"Chúng tôi chưa từng đánh con một cái nào, nhưng chính thái độ kì thị của những người trong gia đình lại chính là một đòn hiểm với cháu. Nếu như ngay từ đầu, chúng tôi chấp nhận cho con mình yêu người cùng giới (đàn ông) và để cho cháu được thoải mái với sự lựa chọn của mình thì có lẽ sẽ không có chuyện cháu phải hơn một lần tự tử và hai lần phải điều trị trong bệnh viện tâm thần..." nước mắt bà Thuỷ, một người mẹ đã viết bức tâm thư tới Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp rơi xuống khi nhớ lại cuộc hành trình 10 năm đi tìm lại giới tính thật cho đứa con trai.
"Con là gay, con yêu con trai"
Gặp bà Thuỷ tại Hà Nội lần đầu, khi bà đang tham dự một chương trình hội thảo dành cho người đồng tính và song tính, chúng tôi khá xúc động. Bởi trước mặt là một người mẹ đã từng phải trải qua rất nhiều những đấu tranh tâm lý, vượt qua những mặc cảm của xã hội để có thể chấp nhận việc đứa con trai mình dứt ruột sinh ra lại mang trong mình tâm hồn của một phụ nữ. Cái vẻ hiền lành, chất phác, đậm chất Nam bộ của bà và câu chuyện về đứa con trai khiến những người xung quanh phải lén quay mặt đi để lau những giọt nước mắt. Hơn mười năm là quãng đường mà vợ chồng bà cùng với đứa con trai đi tìm lại giới tính thật của mình.
Bà Thuỷ đã phải khóc rất nhiều khi biết tin đứa con trai lớn - là niềm tự hào của ông bà bị đồng tính. Ảnh minh họa.
Việt Nam có bao nhiêu người “không rõ” giới tính? Theo các nghiên cứu mới nhất, ở Việt Nam hiện có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, dị tính, song tính và chuyển giới. Hầu hết trong số họ đều phải chịu sự kỳ thị, định kiến, bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần, đồng thời phải chịu những thiệt thòi lớn về cơ hội học tập, công việc, hôn nhân và chăm sóc sức khoẻ. |
"Hai vợ chồng tôi có hai đứa con đều rất mực yêu thương các cháu. Chúng tôi chưa từng đánh con lần nào. Đứa con trai lớn rất chịu khó, học hành giỏi giang, là niềm tự hào của hai vợ chồng, đột nhiên đến năm 20 tuổi, cháu nói với chúng tôi là con bị đồng tính. Kể từ giờ phút đó trở đi, những gì con trai tôi đã từng làm đều bị phủ nhận sạch trong mắt chúng tôi", bà Thuỷ chia sẻ.
Lúc ấy, những định kiến xã hội về người đồng tính vẫn còn gay gắt. Bà Thuỷ còn nhớ, nhiều bữa ngồi nấu cơm cho gia đình, cơm sôi trào lúc nào cũng không biết, thậm chí không ý thức được mình đang làm gì. Nhiều bữa cơm dọn ra chỉ có mình đứa con trai với mâm cơm lạnh ngắt. Còn chồng bà thậm chí còn gay gắt hơn, nhiều lúc ông gọi đứa con mình đẻ ra là đồ sâu bọ.
Đứa con trai vẫn sống trong gia đình mà trở nên lạc lõng, không người tin cậy, không người lắng nghe, nhiều lúc có cảm giác mình như một thứ quái vật tồn tại trong nhà. Nhiều khi bắt gặp con trai mình đi cùng với những người bạn đồng tính, vợ chồng ông bà lại lên án "Lũ chúng bay có mà đem đi bắn hết", tới khi một cậu bạn trong số đó lên tiếng: "Tụi con có làm tội gì mà bác đòi bắn chúng con", bà Thuỷ mới giật mình và cảm thấy mình quá đáng với lũ nhỏ.
Bất chấp sự phản đối của đứa con, hai vợ chồng bà vẫn bắt con vào bệnh viện Bình Dân để thử máu xem trong máu của con có thiếu hoóc môn nào không. Mấy lần đến bác sĩ đều cho kết quả là bình thường. Gia đình lại nghĩ rằng con mình bị một vong nữ nào áp vào nên quyết lặn lội đưa con xuống Đồng Tháp để tìm thầy đuổi vong. Thầy mới cho người trói ghì đứa con trai lại, cạo gió khắp người tới bầm tím lên rồi hỏi "Cái vong này, mày là ai?". Câu trả lời: "Con là Duy, là con của ba má" không đủ sức thuyết phục, thầy đồng lại tiếp tục chọc vào yết hầu của đứa con và hỏi lại nhiều lần như thế. Đến khi đau quá không chịu nổi, Duy mới thét lên: "Con là GAY, con yêu con trai", hai vợ chồng mới lã chã nước mắt xin dừng vì biết nếu tiếp tục con mình sẽ không thể chịu đựng nổi nữa.
Người đàn bà đi... “đòi” giới tính cho con
Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ở Việt Nam với đặc thù là một xã hội đóng kín, thậm chí có phần hơi "cổ", nhiều định kiến thì phải mất một thời gian dài chúng ta mới có thể chấp nhận được. Ví như trước kia, việc lấy người nước ngoài, lấy người dân tộc hay phụ nữ sinh con một mình là điều không chấp nhận được nhưng tới nay, khi xã hội phát triển, những định kiến cổ hủ cũng được đẩy lùi. Việc mưu cầu hạnh phúc của người đồng tính, song tính, dị tính và chuyển giới cũng vậy. Ai cũng có mong muốn và có quyền được yêu, quyền này phải được đảm bảo. |
Vì thương con nhưng ngại định kiến xã hội, vợ chồng bà Thuỷ vẫn cố giữ kín và tìm mọi cách để chữa chạy cho con. Nhiều lúc bà Thuỷ vắt tay lên trán nghĩ không hiểu mình làm gì nên tội để con mình phải chịu cảnh nghiệt ngã như vậy. Vì áp lực bên ngoài lại thêm áp lực của gia đình tích lại ngày càng lớn, đứa con của ông bà cũng không chịu nổi, dần dần bị mắc rối loạn thần kinh, buộc phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị. Đưa con vào viện, chăm con cả tháng trời, nhìn thấy những bệnh nhân tâm thần đập phá, la hét, chứng kiến cảnh cơ cực của những người nhà, bà Thuỷ hốt hoảng cầu cứu bác sĩ: "Bác sĩ ơi, con tôi nó là gay, xin bác sĩ chuyển cho con tôi sang ở cùng với nữ, nếu ở đây nó sẽ bị đánh chết mất".
Mười năm, chưa một ngày nào nước mắt của người mẹ này không rơi, nhất là khi nhìn thấy đứa con trai đờ đẫn, trầm cảm. Khi gia đình dần dần chấp nhận được sự thật thì tình trạng của anh cũng trở nên tệ hơn. Mặc dù đã được điều trị ở bệnh viện tâm thần, được các bác sĩ làm liệu pháp tâm lý, hiện anh vẫn phải uống thuốc về thần kinh cho tới cuối đời. Duy đã đi làm, nhưng có lẽ do nhiều năm phải sống trong tâm lý bị kì thị nên sự chịu đựng của anh cũng kém hơn người khác, hễ cảm thấy có gì đó không ổn là anh lại bỏ việc, tìm chỗ khác khiến gia đình cũng bất an theo.
GS. Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm ủng hộ về hôn nhân của những người đồng tính, song tính, dị tính và chuyển giới.
"Nếu như trước kia, chúng tôi chấp nhận thì đã không gây cho con mình những tổn thương như vậy. Có lẽ cháu đã không phải chịu cảnh như bây giờ và được sống vui vẻ, được quan tâm bạn bè, được yêu thương, thậm chí còn chuyên tâm vào làm ăn nữa. Bây giờ chúng tôi có hối hận cũng không quay ngược được thời gian. Cũng may, muộn nhưng không phải quá trễ, chúng tôi hi vọng rằng, không một đứa con nào lại phải chịu cảnh như con chúng tôi đã từng chịu". Đấy cũng chính là lý do vì sao bà viết bức tâm thư của mình gửi tới Uỷ ban sửa đổi hiến pháp, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngay trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XIII, thiết tha bày tỏ nguyện vọng của một người đại diện cho biết bao người mẹ khác, đi tìm tiếng nói hạnh phúc cho con mình.
"Kính thưa! Tôi đã đọc hết bản dự thảo Hiến pháp, tôi chỉ hiểu được một điều cốt lõi nhất là Nhà nước luôn cố gắng thay đổi bổ sung sao cho Hiến pháp ngày càng nâng cao đời sống cho toàn thể con người Việt Nam. Tôi năm nay đã 56 tuổi rồi mới mở lòng bày tỏ niềm trăn trở. Đây là lần đầu tiên trong đời và có thể chỉ một lần này thôi, vì một Hiến pháp có thay đổi cũng phải mươi, mười lăm năm. Nếu tôi mạnh dạn đón nhận cơ hội này để xin được bày tỏ tâm thư, nguyện vọng, kính mong Nhà nước xem xét. Phụ nữ chúng tôi được tạo hoá ban cho thiên chức làm mẹ, nhưng đâu có ban cho cái quyền được sanh con theo ý muốn, và những đứa con ra đời cũng đâu có quyền chọn giới tính cho mình. Một khi người phụ nữ sanh toàn con gái, thì bản thân người mẹ và người con gái chưa chắc được phía nhà chồng yêu quý. Vậy trong trường hợp người phụ nữ sanh con trai, mà mãi gần 20 năm sau mới biết con mình đồng tính, có những người chồng khác đã tìm con khác ngoài giá thú, hay là li dị. Hạnh phúc phụ nữ mong manh quá. Do vậy tôi khẩn cầu Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ dù sanh con trai, con gái, đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, khuyết tật. Và điều mong mỏi lớn nhất là trong hiến pháp cần có sự bảo vệ quyền con người cho những con người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, những con người khuyết tật, HIV, dân tộc ít người và đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Có như vậy thì người phụ nữ chúng tôi mới cảm thấy yên tâm lúc mang thai không phải lo lắng cho đứa con chào đời thuộc về giới tính nào. Phụ nữ chúng tôi mới có đủ tâm trí, nghị lực nuôi dạy con cái tốt và cống hiến toàn tâm toàn ý cho xã hội được. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ |
Đỗ Huệ