Đây là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của nhân dân ta. Có mặt tại trại giam Châu Bình (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) thuộc tổng cục VIII, bộ Công an- nơi giam giữ hơn 2.800 phạm nhân có nhiều tội danh khác nhau ở khu vực phía Nam, PV báo Nguoiduatin.vn đã ghi lại những cảm xúc vui mừng, háo hức đan xen lo lắng của những phạm nhân được và chưa được đặc xá.
Giọt nước mắt trước ngày về
Con đường nhựa dẫn vào trại giam Châu Bình thẳng tắp hai hàng dương. Bên đường là những thửa ruộng, bát ngát lúa vàng, rộng hơn 200ha đang trong mùa gặt. Dưới cái nắng chói chang, những chiếc áo sọc trắng đen bạc màu hì hụi gặt lúa, cày bừa. Thấy người lạ, họ tạm dừng công việc, ngước nhìn. Nhận ra chúng tôi là phóng viên, họ nhanh chóng đưa ánh mắt lẩn tránh, cúi mặt ái ngại.
Đại tá Phùng Văn Yến trưởng giám thị trại giam Châu Bình.
Trong số họ, có phạm nhân Phạm P.S. (40 tuổi, ngụ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), người có tên trong danh sách đặc xá lần này. Anh S. có nước da đen, dáng người cao to, vạm vỡ, gương mặt rộng, đôi mày rậm cộng thêm đôi mắt to lộ. Thoạt nhìn, người ta sẽ cho rằng, anh là người đàn ông máu lạnh, khép kín. Nhưng giọng nói nhẹ nhàng, hiền lành của anh làm chúng tôi thật sự ngạc nhiên. Trước khi vào tù, anh từng là người rất nóng tính, thường hay động tay động chân. Nhưng sau một thời gian cải tạo, được sự giáo dục từ Ban quản giáo, anh thay đổi hẳn tính khí. Tiếp xúc với PV, anh cho biết, cách đây 3 năm, tại xã Mỹ Tây, huyện Thạnh Phú từng xảy ra vụ giết người gây chấn động. Khi đó, anh S. đã có vợ và 3 đứa con, gia đình thuộc dạng khá giả trong xã. Anh S. mở một nhà nghỉ tại gia. Biết gia đình anh cần người giúp việc lau dọn phòng, chị L.T.K. (30 tuổi) ngụ cùng xã đến xin làm.
Thấy hoàn cảnh chị K. khó khăn, chị Nguyễn T.C. (vợ anh S.) nhận chị K. vào làm với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Không đồng ý cho vợ giúp việc tại nhà nghỉ, Lê Văn Sử (tên đã được đổi), chồng chị K. thường xuyên đến nhà anh S. để kiếm chuyện, gây gổ. Tức mình, anh S. định "dằn mặt" nhưng được bà con hàng xóm kịp thời can ngăn. Vào buổi chiều, cuối tháng 2/2010, khi ngà ngà say, anh Sử tiếp tục đến trước cửa nhà nghỉ chửi rủa và bất ngờ ập vào đập phá tài sản của gia đình anh S.. Vốn mang dòng máu nóng "Trương Phi", anh S. chụp lấy ghế cây, đánh vào đầu anh Sử khiến anh này tử vong tại chỗ. Chỉ vì không biết kiềm chế sự tức giận, anh S. lĩnh án 7 năm tù giam.
Cúi gầm mặt, anh S. nói: "Chỉ vì một phút nông nổi mà tôi lại gây ra lỗi lầm khó tha, vụ việc còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Lúc mới vào trại, hơn nửa năm trời, tôi không tài nào ngủ được. Nghĩ lại, tôi thấy thương chị K., anh Sử mất, chị K. một mình nuôi con, gia đình chị lại thuộc diện khó khăn. Còn gia đình tôi dù gì cũng còn nhà nghỉ cho thuê, vợ tôi nuôi con qua ngày". Gạt dòng nước mắt, anh S. nói tiếp: "Được tin tên mình có trong danh sách xét đặc xá, tôi vui mừng khôn xiết. Tôi được vậy là nhờ vào sự giáo dục, động viên của các cán bộ quản giáo, tôi hứa khi ra tù sẽ sống thật tốt, làm người có ích cho xã hội. Đặc biệt, tôi sẽ luôn suy nghĩ trước khi làm một điều gì đó dù nhỏ nhặt".
Nếu biết ăn năn và cải tạo tốt, nhiều phạm nhân có cơ hội được đặc xá, tha tù trước thời hạn.
Thầy giáo ăn năn sau song sắt
Với phạm nhân Nguyễn V.S. (38 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) phạm tội giao cấu với trẻ vị thành niên. Phạm nhân Nguyễn V.S. thụ án 12 năm tù giam. Từng là giáo viên dạy toán của một trường THCS tại Mỏ Cày Bắc, vì nhất thời nảy sinh tình cảm với học trò, phạm nhân S. phải gánh chịu hậu quả nặng nề sau khi em này có thai. Trong quá trình cải tạo, phạm nhân S. thể hiện rõ sự ăn năn hối cải, nên được Ban giám thị chuyển từ việc tách hạt điều sang dạy chữ cho các phạm nhân khác.
Trước thời điểm vào tù, S. từng có mọi thứ. S. vốn là giáo viên dạy giỏi môn Toán của một Trường THCS, có vợ đẹp và hai đứa con ngoan (con gái đầu 8 tuổi, cậu con trai sau 1 tuổi). Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, niềm mơ ước của nhiều người. Mang dáng vóc của thầy giáo làng, cộng với sự nhiệt tình trong giảng dạy, S. có được cảm tình của nhiều cô cậu học trò nhỏ, trong đó có em L.T.M. (nữ sinh lớp 9). Theo như lời kể của S., M. là một nữ sinh ngoan, hiền và có thành tích học tập xuất sắc. Vào khoảng tháng 6/2012, em M. đã chủ động nhắn tin cho thầy S. với nội dung về vấn đề học tập. Lúc đầu, hai thầy trò nhắn tin trò chuyện chỉ với mục đích trao đổi bài vở, nhưng không bao lâu sau thì nảy sinh tình cảm.
Khi em này tốt nghiệp THCS, thi đậu vào lớp chọn của trường THPT C.T. (huyện Mỏ Cày) hai người vẫn còn giữ liên lạc. Một buổi tối đầu tháng 10/2012, hai thầy trò hẹn nhau ở một quán chòi hẻo lánh, trong lúc có chút hơi men trong người, không kiềm chế được bản thân nên đã xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Khi nữ sinh này có thai 6 tháng cũng là lúc thầy giáo trẻ phải trả giá đắt. Gia đình S. đã đến gặp gia đình em M. để nài nỉ, xin nhận lỗi và hứa nhận nuôi đứa bé sau này. Gia đình em M. tha thứ, nhưng pháp luật không thể thứ tha. Cuối năm 2012, S bị bắt, lĩnh án 12 năm tù...
Sinh ra trong gia đình 9 anh chị em, gia đình khó khăn, nhưng S. được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ra trường trở thành giáo viên dạy giỏi, S. là niềm hy vọng, tự hào của cha mẹ, của vợ con. Là con út, có công việc ổn định, S. nhận nuôi cha mẹ già, vợ lại vừa sinh con nhỏ. Sau khi vụ việc bại lộ, gia đình S. gần như suy sụp cả về tinh thần lẫn vật chất.
S. tâm sự: "Thấy các anh em được giảm án, được xét đặc xá, tôi nôn nao vô cùng. Tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được đặc xá, sớm về với gia đình. Trong thời gian tôi ngồi tù, gia đình thiếu trước hụt sau, vợ vừa nuôi hai con nhỏ, vừa chăm lo cha mẹ chồng lại vừa phụ cấp thêm tiền cho gia đình bị hại. Chỉ vì sống cẩu thả, không trong sạch, tôi đã đánh mất tất cả những thứ gần nửa đời người gây dựng. Bây giờ, tôi chỉ mong muốn đừng ai vướng vào sai lầm giống như tôi...".
Nếu biết ăn năn và cải tạo tốt, nhiều phạm nhân có cơ hội được đặc xá, tha tù trước thời hạn.
Mong một nẻo về bình yên
Tại trại giam Châu Bình, cũng có rất nhiều phạm nhân, dù đã được giáo dục, cải tạo khắt khe nhưng vẫn tính nào tật nấy, không có thái độ tích cực hướng thiện. Trong thời gian cải tạo, họ không được giảm dù chỉ vài tháng tù. Khi ra tù, "ngựa" lại quen đường cũ, thế là ra vô tù như cơm bữa. Những kẻ như thế thật đáng trách, đáng bị xã hội lên án. Song song đó, cũng có những phạm nhân thật sự ăn năn hối cải, tích cực phục thiện. Họ được Nhà nước đặc xá, nhưng ngày về còn canh cánh những nỗi lo...
Phạm nhân Nguyễn V.S. ngậm ngùi chia sẻ: "Tuy chưa được nằm trong danh sách đặc xá, bây giờ, tôi chỉ biết phấn đấu cải tạo thật tốt. Dù không biết đến bao giờ mới được về. Nhưng khi nghĩ đến tôi lại cảm thấy... lo sợ và hồi hộp. Tôi không biết mọi người đón nhận tôi như thế nào. Tôi sợ ánh mắt kỳ thị của mọi người, sợ xã hội không chấp nhận một người như tôi".
Còn phạm nhân Phạm P.S. nghẹn ngào: "Ngày về không xa, tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì được trở về với cộng đồng, lo vì ân oán tôi gây ra trước đó. Tôi hy vọng mọi người hãy tha thứ cho tôi. Tôi hứa những chặng đường cuối của cuộc đời sẽ là một công dân tốt".
Mong xã hội mở vòng tay đón nhận những người lầm lỗi Đại tá Phùng Văn Yến, trưởng giám thị trại giam Châu Bình cho biết: "Đợt này, trại giam có 295 phạm nhân được xét đặc xá. Tôi luôn mong muốn các phạm nhân khi ra tù hãy sống lương thiện, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, tôi cũng mong xã hội mở rộng vòng tay, để họ xóa đi sự mặc cảm, tự ti. Các tổ chức xã hội tạo điều kiện giúp đỡ công ăn việc làm cho những người này, có việc làm ổn định họ sẽ không tái phạm". |
Túc Anh