Mỹ, Anh và Pháp đã cùng liên thủ thực hiện một cuộc tấn công vào Syria, tuy nhiên động thái mới này không làm thay đổi bức tranh lợi ích toàn diện của phương Tây. Trên thực tế, sứ mệnh của Washington đến đây đã kết thúc.
Với sự rút lui của Mỹ khỏi Syria, đây sẽ là cơ hội để tiến tới một giải pháp kết thúc cuộc nội chiến kéo dài bảy năm ở quốc gia Trung Đông, theo Project Syndicate.
Tuyên bố rút quân nhưng lại thực hiện một đòn trả đũa vào Syria sau cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tấn công hóa học vào dân thường, đã cho thấy một cách tiếp cận thiếu liên kết và mâu thuẫn của Tổng thống Trump, cũng như việc ông không có chiến lược thực sự tại Syria.
Cuộc tấn công vào cuối tuần trước sẽ không làm tổn hại đến quyền lực của Tổng thống Assad, cũng như không cải thiện vị thế của Mỹ ở quốc gia này và trên phương diện Trung Đông nói chung - chuyên gia về quan hệ quốc tế Fawaz A. Gerges từ trường Kinh tế London, nhận định.
Các cố vấn quân sự hàng đầu của Trump đã thuyết phục ông giữ lại 2.000 nhân viên quân sự hiện đang đóng tại Syria. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này chỉ hạn chế các mục tiêu của Mỹ trong việc tiêu diệt khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mỹ đã tuyên bố rút lui như một sự bàn giao lại cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tự quyết cuộc chơi còn lại.
Rút quân = thua cuộc
Sự rút lui của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ và đồng minh đã phải từ bỏ mục đích ban đầu là lật đổ chính quyền Assad. Với điều này, nhà lãnh đạo của Syria nhận thức rằng đây là thời điểm thích hợp để tiến lên phía trước bằng kế hoạch chiếm lại các vùng lãnh thổ còn lại của phiến quân, dưới sự hỗ trợ của Nga và Iran.
Assad và các đồng minh của ông có thể cho thế giới thấy rằng Chính phủ hợp pháp của Syria sẽ vẫn còn đó. Nhà lãnh đạo lâu năm của quốc gia Trung Đông sẽ vẫn nắm quyền, mà không thực hiện bất cứ nhượng bộ nào đối với phe đối lập.
Đặc biệt, các đồng minh tin cậy và hiệu quả nhất của Mỹ trong nhiều năm qua ở Syria sẽ bị bỏ lại bơ vơ. Người Kurd đã chỉ trích chính quyền Trump đã hy sinh họ trên bàn cờ quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ.
Washington đã không có một phản ứng cứng rắn nào trước chiến dịch tấn công của Ankara ở thành phố Afrin ở Tây Bắc Syria, dẫn tới việc người Kurd tại đây phải nếm chịu thất bại.
Khi Mỹ rút quân, người Kurd sẽ buộc phải tìm đến liên minh với lực lượng Assad như một lựa chọn hợp lý nhất lúc này. Ngoài ra, sự ra đi của Mỹ có thể trở thành đòn bẩy để ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng hơn nữa.
Sau tất cả, khi Mỹ và đồng minh rút lui trong cuộc xung đột Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran - sẽ củng cố ảnh hưởng và thực hiện các kế hoạch hậu chiến tranh. Mặc dù lợi ích cụ thể của họ có thể khác nhau, cả ba quốc gia đều chia sẻ tầm nhìn chung về việc Tổng thống Assad sẽ ở lại điều hành đất nước.
Nga-Iran giành chiến thắng
Chuyên gia Fawaz A. Gerges phân tích, Nga và Iran là những người thắng cuộc lớn nhất. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện sự tinh nhanh của mình khi can thiệp một cách kịp thời để cứu Syria trước nguy cơ sụp đổ.
Trong khi Washington đang dần dần mất đi sự hiện hữu, Moscow đang sắp xếp lại các nước đi trên bàn cờ chiến lược Trung Đông.
Sự phối hợp của Nga với tất cả các cường quốc khu vực quan trọng - bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO – đã chứng tỏ nhanh nhạy về chính sách đối ngoại của Điện Kremlin.
Khi Mỹ buông bổ Syria, mối quan hệ quân sự và kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga sẽ càng gia tăng.
Giống như Nga, Iran đã tập trung rất nhiều nguồn lực để ủng hộ cho chính quyền Assad - và thu lại được những lợi ích xứng đáng. Iran hiện nay là cường quốc khu vực có ảnh hưởng nhất ở Syria, cũng như ở Iraq và Lebanon.
Trong tuyên bố rút quân mới nhất, Tổng thống Trump không quên kêu gọi các đối tác có thể thay phần mình thực hiện nốt các công việc ở Syria.
"Nước Mỹ không tìm kiếm sự hiện diện vô hạn ở Syria trong bất kỳ trường hợp nào. Khi các nước khác tiến vào bằng sự giúp đỡ, chúng tôi chờ đợi ngày có thể mang các chiến binh về nhà", nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.
Ông kêu gọi các đối tác của Mỹ trong khu vực "có trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ quê hương của họ, bao gồm đóng góp chi phí lớn hơn cho các nguồn lực, trang thiết bị và các nỗ lực chống IS”.
“Sự tham gia mạnh mẽ của những người bạn nước Mỹ bao gồm: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Qatar, Ai Cập và các nước khác có thể đảm bảo rằng Iran không có lợi sau khi tiêu diệt IS", Tổng thống Trump cho hay.
Tuy nhiên, lời kêu gọi tăng cường các nỗ lực ở Syria của ông chủ Nhà Trắng gửi tới các đối tác Mỹ trong khu vực dường như không có hiệu lực.
Riyadh và Abu Dhabi đang bị sa lầy trong cuộc nội chiến tại Yemen và có màn đối đầu căng thẳng với Qatar. Cả hai đều trở thành những trở ngại trong quan hệ Mỹ - vùngVịnh.
Trong khi Ai Cập có những khó khăn nội và nước này sẽ tiếp tục lập trường tách mình ra khỏi vai trò lãnh đạo trong khu vực.