“Bén duyên với nghề ngân hàng ngay từ khi chưa ra trường, sự nghiệp gắn liền với những con số hơn 10 năm, trải qua các vị trí từ nhân viên đến lãnh đạo tại các ngân hàng như Vietcombank, VPBank và hiện tại đang tạm dừng chân ở ngân hàng An Bình (ABBank)”, profile của một nữ lãnh đạo trẻ ngân hàng khiến nhiều người nể phục.
Được tiếp xúc với chị Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Giám đốc khối Doanh nghiệp Vừa và nhỏ (SME) ABBank, người viết khá bất ngờ vì sự trẻ trung, vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, không giống như tưởng tượng về một phụ nữ dày dạn thương trường – đặc biệt là nghề nhiều áp lực như ngân hàng.
Khả năng giao tiếp với ánh mắt luôn toát lên sự quyết đoán mà không kém phần nhạy bén có thể khiến người đối diện “tâm phục khẩu phục”. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị Quỳnh Nga - một trong hàng nghìn nữ doanh nhân thời đại mới đã có những chia sẻ cởi mở về chuyện đời, chuyện nghề.
Khi phụ nữ làm lãnh đạo NH
Gần đây, tỷ lệ nữ giới lãnh đạo doanh nghiệp Việt ngày càng tăng qua các năm, hiện đã lên mức 34%, vượt Mỹ và Trung Quốc. Chị nghĩ thế nào về xu hướng này?
Đây là xu hướng tích cực và tất yếu trong tương lai. Trước đây, người ta thường gắn hình ảnh người phụ nữ với công việc bếp núc, gia đình nhưng từ sau thời kỳ mở cửa hội nhập, cơ hội cho nữ giới cũng nhiều hơn. Với tố chất chăm chỉ, chịu khó và nhạy bén với công việc và hơn nữa, họ không có nhiều thú tiêu khiển như nam giới nên khi làm việc sẽ dành tất cả tâm huyết của mình cho mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, một lợi thế nữa là tư duy của người đàn ông Việt Nam đã thoáng hơn, cởi mở hơn và tiệm cận với phương Tây nhiều hơn. Họ có thể chia sẻ việc nhà, chăm sóc gia đình, con cái, tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng của mình.
Phụ nữ làm lãnh đạo, điều này có gì khó hơn nam giới không?
Do đặc thù công việc, tôi cũng được tiếp xúc và nghiên cứu rất nhiều nữ lãnh đạo doanh nghiệp. Dù kinh doanh ở nhiều ngành nghề khác nhau nhưng họ có một điểm chung, đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Ngoài việc làm tròn nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ, khi ở cơ quan, họ còn phải trở thành một người sếp – đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến hàng chục, hàng trăm nhân viên và đối tác, bạn hàng.
Người phụ nữ làm lãnh đạo, ở họ thường bao gồm hai yếu tố, sự quyết đoán – điều mà người chủ doanh nghiệp nào cũng cần, hơn thế nữa là sự nhạy bén với cơ hội, thị trường. Tuy nhiên, trong cùng một tổ chức, người phụ nữ muốn vươn lên vị trí lãnh đạo sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, làm việc thâu đêm suốt sáng, vừa phải cân bằng giữa cuộc sống gia đình với sự nghiệp, mặt khác phải chứng tỏ được năng lực của mình không hề thua kém các đồng nghiệp nam. Trên thực tế, các cơ hội để vươn lên vị trí cấp cao thường được ưu tiên cho nam giới nhiều hơn, nên để đạt được cùng một vị trí, người phụ nữ phải nỗ lực hơn rất nhiều.
Vốn làm lãnh đạo đã khó, mà nhất là đối với ngành kinh doanh rủi ro như ngân hàng, lại là phái nữ thì lại càng khó hơn và áp lực hơn gấp nhiều lần.
Điều gì khó khăn nhất khi phụ nữ làm lãnh đạo ngân hàng?
Ngành ngân hàng rất đặc thù, so sánh với các ngành nghề khác thì để tích lũy được kinh nghiệm, không cách nào khác bạn phải trải qua tất cả các vị trí từ chính sách sản phẩm, kinh doanh, tiếp xúc khách hàng để thấu hiểu khách hàng, từ đó có thể thiết kế ra những sản phẩm/chương trình đặc thù, chuyên biệt phù hợp với từng phân khúc khách hàng mục tiêu khác nhau.
Đối với bản thân tôi, trong 10 năm qua tôi đã phải chấp nhận hy sinh thời gian dành cho gia đình để tập trung cho công việc. Để làm được điều đó, cần sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, đó là người bạn đời và bố mẹ. Nhất là người bạn đời của mình, là hậu phương vững chắc của tôi. Anh đã thấu hiểu được những tâm huyết với nghề của tôi, cảm thông và chia sẻ những khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Ngày thường tôi làm việc đến 8h tối nhưng khi về sẽ dành hoàn toàn thời gian cho gia đình, cuối tuần cả nhà tổ chức đi chơi, du lịch để có thêm thời gian cạnh nhau.
Cơ hội nằm ở chính mình
Thời gian gần đây, một chủ đề nóng được dư luận quan tâm đó là “thủ khoa sư phạm ở nhà chăn lợn”. Đó là một thực tế có phần khắc nghiệt của cuộc sống. Chị nghĩ thế nào về vấn đề này?
Giữa trường học và trường đời là một khoảng cách rất xa. Bản thân tôi cũng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, nhưng để có được vị trí công việc như ngày hôm nay, tôi đã phải nỗ lực hết mình, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp, bên cạnh đó là nắm bắt được thời cơ. Kiến thức đào tạo trong nhà trường chỉ là một hành trang nhỏ trên con đường dài sau này, khi được va chạm với cuộc sống bên ngoài thì thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào kỹ năng được trau dồi qua nhiều năm kinh nghiệm.
Là một nhà quản lý cần rất nhiều kỹ năng: quản lý, tạo động lực cho nhân viên, kỹ năng đàm phán, giao tiếp… Khi lựa chọn người lãnh đạo, người ta sẽ nhìn vào tố chất và tiềm năng của bạn, hơn là những lý thuyết sách vở.
Với kinh nghiệm bản thân, chị có lời khuyên nào cho những nữ chủ nhân tương lai của đất nước?
Câu hỏi của bạn nhắc tôi nhớ đến khoảng thời gian đẹp nhất của mình, đó là những năm còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường. Lời khuyên của tôi là: "Hãy tận hưởng khoảng thời gian đẹp nhất của thanh xuân, sống là phải có hoài bão, để không bỏ lỡ những năm tháng tuổi trẻ".
Lấy ví dụ như bản thân tôi, ngay từ năm cuối đại học, chuẩn bị tốt nghiệp ngành Tài chính – ngân hàng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi đã xác định mình sẽ gắn bó với nghề này. Đúng thời điểm ngành ngân hàng đang rất “khát” nhân sự chất lượng, tôi đã trở thành nhân viên chính thức của Vietcombank mặc dù chưa nhận bằng tốt nghiệp. Nên đến giờ nghĩ lại thời sinh viên chưa được chơi hết mình, cũng có phần tiếc (cười).
Tuy vậy, điều đó vẫn nằm trong “kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” khi tôi xác định lộ trình phát triển nghề nghiệp của bản thân. Từ đó đến nay, các kế hoạch 5 năm lần thứ hai, thứ ba đã và đang đi đúng lộ trình.
Khi hoạch định chiếc lược cho bản thân, tôi có những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn rõ ràng, làm trưởng phòng ở 5 năm đầu, sau đó lên chức Phó Giám đốc ở 5 năm tiếp theo và còn xa hơn nữa. Điều cần nhất là các bạn phải có hoài bão, đam mê đối với lĩnh vực mình theo đuổi. Khi đối mặt với cuộc sống thực tế, chắc chắn sẽ vấp phải không ít khó khăn, nhưng nếu có quyết tâm thì mọi khó khăn đều có thể đẩy lùi. Trong quá trình đó, bạn cũng phải không ngừng rèn luyện bản thân, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm thực tế để khi có cơ hội mình có thể sẵn sàng nắm bắt nhanh chóng.
Cuối cùng, nên nhớ, không ai trao cho mình cơ hội ngoài chính bản thân mình. Thần may mắn chỉ mỉm cười với những người chăm chỉ!
Xin cảm ơn chị!
Cách “chống ế” cho con gái ngân hàng Người ta thường nói, làm ngân hàng mà chưa lấy chồng thì có nguy cơ ế dài dài, còn lập gia đình rồi thì chồng chê chồng bỏ. Nhưng rõ ràng, khi nhìn vào thực tế lực lượng lao động nữ trong ngành ngân hàng hiện nay vẫn rất đông. Vấn đề là mỗi người cần có cách tự hài hòa cuộc sống cá nhân với sự nghiệp. Với một nhân viên nữ làm trong ngành ngân hàng thì nên cố gắng quản lý thời gian tốt, cân đối các quỹ thời gian cho bản thân, bạn bè và gia đình, ngoài công việc. Ngoài ra, đối với nữ lãnh đạo cấp cao trong ngân hàng thì đôi khi họ phải chấp nhận có những hy sinh, đánh đổi nhất định nếu họ thấy điều đó là xứng đáng để chuyên tâm phát triển sự nghiệp. Thực tế, tôi cũng gặp rất nhiều cặp đôi là đồng nghiệp do tiếp xúc nhiều trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày nên có thể thấu hiểu đồng thời hỗ trợ cho nhau rất tốt. Điều này thì cũng còn tùy duyên. - Phó Giám đốc khối SME ngân hàng An Bình Nguyễn Quỳnh Nga - |