Tôi biết, người anh em của tôi là nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có hình hài và số phận như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào quý vị - những người đã bàn luận kỹ càng suốt nhiều giờ đồng hồ tại kỳ họp bất thường khóa IX – kỳ họp 10 vừa qua của HĐND TP.HCM. Có thể nói, đây là một chủ trương khiến dư luận xã hội dậy sóng – sóng đồng tình thì lăn tăn như biển lặng gió, còn sóng phản đối thì ào ạt như sắp có cơn bão từ khơi xa dội về.
Tôi ví von thế âu cũng là nhìn từ thực tế dư luận mấy ngày qua chứ không hề thổi phồng hay phiến diện: ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phản đối chủ trương này và nói rằng: “Công trình xây dựng trên sự phản cảm”; ĐBQH Dương Trung Quốc thì nhấn mạnh: “Cần tính làm nhà hát ở đâu và vào lúc nào cho hợp lý”; TS. Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM) lo lắng: “Xây nhà hát 1.500 tỷ đồng để đắp chiếu thì uổng lắm”; nghệ sĩ Vượng Râu cho rằng: “Việc xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm trong thời điểm này là lãng phí và chưa hợp lý”; ca sĩ Mỹ Linh thì bị “ném đá” dữ dội khi ủng hộ xây nhà hát 1.500 tỷ đồng…
Chính vì chủ trương xây dựng nhà hát với dự trù kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm này mà dư luận một lần nữa ném cái nhìn tò mò về danh xưng nhà hát vốn lâu nay rất khiêm nhường trong đời sống xã hội là chúng tôi. Cư dân mạng bắt đầu lùng sục và thống kê trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu nhà hát nghìn tỷ “chết yểu”? TP.HCM có bao nhiêu nhà hát không hoàn thành sứ mệnh? Cả nước có bao nhiêu nhà hát đang lay lắt trong kiếp “sống mòn” – ba ngày đỏ đèn bảy ngày đìu hiu?
Các vị biết không?
Tôi chạnh lòng lắm khi người ta gọi tên chính xác về các anh chị em của tôi khắp mọi miền đất nước: Nào là nhà hát “opera tiêu chuẩn thế giới” ở Hồ Tây; nào là nhà hát Thăng Long nằm trong trong quy hoạch khu đô thị mới Tây Hồ Tây từ 2010; nào là nhà hát Hoa Sen tại khu công viên hồ điều hoà CV1 - khu đô thị mới Cầu Giấy… tất cả đều “chết yểu”; rồi người ta còn hỏi thẳng: “TP.HCM xây nhà hát Trần Hữu Trang rồi bỏ trống, nay lại xây nhà hát giao hưởng để làm gì?”.
Tôi ngậm ngùi tiếc nuối về một thời vàng son trong quá khứ, khi nhà hát còn là những “thánh đường” khiến người người ái mộ, tới lui. Cánh nghệ sĩ hân hoan lan tỏa ngọn lửa nghề, niềm yêu say được nhân lên theo ngày tháng. Nay, quá khứ rực rỡ đó còn đâu? Những “thánh đường” ấy còn đâu? Chúng tôi không muốn than phiền nhưng đành chịu chung số phận và ép mình kinh doanh những thứ không ai cần. Đôi khi, chúng tôi biết ỷ lại là xấu nhưng để tồn tại vẫn phải cố bám víu vào “bầu sữa” ngân sách để giữ được danh xưng là “nhà hát” và tiếp tục sứ mệnh của mình.
Người nghệ sĩ nhói lòng lắm, chúng tôi hiểu, khi bao công sức, mồ hôi, nước mắt và đam mê một đời, nhiệt huyết một đời nay công diễn ít người xem. Chúng tôi hoạt động cầm chừng, đìu hiu, có khi cả tháng mới được vài buổi kín chỗ…
Thân phận thì như thế, tôi lặng lòng nhìn ra xung quanh mình. Các vị có nhìn thấy không, có một lần cởi bỏ “mũ quan” làm thường dân để bước vào bệnh viện, chứng kiến những giường bệnh chật kín bệnh nhân. Dịch bệnh tay chân miệng, sởi hoành hành khiến hành lang, cầu thang cũng phải biến thành phòng bệnh bất đắc dĩ. Những đứa trẻ khóc ngặt trên vai mẹ cha rồi bị trói chặt chân tay vì nhiễm bệnh quá nặng. Đêm trở thành nỗi ám ảnh của bác sĩ, bệnh nhân và cả người nhà ở phòng Cấp cứu, khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1...
Các vị hãy bước xuống khỏi ô tô để lội qua cơn triều cường những ngày qua bằng đôi chân và chiếc xe máy của riêng mình để cảm nhận hố ga, những ổ voi, ổ gà trên đường lộ và cả “mạng nhện” dây điện giăng khắp các con ngõ nguy hiểm đến thế nào.
Các vị hãy thả mình vào dòng xe kẹt cứng chiều nay, cho khói bụi, ô nhiễm môi trường, tiếng còi inh ỏi phả thẳng vào cơ thể, vào tai mình trong ngày nắng nóng gay gắt để cảm nhận giao thông lộn xộn và cần quy hoạch đến mức nào.
Các vị hãy thử ngồi vào một lớp học quá tải số lượng học sinh so với quy định, thử đưa con chạy đôn chạy đáo chuyển trường vì thiếu nghiêm trọng những lớp học bán trú trên địa bàn…
Thử đi ạ, một lần thôi, các vị sẽ tự trả lời được cho câu hỏi: “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm có thực sự cần thiết cho dân như những suy nghĩ được phát ra từ trong căn phòng máy lạnh hay không?".
Thành phố còn nhiều việc phải làm hơn là xây nhà hát. Ngay như chúng tôi đây, đìu hiu mãi rồi, chỉ mong được đầu tư nhiều hơn để có cơ hội khởi sắc trong một sớm mai thức giấc mà giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ.
Nhà hát là cần nhưng chưa phải lúc này, đúng không ạ? Bởi chẳng ai kịp đến nhà hát 1.500 tỷ đồng đâu nếu triều cường vây quanh khu dân cư hay bị chôn chân trong hàng kilomet vì tắc đường. Biểu tượng văn hóa của thành phố ư? Hãy để nó xếp sau biểu tượng về tri thức và chất lượng cuộc sống, có được không?
Kính mong toàn thể các đại biểu HĐND TP.HCM hãy suy nghĩ lại. Quyết định đưa ra, rút lại cũng là chuyện hết sức bình thường. Chuyện chỉ không còn bình thường khi người anh chị em của tôi – nhà hát ở quận Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên sự không đồng thuận và nhất trí của số đông dân chúng.
Trân trọng!
Ký tên: Một nhà hát