Lúc chị Phạm Hồng Thơm (31 tuổi, trú tại thôn Cao Bình, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đang nằm cấp cứu tại bệnh viện cũng là thời điểm mọi người trong gia đình lo hậu sự cho đứa con trai 8 tuổi của chị. Bé N.T.H. tử vong do đuối nước. Lần cuối cùng chị Thơm nhìn thấy con là lúc bé H. đang chới với giữa dòng nước.
Thời điểm PV có mặt tại phòng 308, khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh Nguyễn Văn Điệp (SN 1984, chồng chị Thơm – PV) cùng em gái đang xoa nhẹ đôi chân đau nhức và chân phải phải nẹp cố định của chị.
Theo chia sẻ của anh Điệp, vợ anh nhập viện ngày 2/8, trải qua 3 ngày cấp cứu, thêm lần mổ hôm nay (ngày 14/8) là lần mổ thứ 2.
Trên gương mặt khắc khổ của người đàn ông ấy hiện về rất nhiều lo toan. Đó là mối lo làm sao vợ khỏi chân để tiếp tục cùng anh mưu sinh trong những ngày lênh đênh trên biển; mối lo có người chăm sóc cho con trai lớn 12 tuổi và con trai út 20 tháng tuổi vì hiện tại, ông bà hai bên nội ngoại cũng phải đi làm; mối lo xoay xở được tiền chữa trị cho vợ khi chỉ tính tới ngày hôm nay, anh đã phải đóng hơn 150 triệu đồng tiền viện phí và mọi loại thuốc thang; mối lo trả được nợ vay ngân hàng 200 triệu đồng từ hơn 1 năm trước để xây nhà, lo cho các con học hành…
“Đã 6 ngày nay vợ tôi không ngủ được vì những cơn đau nhức. Từ ngày nhập viện tới nay, vợ tôi đã sút 5-6kg. Có nhiều lúc cô ấy cũng khóc rồi lại đòi về với các con. Tôi biết, trong lòng vợ tôi giờ rất nhiều mâu thuẫn nhưng chúng tôi cũng phải khuyên nhủ để cô ấy cố gắng tĩnh tâm và điều trị”, anh Điệp tâm sự.
Trong ký ức của anh không bao giờ quên được thời điểm anh từ Hà Nội trở về nhà sau cuộc điện thoại báo tin dữ. Hôm đó, anh đưa người họ hàng lên bệnh viện K Trung ương. Khi anh đi xe khách về tới giữa đường nhận được tin báo, vợ con gặp nạn và con anh đã mãi ra đi, anh vội vã, hấp tấp bắt xe taxi về nhà.
“Lúc tôi vừa đặt chân đến nhà cũng là lúc mọi người đưa thi thể con tôi về tới nơi. Hai bố con đối mặt nhau trong khoảnh khắc nhưng tôi lại không thể nghe tiếng con nô đùa hay gọi “bố ơi” nữa.
Khi vợ tôi sau khi được sơ cứu, khi xe cấp cứu chưa tới, mọi người gọi xe taxi để đưa vợ tôi lên viện nhưng 4 chiếc taxi từ chối vì máu ở chân vợ tôi ra quá nhiều”, nói tới đây, khóe mắt người bố ấy đỏ hoe.
Vì cuộc sống, anh phải đưa cả 3 người con trai lênh đênh sông nước cùng gia đình, có khi cả tháng mới về nhà 1 lần. Năm học tới, vợ chồng anh chắt bóp thuê người đưa H. đi học, mỗi tháng cũng ngót nghét hơn 1 triệu đồng.
Con trai lớn của anh học hết lớp 3 cũng ở nhà theo bố mẹ làm ngư nghiệp. Năm tháng cứ thế trôi qua cho tới ngày tai nạn ập tới.
“Con mất, vợ nằm viện. Theo bác sĩ nói, vợ tôi phải nối gân, thời gian để vợ tôi bình phục cũng khoảng 2-3 tháng mà mỗi ngày ở viện chi phí cao, tôi chưa biết mình sẽ trải qua những ngày tiếp theo như thế nào”, anh Điệp nói.
Còn với chị Thơm, giây phút con bị ngã xuống biển cứ ám ảnh mãi trong chị. Chị vẫn còn nhớ, thời điểm xảy ra sự việc thuyền của gia đình chị đang neo đậu ở cảng thuộc huyện Tiền Hải thì con trai chị là cháu H. không may bị trượt ngã xuống biển.
Do quá hốt hoảng chị Thơm liền lao xuống cứu con nhưng H. bị dòng nước cuốn trôi nhanh quá, cánh tay của người mẹ ấy không thể với và giữ con lại được. Còn bản thân chị Thơm bị cánh quạt của tàu chém vào người khiến chị bị thương rất nặng ở phần chân phải.
“Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là tôi có thể chữa khỏi đôi chân để về nuôi hai con vì kinh tế gia đình khó khăn, cộng với công nợ rất nhiều”, chị Thơm chia sẻ.
Ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương cũng cho biết: “Ngay sau khi nắm được thông tin, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên người thân gia đình chị Thơm. Đồng thời chi hội phụ nữ xã đã kêu gọi vận động các tấm lòng hảo tâm chia sẻ hoạn nạn với gia đình chị Thơm”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về số tài khoản 3404205181040, Ngân hàng Agribank, chi nhánh Nam Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Chủ tài khoản: Nguyễn Văn Điệp
Số điện thoại: 01677818121
Nguyễn Huệ