Ngày Chủ nhật đen tối
Giống như bao Chủ Nhật, ngày 28/4/1996, khu du lịch Port Arthur (bang Tasmania, Australia) đông nghịt khách du lịch ghé thăm. Đến 1h30 phút chiều, sau bữa ăn trưa bận rộn, vẫn còn ít nhất 60 người say sưa bên các bàn cà phê của quán Broad Arrow. Tất nhiên, không ai nhớ chàng trai trẻ với mái tóc vàng dài bước vào quán, nhưng một số người vẫn nhớ câu nói bâng quơ khi người này ngồi xuống khu vực ban công đợi đồ ăn: "Nay nhiều ong bắp cày về quá".
Kết thúc bữa ăn, không nói không rằng, gã trai đi về phía sau quán cà phê, đảo mắt nhìn khách một lượt rồi bất ngờ, hắn rút từ trong túi xách một khẩu súng trường bán tự động AR15 và đoạt mạng người đàn ông châu Á, Moh Yee Ng. Soo Leng Chung, người đi cùng nạn nhân may mắn thoát chết. Khi những người có mặt tại quán còn chưa kịp định thần, loạt đạn thứ 2 lại vang lên, Mick Sargent và Mick gục xuống. Những tiếng súng chát chúa lại tiếp tục. Khắp không gian quán mùi thuốc súng nồng nặc giữa ngổn ngang thi thể người.
Rời khỏi quán cà phê, thấy đám đông hoảng loạn trốn chạy trong bãi xe, tay súng điên cuồng xả thêm tràng dài. Rồi đi thêm một đoạn, gặp chiếc xe buýt du lịch đậu gần đó, tay súng bắn gục tài xế và ba hành khách. Đi tiếp, gặp người mẹ trẻ dắt con bỏ chạy, hắn điên cuồng truy sát đến cùng. Vẫn chưa thỏa mãn, hắn tiếp tục nã súng vào 3 người ngồi trong chiếc BMW đỏ rồi kéo thi thể ra khỏi xe, tay súng lái đi.
Chạy xe được một đoạn, thấy cặp vợ chồng đang ngồi trong một chiếc Toyota màu trắng, dừng xe lẹ làng và xả hai phát đạn. Tuy vậy, những mạng người chết oan nghiệt dưới bàn tay vô cảm của kẻ sát nhân vẫn chưa dừng tại đây. Tổng cộng, chỉ trong vỏn vẹn có vài tiếng, kẻ máu lạnh đã đoạt mạng sống của 35 người và làm hơn 23 người bị thương. Không khó để cảnh sát tìm ra tung tích kẻ sát nhân. Tuy nhiên, cho đến khi cái tên Martin John Bryant (sinh ngày 7/5/1967) ở vùng ngoại ô NewTown đã được công bố là kẻ gây nên thảm họa kinh hoàng nhất cho Australia, người ta vẫn chưa biết đâu là động cơ của hành vi máu lạnh này.
Món quà oan nghiệt
Ngay từ khi còn nhỏ, Martin Bryant là một đứa trẻ không bình thường. Mẹ của Martin Bryant khi đó thường than thở rằng bà rất lo cho tính khí của con mình. Cha của Martin Bryant thậm chí còn phải xin nghỉ hưu sớm để chăm sóc Martin Bryant. Khi đến tuổi đi học, hành vi thất thường của Martin Bryant khiến những đứa trẻ khác xa lánh. Và đến khi vào bậc tiểu học, Martin Bryant phải học trong lớp học đặc biệt vì chỉ số I.Q. quá thấp. Càng lớn, Martin Bryant càng bộc lộ rõ xu hướng co mình trong thế giới riêng một cách lạ thường.
Lập dị là vậy nhưng Martin Bryant cũng có được tình yêu của một kẻ lập dị khác. Hai kẻ khác người yêu nhau say đắm đến mức cô bạn gái lớn tuổi còn trao toàn bộ quyền thừa kế ngôi nhà lớn và một số tài sản kếch xù cho Martin Bryant. Gã đàn ông lập dị bỗng chốc trở nên giàu có. Tuy nhiên, cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc dường như lại làm cho Martin Bryant trở nên thất thường, lập dị và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Hàng xóm “bạt vía kinh hồn” mỗi khi thấy Martin Bryant phóng xe vù vù qua ngõ. Một lần, từ một trò đùa quái đản, giật mạnh tay lái khi đang lái xe, Martin Bryant khiến người bạn gái tử vong ngay trong xe. Song rất lạ, không một chút buồn thương, hắn còn nở nụ cười khoái chí.
“Bẻ ngoặt” luật sử dụng súng đạn
Australia đã từng trải qua các vụ xả súng hàng loạt trước đó, nhưng vụ thảm sát ở Arthur đã làm chấn động cả nước này. Martin Bryant, hiện hơn 50 tuổi và bị giam cầm suốt đời không ân xá từng được đánh giá là có IQ của một đứa trẻ 11 tuổi từng trả lời rằng hắn đã ăn trộm tiền để đi mua súng ngay tại cửa hàng tạp hóa gần nhà. Vũ khí tàn sát rơi vào tay kẻ thiểu năng trí tuệ, thực không có gì nguy hiểm bằng.
Sự tàn bạo của vụ thảm sát đã khiến Chính phủ Australia phản ứng nhanh chóng bằng cách thúc đẩy việc mua lại hoặc tịch thu vũ khí trong nước và khiến việc mua lại súng mới khó khăn hơn, đồng thời siết chặt luật súng đạn, trong đó có lệnh cấm một số loại vũ khí nhất định, độ tuổi tối thiểu, giấy phép và việc lưu giữ an toàn. Hơn 640.000 vũ khí nguy hiểm này đã được chính quyền Australia thu về chỉ một thời gian ngắn sau đó. Chỉ sau 18 năm áp dụng luật sử dụng súng đạn mới, nguy cơ bị sát hại bởi súng tại Úc đã giảm xuống còn 0,15/100.000 người vào năm 2014, từ mức 0,54/100.000 người năm 1996.
Kể từ biện pháp mạnh tay thay đổi luật sử dụng súng, Australia giảm đáng kể các trường hợp tử vong liên quan đến súng. Các vụ giết người liên quan đến súng giảm 7,5% mỗi năm sau những lần cải cách, và các vụ tự tử liên quan đến súng cũng đã giảm, một nghiên cứu của Úc cho biết.
Trong một buổi tưởng niệm vụ thảm sát tại khu du lịch Port Arthur, Thủ tướng Malcolm Turnbull khẳng định rằng luật sử dụng súng đạn sẽ không được nới lỏng. "Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng, thỏa thuận vũ khí quốc gia của chúng tôi sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn và người dân Australia vẫn được an toàn trước những tội ác từ súng đạn, giống như sự kiện gây sốc tại Port Arthur".