Được mệnh danh là “sát thủ” các loài cá trên hồ Dầu Tiếng, anh Ba Tiến, cư dân đảo Nhím (thuộc huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) cho biết giờ cá lăng hẻo lắm, nhiều khi ngồi cả đêm, đến sáng xách cần về không. Trong khi khoảng 5-7 năm trước, anh đi câu một chuyến mang về vài chục ký cá lăng là chuyện thường.
“Hồi đó cá lăng bình thường là 3-4 ký, những con nặng gấp đôi cũng không ít. Bây giờ, cá lăng chỉ còn chừng nửa ký. Câu được con nào một ký là mừng lắm rồi. Nhưng, không phải tôi không còn tài câu mà do cá lăng ở hồ Dầu Tiếng đang giảm số lượng nghiêm trọng”, anh Tiến nói.
Mồi câu cá lăng được làm rất công phu. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Hơn 17h chiều, khi ánh nắng bắt đầu ngả vàng, anh Tiến bắt đầu chuyến săn cá lăng. Mồi câu loài này có 2 loại là mồi sống và mồi thuốc. Mồi sống là cá trê, cá lóc nhỏ còn sống, lưỡi câu được móc vào lưng chúng thả xuống. Nhưng muốn câu được nhiều cá lăng to thì phải dùng mồi thuốc. Làm mồi thuốc không chỉ tốn thời gian, công phu mà còn phải biết công thức pha chế từ hơn 10 nguyên liệu, trong đó có mắm cá linh, bông gòn, mỡ bò, một số vị thuốc bắc... trộn thật kỹ thành một thứ chất dẻo đặc quánh như kẹo mạch nha, chỉ cần lấy lưỡi câu ngoáy vào là dính chặt, thả xuống chỗ nước chảy xiết cũng không thể tan.
Sau đó, hỗn hợp này được đem ủ vài ngày cho dậy mùi trước khi làm mồi. “Câu cá lăng không hề đơn giản. Ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm, còn phải biết câu ở nước đứng như mặt hồ thì dùng mồi gì, câu chỗ nước chảy thì dùng mồi gì”, anh Tiến thao thao.
Chiếc xuồng nổ máy, rung bần bật lao đi, hướng thẳng đập chính của hồ, nơi có nước chảy. Khoảng 20 phút sau, xuồng giảm tốc dộ dần rồi dừng hẳn. Khu vực này cách đập chính vài trăm mét, nước chảy chầm chậm. “Mấy năm trước, chỗ này tập trung rất nhiều cá lăng. Nhưng lâu rồi không đi nên không biết thế nào, cứ thử xem sao”, anh Tiến nói rồi nhanh chóng đưa chiếc lưỡi câu vào hộp mồi quấn nhẹ. Một cục chất dẻo bốc mùi nồng nặc đã bám chặt vào lưỡi câu. Anh Tiến vừa vung cần câu quăng mồi vừa nói: “Cá lăng là loài háu ăn, nếu có, kiểu gì cũng dính. Chỉ sợ không có thôi”.
Đôi mắt anh Tiến không rời chiếc phao trắng, to như ngón tay cái đang nổi trên mặt nước. Nửa tiếng, rồi một tiếng trôi qua, chiếc phao vẫn lặng lẽ nổi trên mặt nước. “Kiểu này thua rồi”, anh Tiến lẩm bẩm. Nhưng, chưa dứt lời thì đôi mắt anh sáng lên: “Có rồi”. Dưới mặt nước, chiếc phao đang nhấp nháy liên hồi. Ngay sau đó, anh Tiến giật mạnh rồi thoăn thoắt thu dây. Khi dây thu lại gần hết, anh tiếp tục giật mạnh, một con cá lăng cỡ bắp tay đang giãy giụa. Thả con cá vào chiếc xô nhựa, anh Tiến lại quấn mồi, quăng câu, và tiếp tục chờ. Một đêm dài rồi cũng qua, anh Tiến câu được 2 con cá lăng, tổng trọng lượng 1,1 kg.
Dù là sát thủ câu cá lăng, nhưng cả đêm anh Tiến cũng chỉ câu được 2 con nhỏ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
Ngoài anh Ba Tiến sống trên đảo Nhím, quanh bờ hồ Dầu Tiếng còn rất nhiều tay “sát thủ” cá lăng. Anh Trần Văn Điền năm nay mới 35 tuổi nhưng đã có một nửa số thời gian gắn bó với chiếc cần câu cá lăng. Chính con cá đã giúp anh lập nghiệp, lập gia đình, có 3 đứa con nhỏ, tất cả vẫn đang sống nhờ vào chiếc cần câu lăng của anh Điền. “Hồi trước anh đi một đêm về ít nhất cũng được 3-4 con, mỗi con từ ký rưỡi trở lên. Lái đến tận nơi mua giá 140 nghìn/ký. Khỏe lắm. Bây giờ đi câu về không là chuyện thường”, chị Hằng, vợ anh Điền than.
Trước tình trạng kiếm cơm dựa vào con cá lăng ngày càng khó khăn, anh Điền bảo: “Tôi đi câu gần 2 chục năm nay rồi, lòng hồ này chỗ nào có cá gì tôi nắm rõ như lòng bàn tay. Chỉ vài năm trước thôi, tôi đã xách cần câu leo lên xuồng đi là có cá mang về. Hồi đó cá nhiều nên tôi chỉ lấy con cỡ một ký trở lên, con nhỏ hơn tôi thả ra. Vì cá nhỏ bán không được giá, với lại, mình thả ra cho nó lớn thêm rồi trước sau mình cũng bắt lại, vội gì. Nhưng bây giờ, câu được con vài lạng cũng phải lấy. Ở đây có người chế ra một loại máy rà điện chỉ dùng riêng để bắt cá lăng. Thấy bắt dễ nên nhiều người bắt chước làm theo”.
Với nhiều cách đánh bắt như bủa lưới mắt nhỏ, xung điện, cắm những cành cây tràm xuống nước ở độ sâu 2-3 m, tạo thành “ổ” cho cá trú ngụ, sau một thời gian dùng lưới quây lại, hốt trọn cả đống chà lên..., các loài cá ở hồ Dầu Tiếng đã dần cạn kiệt.
Ông Phan Văn Ngươn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu, cho biết không chỉ tuyên truyền mà Hội còn phối hợp với công an, Ban quản lý nguồn lợi thủy sản lòng hồ liên tục đi tuần, kiểm tra trên hồ. Năm 2012, đã phát hiện, xử lý 24 vụ dùng xung điện để bắt cá, tịch thu 24 bình ắc quy, 24 bộ kích điện, cắt bỏ tại chỗ hơn 13.500 m dớn và ngư dân tự cắt bỏ 250 m khác.
"Nhưng xem ra vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng tận diệt thủy sản trên hồ”, ông Ngươn, nói.
Theo Nông nghiệp Việt Nam