Câu chuyện 7 năm về trước của trọng tài đẳng cấp FIFA Lương Thế Tài cho đến nay vẫn là một uẩn khúc chưa có lời giải. Sau trận play-off 2005, ông bầu Phước Vũ của Tôn Hoa Sen, Cần Thơ đã chắp tay vái sống các quan chức VFF và HĐTT QG, đồng thời tuyên bố: “Trọng tài Việt Nam, nếu thích, tôi có thể mua được hết, nhưng tôi không làm thế. Tôi sẽ quyết định không đầu tư vào bóng đá nữa vì vài chục tỷ đầu tư kinh doanh có lãi hơn”. Sau đó, ông Vũ chia tay Cần Thơ thật, bỏ tiền ra tài trợ cho cuộc bầu chọn danh hiệu trọng tài cho ĐTQG và sau này là giải hạng Nhất.
Còi vàng Võ Minh Trí thất vọng vì không đợc bảo vệ
Khi mọi người còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, TT Lương Thế Tài bất ngờ tuyên bố giải nghệ trước sự chứng kiến của nhiều đồng nghiệp, quan chức cấp cao của bóng đá Việt Nam với lý do bệnh tật, áp lực nghề trọng tài lớn…
Còn nhớ 2009, khi giải V-League chỉ còn 8 vòng, trọng tài trẻ Nguyễn Trọng Thư - quý tử của Chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi bất ngờ gặp họa lớn khi đẩy 90 phút thi đấu giữa TĐCS.Đồng Tháp- XM.Hải Phòng vào lò lửa. Mặc dù BTC giải cho rằng TT Thư đúng, người Đồng Tháp vẫn dồn mọi nỗi căm hận lên TT Thư, Thư mang tiếng xấu là một trọng tài vô dụng, bất lực với nghề. Sau sự việc, Chủ tịch Mùi buồn bã trải lòng, cái nghề này muốn tinh cũng phải mất mười năm, thật lòng ông không muốn con trai theo nghiệp cầm còi, nhưng vì Thư mê quá nên ông đành chấp nhận.
Nghề trọng tài đầy bất trắc, không ai dạy được và dám khẳng định mình chẳng sai bao giờ. Tai nạn không từ bất cứ ai. TT Đỗ Quốc Hoài là một ví dụ điển hình cho sự bất trắc ấy. Khi sự nghiệp trọng tài đang lên đến đỉnh cao, Đỗ Quốc Hoài bất ngờ bị HĐTTQG tạm đình chỉ công tác trong mùa giải 2012 do yếu tố sức khỏe và tâm tính khác thường.
Cho đến nay, giới trọng tài vẫn tấm tắc khen ngợi tài năng của TT Đỗ Quốc Hoài là người có chuyên môn cứng, luôn điềm tĩnh trong những thời điểm quyết liệt của trận đấu, bản lĩnh cao. Không ai ngờ, chính thời điểm vững chắc nhất trong sự nghiệp, vợ Quốc Hoài làm ăn thua lỗ, vỡ nợ phải bỏ trốn, để lại hai bố con bơ vơ với hai bàn tay trắng, nợ nần chồng chất. TT Quốc Hoài đưa con về nhà bố mẹ đẻ tá túc qua ngày, cuộc sống bi đát khiến Quốc Hoài mất thăng bằng, tiều tụy, suy sụp, sự nghiệp tụt dốc. Khi đó, dù rất thương Quốc Hoài, chủ tich Mùi vẫn đành để Quốc Hoài tạm nghỉ.
Nay, trọng tài đẳng cấp cao nhất quốc gia Võ Minh Trí cũng đang phải đối mặt với hoàn cảnh phũ phàng của nghề trọng tài. Là một trọng tài được đánh giá mang tầm cỡ quốc tế, nhiều lần điều hành các giải đấu lớn ở nước ngoài, được LĐBĐ châu Á nể trọng. Thế nhưng, sự nghiệp ở quê nhà của TT Minh Trí lại vô cùng lận đận. Nhiều năm bám đuổi lấy nghề, nhưng mãi đến năm 2010, ông Trí mới dành được danh hiệu còi vàng. Năm 2011, tất cả nỗ lực của ông Trí đã đổ sông đổ biển vì cú “phốt” mang tên cánh tay Huy Hoàng, trận SLNA- HA.GL.
Với tính tình thẳng thắng, cương trực, ông Trí không được lòng HHĐTT QG. Thế nhưng, dù bị ghét, ông Trí vẫn là sự lựa chọn số 1 trong những ca khó nhằn, là niềm tự hào của giới cầm còi Việt Nam. Việc ông Trí bị nhóm CĐV Hải Phòng quây đánh hội đồng mới đây không phải là một tai nạn, hay sự cố đau lòng, đó chính là tấn bi kịch của giới cầm còi tại Việt Nam. Cho đến thời điểm này, dù không đưa ra nhiều bình luận, ông Trí cũng bộc lộ tâm trạng chán chường, thất vọng vì không được bảo vệ và đánh giá đúng mức những gì đã cống hiến. Sự việc trên cũng khiến gia đình ông Trí buồn phiền, ngỏ ý muốn ông treo còi, tránh xa cái nghề nguy hiểm này ra. Và nếu điều đó xảy ra, đó thật sự là một tổn thất khó bù đắp của nền bóng đá nước nhà.
“Bệnh” của bóng đá Việt thời nào cũng có Cựu TT Trương Thế Toàn cho biết, không ai thấu hiểu sự bạc bẽo của nghề cầm còi hơn ông. Những người dính án tiêu cực trọng tài năm 2005 bây giờ đều về với cuộc sống bình thường với hai bàn tay trắng. Người may mắn thì còn được nhận làm việc ở Sở với chân chạy vặt, còn đa phần bắt đầu chuyển sang công việc khác ngoài bóng đá. Còn cựu TT Lương Trung Việt cay đắng nói, cái “bệnh” của bóng đá Việt thời nào cũng có. |
Cát Đằng