nhiều năm (từ 1993 - 1998) mà báo chí đưa tin rất nhiều, do quá chú trọng đến những vấn đề xác định nguyên nhân chết mà không phân tích mổ xẻ xem những vết thương do những loại hung khí nào gây ra, xác định người chết có đúng là nạn nhân như đã nói trên không?.
Sau khi khai quật tử thi, chúng tôi phát hiện ra nhiều chi tiết bị bỏ sót. Đó là nạn nhân bị chém rất nhiều nhát vào xương trụ của cánh tay, chém một lực rất mạnh bung cả xương hàm theo hướng từ trên xuống dưới. Nghiên cứu thổ nhưỡng, nghiên cứu các loại ký sinh trong mộ, thời gian nạn nhân bị chết và nguyên nhân gây ra cái chết, chúng tôi đã tiến hành giám định hài cốt; đồng thời trưng cầu giám định ADN giữa mẫu xương của nạn nhân với mẫu máu, tóc các con ruột nạn nhân, cũng như những nghi phạm. Do đó đã tìm được hung thủ sau 5 năm nhởn nhơ ngoài pháp luật…
Trong ngành thì chúng tôi luôn hỗ trợ nhau trong công việc nên cũng không có nhiều sức ép lắm. Còn khi đi ra ngoài ai hỏi chúng tôi làm nghề gì, cứ nghe thấy hai chữ pháp y là họ kêu "úi trời". Thế là chúng tôi đủ hiểu họ nghĩ gì về nghề của chúng tôi, nhiều khi cũng bất lợi trong khi làm nhiệm vụ vì ít có sự trợ giúp.
Bác sỹ Châu chia sẻ thêm: "Gần 30 năm gắn bó với nghề pháp y, tôi đã mổ hàng ngàn tử thi. Có những ca chết trôi nhiều ngày, da thịt đã bị phân hủy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ngay cả những người thân nhất của nạn nhân còn phải kinh sợ trước cảnh tượng đó. Thế nhưng, tôi và các cán bộ pháp y vẫn không nề hà công việc. Chúng tôi vào cuộc một cách bình tĩnh, cẩn trọng để sau đó tìm ra nguyên nhân xác thực của cái chết". Bác sỹ Châu từng được nhận hàng loạt Huy chương Vì An ninh Tổ quốc do Văn phòng Chính phủ trao tặng, Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng, rồi chiến sĩ quyết thắng, danh hiệu chiến sĩ thi đua và biết bao bằng khen của Tổng cục Cảnh sát sau mỗi chiến công thầm lặng ấy.
Trong quan niệm của người Á đông, người sống rất sợ người chết, người sống không muốn người chết bị phanh thây, xẻ thịt vì thế hầu hết gia đình của người chết không muốn khám nghiệm tử thi. Chính vì thế, trong nhiều vụ án hình sự, giám định viên còn bị người nhà của nạn nhân hoặc đối tượng tấn công. Bác sỹ Châu bảo: "Nhiều khi chúng tôi đi vài trăm cây số, khi đến nơi thì gia đình nhất quyết không cho mổ tử thi, giải thích thế nào họ cũng không chịu. Chỉ đến khi công an vào thì họ mới đồng ý để chúng tôi làm nhiệm vụ".
Ông bảo: "Nghề của cháu khi chia sẻ với người thân chắc ai cũng thích lắm nhỉ? Nghề của chú thì không bao giờ chia sẻ được… Nhưng, nghề nào cũng có cái vui, cái buồn, cái tự hào và vinh quang của nó nữa…".
NHẬT TÂN - PHƯƠNG PHƯƠNG