Chưa trắng đã... ốm
Chị Nguyễn Hà Mi, 45 tuổi (ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) có làn da đặc sệt châu Á, vàng ngai ngái. Chị Mi rất tự ti với làn da của mình, dù đã là trưởng phòng của một cơ quan hành chính sự nghiệp. Mùa hè, phụ nữ rủ nhau đi tắm trắng, chị cũng tham gia nhiệt tình. Mong muốn da trắng nhanh, hay còn gọi là "siêu tốc" để mùa xuân, mùa hè tới mặc áo hở cổ, hở tay, mọi người phải ngạc nhiên vì sự thay đổi làn da của mình, chị Mi quyết tắm trắng cả những ngày đông giá lạnh.
Chị Mi giải thích: "Vào spa, nước trong bồn tắm lúc nào cũng được giữ ấm, đủ để mình không lạnh. Vì thế, tắm trắng mùa đông hay mùa hè không còn quan trọng nữa. Hơn nữa, mùa đông, da hay bị chết, tắm để loại bỏ da chết, thuốc thẩm thấu nhanh hơn, tác dụng nhanh hơn đến làn da...". Qua tìm hiểu, PV được biết, giá một lần tắm trắng mùa hè chỉ gồm tiền thuốc, công nhưng mùa đông có thêm cả tiền điện - dịch vụ làm ấm nước liên tục nên mỗi lần tắm có thể tăng hơn 100.000 đồng.
Đây là sản phẩm tắm trắng "siêu tốc" được quảng cáo trên mạng.
Trời lạnh căm căm hay lạnh thường, cứ đến giờ cố định trong ngày là chị Mi và một người bạn lại đi tắm trắng để ngâm mình trong nước ấm hàng giờ đồng hồ. Theo chị Mi, lúc toàn thân chìm trong nước ấm thì không lạnh, thấy rất thư giãn, thoải mái nhưng công đoạn trước là tẩy da chết, đắp ủ thuốc thì cũng phải chịu lạnh một chút. Thực ra, chị Mi nói, chịu lạnh một chút để người ta đỡ cười, chứ công đoạn ủ thuốc, đắp thuốc lên người là rất lạnh. Công đoạn này có thời gian từ 40 phút trở lên. Nó không có thiết bị hay bất cứ một sự trợ giúp nào để có thể sưởi ấm cơ thể được. Vì thuốc phải ngấm từ từ vào làn da thì mới mong thay đổi được màu da vàng ngái sang trắng...
Từ hôm liên tục đi tắm trắng để mong ước người khác nhìn mình sẽ trầm trồ, bất ngờ, chị Mi liên tục bị sổ mũi, ho. Có hôm, chị Mi bị cảm lạnh, phải nghỉ việc ở nhà và không đi tắm trắng được. Bác sỹ Nguyễn Đăng Thành, bệnh viện 108 phân tích: Mùa đông, ít tắm hoặc tắm nhanh nên có nhiều tế bào chết bám ở da là đúng. Chúng ta gãi chân, tay thấy có vết trắng hay còn gọi là da bị mốc, tức là có tế bào da chết bám trên da. Tẩy nó đi là đúng và tẩy xong, ủ thuốc làm đẹp da cũng rất nhanh có tác dụng. Thế nhưng, nhiệt độ thấp, ngâm mình trong nước hàng giờ đồng hồ, dù đó là nước ấm cũng không tốt. Bởi khí hậu bên ngoài lạnh, cơ thể không thể thích ứng với nước ấm nên bị cảm lạnh, bị ho, sổ mũi thậm chí thương hàn nặng là điều khó tránh khỏi.
Tắm trắng "siêu tốc" rước bệnh "siêu nhanh"
Tôi tìm đến một trung tâm thẩm mỹ được giới thiệu là "đệ nhất" Hà thành với mong muốn cải thiện làn da đen nhờ của mình một cách nhanh nhất. Trao đổi với nhân viên của trung tâm, tôi đặt thẳng vấn đề: "Chị muốn, ngày xuân đến sẽ được khoe làn da sáng trắng của mình, em tư vấn cho chị cách thay đổi làn da nhanh nhất nhé".
Cô nhân viên tên D. đon đả: "Chị tìm đến đây là đúng rồi. Trung tâm có phương pháp mới, thay đổi làn da cho chị em nhanh, an toàn, hiệu quả, giá cả cũng rất phù hợp. Vì là ngày đông giá lạnh, muốn tắm trắng, chị phải chịu được lạnh, phải cam kết, nếu bị ốm vì lạnh không được kiện trung tâm. Quy trình tắm trắng trải qua các công đoạn như: Tẩy tế bào chết, đắp ủ dưỡng chất, đắp ủ một loại kem tắm trắng chuyên biệt và ngâm mình trong bồn nước nóng, ấm để cho các dưỡng chất thẩm thấu sâu vào da... Một liệu trình kéo dài ít nhất là 1 giờ, lâu là 2 giờ. Chỉ trong 15 ngày, chị sẽ có làn da trắng đẹp, mịn như ý". Tôi hỏi: "Giá một lần tắm trắng là bao nhiêu?". Cô nhân viên tên D. tự tin nói: "Có rất nhiều loại, thấp nhất là 700.000 đồng, cao nhất là 3 triệu đồng/lượt tắm trắng. Giá dao động, vì tiền thuốc và nguồn gốc thuốc khác nhau. Nếu thuốc của Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc mà hàng xách tay thì khác mà thuốc của Trung Quốc, Malaysia lại khác...".
Nghi ngờ về nguồn gốc sản phẩm tắm trắng, tôi đề nghị được xem sản phẩm trước khi thực hiện, cô nhân viên xinh đẹp tên D. nói: "Chị đợi em chút nhé!". Khá lâu sau, cô nhân viên đem cho tôi xem một tuýp thuốc, toàn bằng chữ Nhật, nhìn kỹ không thấy hạn sử dụng, ngày sản xuất... Thấy vậy, cô D. lại nói: "Hàng xách tay nên toàn bằng tiếng nước ngoài. Chị yên tâm, trung tâm em rất có uy tín, không tắm cho khách bằng hàng kém chất lượng đâu". Khi cô nhân viên này quay đi, tôi lấy di động, chụp sản phẩm, sau đó tôi đem đến cửa hàng chuyên buôn đồ mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, hỏi với tư cách là người tiếp thị, giao hàng.
Chị H., chủ cửa hàng kinh doanh các sản phẩm thẩm mỹ ở chợ Hàng Da cho biết: "Đây là hàng không nguồn gốc, em có nhiều không, chị có nhập hàng này nhưng giá rẻ lắm...". Chị H. giới thiệu, các sản phẩm tắm trắng của tiệm rất nhiều như thuốc bắc, cám gạo, sữa dê, sữa cừu; các loại vitamin được chiết xuất từ quả, củ; thuốc tắm trắng của Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Úc... do các tiếp viên hàng không xách tay mang về bán. Hàng "xịn" nên giá cũng "xịn". Sản phẩm tẩy tế bào chết gồm dạng có muối và không muối với đủ loại hương vị quả cam, chanh, hoa hồi, hoa ly, hoa hồng...
Quá nhiều sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, kém chất lượng được dùng làm "thần dược" tắm trắng "siêu tốc" cho chị em, gây ra bệnh tật. Chị Hoàng Hoài Hương (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi tắm trắng "siêu tốc" được 3 ngày, đến ngày thứ tư, da mẩn đỏ, ngứa... đã phải nghỉ làm đi khám ở viện Da liễu Trung ương. Sau khi khám và làm các xét nghiệm kỹ càng, bác sỹ Nguyễn Văn Hạnh, cho biết: Chị Hương bị ngứa bởi phản ứng phụ của chất tẩy da có quá nhiều acid. Làn da thường bị tổn thương và yếu dần đi do acid quá mạnh tác động vào da. Hơn nữa, kem ủ cho da trắng cũng có nhiều acid nên chị Hương mới bị ngứa, mẩn nổi những vệt bỏng rộp dài như thế.
Bác sỹ Hạnh cho biết thêm: Mùa đông, ít người đến khám da liễu liên quan đến làm đẹp hơn. Mùa hè, mùa xuân, một ngày phải có đến hơn 20 phụ nữ đến khám. Trường hợp chị Nguyễn Thị Thu ở (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng rất đặc biệt. Theo chị Thu phản ánh với bác sỹ thì chị tắm trắng với sản phẩm thảo dược là tinh chất linh chi, nhân sâm, ngọc trai... Sau lần trị liệu tắm trắng đầu tiên, chị cũng cảm nhận được làn da của mình mịn màng hơn, cảm giác sáng màu hơn. Nhưng những lần trị liệu tiếp theo, da chị Thu trắng nhưng không đều màu, chỗ đen chỗ trắng vì công đoạn tẩy da chết thực hiện không đúng cách, kèm theo đó là ngứa, mẩn đỏ, trông rất sợ.
Theo bác sỹ, chị Thu đã tẩy da chết quá nhiều lần, hết da chết thì đến da sống, dẫn đến da sống bị tổn thương nghiêm trọng. Những chỗ trắng không đều đó là tẩy da, acid ăn da không đều nên mới dẫn đến trắng, đen theo mảng như vậy.
Thực tế, theo tìm hiểu của PV thì, những "tác dụng thần kỳ" của tắm trắng "siêu tốc" là do quảng cáo, do người ta tự huyễn hoặc mà ra. Cho đến nay, khoa học y khoa vẫn chưa có tài liệu hay công bố nào liên quan đến thuốc và hiệu quả của tắm trắng "siêu tốc" hay các sản phẩm chuyên dụng cho tắm trắng. Ai cũng hiểu, phụ nữ có làn da trắng, mịn màng làm người đó tự tin, quyến rũ hơn nhưng đừng vì quá ham da trắng để mà "tiền mất, tật mang".
Bác sỹ Trần Minh Quang, chuyên khoa Da liễu, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tắm trắng "siêu tốc" có thể gây những biến chứng về sau như ung thư da, da yếu, da kém tươi sáng và đặc biệt da sẽ có màu trắng tái như người ốm. Chất tẩy trong sản phẩm tẩy tế bào chết và tắm trắng thường chứa hàm lượng các chất như thủy ngân, hydroquinone. Thủy ngân là chất độc, còn hydroquinone đã được khoa học chứng minh là có khả năng gây ra các bệnh bạch cầu. Viêm da, dị ứng da có nguyên nhân từ tắm trắng rất nhiều. Sản phẩm thuốc tắm trắng hoàn toàn không có trong công văn và các danh mục dịch vụ y tế được phép ban hành của bộ Y tế. |
Thanh Hòa