Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện “tâm thư” của một cô gái khuyết tật nhưng tràn đầy năng lượng sống.
Cô nàng tự tin viết: “Ai nói tôi không buồn, không cô đơn, đừng nhìn vào nụ cười của tôi, hãy nhìn vào đôi mắt của tôi!
Tôi sinh ra đã không mang hình hài trọn vẹn, khi tôi đi học xa nhà thì gia đình lại rơi vào phá sản, tôi phải xin đi nhờ xe của tất cả những bạn đồng trang lứa.
Tôi cũng là phụ nữ, cũng biết yêu, cũng muốn làm mẹ, làm sao mà tôi không tổn thương khi mối tình đầu tan vỡ với bao hạnh phúc, khao khát, cả hy vọng đong đầy.
Tôi cũng là chỉ là cô gái bé nhỏ: Làm sao tôi không bị stress khi công việc thất bại, làm ăn đổ bể…tôi sợ trở thành gánh nặng.
Tôi cũng là con người, cũng có phần con, cũng lười biếng, sợ ánh nắng, khói bụi làm làm da đen sạm, làm tôi xấu xí hơn. Tôi lo lắng, sợ hãi rất nhiều thứ, thế nhưng luôn luôn:
...Tôi đã luôn có những người bạn đồng hành trên mỗi chặng đường: Học cấp 2 là những cô bạn cùng lớp đón đưa, học cấp 3 cô bạn thân đưa đón không vắng ngày nào. Học đại học thì cô bạn khác lớp chăm sóc từ miếng ăn tới giấc ngủ nhờ những chuyến đi ké xe.
Tôi đã từng tổn thương khi tình đầu tan vỡ, nhưng người đàn ông đến sau đã dành cho tôi một tình yêu rất trọn vẹn. Anh lau khô, sưởi ấm tâm hồn tôi bằng tình yêu và anh ấy cho tôi hiểu rằng: Người yêu đầu của tôi còn tổn thương hơn tôi gấp bội.
Tôi sợ hãi sẽ là gánh nặng nhưng cha tôi luôn mong tôi sẽ về nhà, anh chị, em út, thậm chí bạn bè thân của tôi thì luôn chờ đợi để bao bọc, yêu thương tôi vô điều kiện.
Ánh nắng, khói bụi có hề chi với những thái độ ân cần, săn đón, chờ tôi giao mật ong tới, chờ tôi giao xà bông tới…tôi biết mọi người luôn tin tưởng tôi. Và tôi tự hứa mọi người sẽ không thất vọng đâu”.
Ngay sau khi đăng tải, những lời chia sẻ đã nhận được không ít bình luận từ người dùng mạng.
Bạn trẻ Thu Huyền bày tỏ: “Thật ngưỡng mộ nghị lực của chị. Niềm tin, sự lạc quan của chị đã lan tỏ cho những người khác. Chị hãy cố gắng giữ vững niềm tin này nhé”.
Còn Bảo Ngọc viết: “Ngay cả người bình thường còn khó làm được điều này, cảm ơn bạn đã cho chúng tôi nhận rõ giá trị của sự sống. Đây quả thực là một điều thật tuyệt vời”.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc nói chuyện với chủ nhân của bức “tâm thư” này. Cô gái Nguyễn Thị Thơm (SN 1990, cựu sinh viên học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) cho biết, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cô cũng biết đau thương thành sức mạnh, biến tuyệt vọng thành hy vọng.
Thơm kể rằng cô sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, năm lên 3 tuổi, trong một trận sốt rét ác nghiệt, cô bất ngờ bị chứng nhược cơ, cả người teo tóp lại, tứ chi yếu ớt. Cuộc đời từ đó đẩy cô gái về phía chông gai.
Suốt những năm đi học, quãng đường từ nhà đến trường tưởng ngắn ngủi nhưng hoá ra dài thăm thẳm với một cô gái như Thơm. Thế nhưng cô vẫn quyết tâm đến trường. Khi đi học, thành tích của Thơm luôn đứng đầu lớp. Sau đó cô đã cố gắng thi đỗ học viện Hành chính Quốc gia.
“Tôi khuyết tật nhưng vẫn có thể cười nói, làm việc, hát và có thể yêu. Chính vì thế, tôi luôn nỗ lực hết sức để làm những điều mà mọi người bình thường vẫn hay làm. Đỗ đại học tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc”, Nguyễn Thị Thơm chia sẻ.
Và Thơm đã quyết tâm thay đổi suy nghĩ của mọi người bằng mọi giá. Sau khi ra trường Thơm được nhận vào một cơ quan hành chính ở quận 1, ngày đi làm nhà nước, những khi rảnh cô lại tranh thủ lấy mật ong ở quê lên thành phố bán…
Nghĩ rằng bản thân còn phải làm được nhiều hơn thế, vì vậy Thơm đã cùng nhóm bạn của mình mở một gian hàng nho nhỏ bán đồ lưu niệm cho khách thập phương.
Dù bị liệt 2 chân nhưng cô di chuyển khắp nơi, dậy từ 3h sáng đã làm phần việc của mình. Không những thế, cô gái bé nhỏ này còn tiếp tục cho ra đời một đứa con tinh thần khác: Quán cà phê nhỏ trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận).
Dù có khó khăn, vất vả nhưng mỗi lần nói chuyện với mọi người Thơm luôn nở nụ cười hạnh phúc.
"Tôi làm hết những gì mà mình có khả năng, quán cà phê này tôi mở ra là muốn tạo sân chơi cho các bạn khuyết tật. Tôi nghĩ rằng thời gian tới tôi sẽ phải làm nhiều việc hơn thế", Thơm tâm sự.