> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng
Theo chân thợ bẫy thú
Trong vai người đi buôn bán động vật, thú rừng mà theo như những tay đi rừng “lõi” nghề gọi là buôn “hàng con”, tôi đã được tận mắt chứng kiến và tận tay thực hiện những công việc của một người thợ săn thực thụ ngay trong Rừng phòng hộ Long Đại.
Đồ hành nghề của một người đi bẫy thú rất đơn giản: Một cuộn dây phanh xe đạp, một con dao để phát đường, một cuộn dây dù loại nhỏ và một ít lương thực nước uống. Những sợi phanh xe đạp phải được thao tác tạo thành chiếc thòng lọng khi ở nhà và ngụy trang giống như màu xanh của lá cây trong rừng để các loài thú khó phát hiện.
Dây phanh được tạo thành chiếc thòng lọng vừa với miệng hố được đào sẵn.
Thời gian đủ để tạo nên một cãi bẫy khoảng chừng 30 phút đối với một người đã thành thạo nghề. Trước tiên là phải xác định những địa điểm nào thường có thú sống, những cung đường nào chúng thường đi lại rồi xác định điểm đặt. Người chỉ đường hướng dẫn trước: “Điểm để đặt bẫy phải đạt được 3 yêu cầu: Thứ nhất là đất không quá cứng cũng không quá mềm mà phải đào được hố để thú bị sụp xuống hỗ khi đặt chân vào thòng lọng. Thứ hai là điểm đặt tốt nhất chỉ có một lối đi duy nhất, hai bên phải có vật cản và nếu không có vật cản tự nhiên thì mình phải tạo ra. Thứ ba là phải có cây còn sống để làm cần bẫy, nhớ là cây này phải đủ khỏe, sức đàn hồi tốt để không bị gãy khi thú mắc bẫy”.
Sau khi xác định được điểm đặt thì tạo một cái hố với diện tích khoảng 20x30cm, sâu khoảng 20cm, dùng những mảnh gỗ nhỏ ghép lại kín miệng hố. Đến công đoạn làm bẫy, dùng sợi dây phanh tạo thành chiếc thòng lọng đặt đúng vừa với miệng hố, đầu còn lại buộc chắc chắn với một cây tươi đã được tính toán sẵn như là cần bẩy trợ lực. Tùy vào từng loài thú to hay nhỏ mà sử dụng số lượng dây phanh nhiều hay ít và cần trợ lực to hay nhỏ. Cụ thể, nếu để bãy chồn, cáo, Tê-tê… thì chỉ cần dùng một sợi dây phanh xe đạp là đủ, nhưng còn nếu là bẫy lợn rừng thì cần phải 3 - 4 sợi dây phanh quấn lại với nhau mới đủ độ chắc chắn để giữ được con thú mắc bẫy. Còn dây dù kết hợp với một cái chốt chuẩn bị sẵn tạo thành một chi tiết có tác dụng như một cái cò súng để khi thú đặt chân vào bẫy, sụp xuống hố thì chiếc cần sẽ tự động bật lên, thắt chặt thòng lọng vào chân thú. Theo quy luật thì con thú mắc bẫy càng dãy dụa thì càng bị siết chặt hơn.
Sau khi đặt xong bẫy cần phải ngụy trang kỹ.
“Thường thì mùa đi bẫy lợn rừng là vào khoảng tháng 7, tháng 8 mới chính thức. Nhưng không phải đợi đến khi đó mình mới đi đặt bẫy mà phải làm bẫy trước ít nhất là một tháng để mất mùi kim loại, mùi đất mới và mùi của con người để lại. Bởi tất cả các loài thú trong rừng loài nào thính giác cũng rất tốt, nếu bắt được mùi lạ thì nó sẽ chuyển lối đi khác và không bao giờ quay lại lối đi có bẫy” - người đưa đường cho chúng tôi chia sẻ.
Công khai không bị xử lý?!
Săn bắt trong rừng, giết mổ, buôn bán công khai thịt thú rừng ngay giữa ban ngày như không có sự quản lý của cơ quan chức năng. Vì sao câu chuyện này vẫn cứ tiếp diễn trong suốt thời gian dài qua? Phải chăng khâu quản lý còn quá nhiều lỗ hổng?.
Theo ghi nhận của phóng viên, có một lò mổ và bày bán công khai thịt thú rừng ngay trên con đường độc đạo đi vào bản Na Lâm, làng Thanh niên lập nghiệp của xã Trường Xuân và cũng là con đường duy nhất đi vào Trạm bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại và chốt Kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh tăng cường để bảo vệ rừng. Thế nhưng, không hiểu vì sao vẫn vô tư hoạt động, buôn bán mà không bị xử lý?
Giết mổ công khai thịt thú rừng giữa ban ngày.
Có đúng là thịt lợn rừng thật không hả anh? - Tôi hỏi. “Lợn rừng thật, nhìn thịt đỏ tươi thế này cơ mà. Không tin chú nhìn xem, lúc mổ còn để nguyên cái đuôi để cho khách tin đây. Trong tủ lạnh tôi còn để đầy thịt và nguyên cái thủ có cả răng nanh đấy”. Vừa trả lời, ông chủ lò mổ vừa đưa tay lấy miếng thịt có chiếc đuôi còn đầy lông lá cho tôi xem để chứng minh cho lời nói của mình là đúng.
Quả thực, trên bàn những miếng thịt lợn rừng da dày, lông dài vẫn còn dính máu đỏ tươi cùng với chiếc đuôi còn nguyên vẹn đã thực sự thuyết phục được khách mua. Và khi chúng tôi đề cập đến vai trò của lực lượng Kiểm lâm về thực trạng giết mổ và mua bán công khai thịt thú rừng thì ông chủ quán không trả lời mà lẳng lặng bỏ đi.
Theo quan sát, mỗi cân thịt lợn rừng được bán ở đây với giá ít nhất là 250.000 đồng/1kg vào những ngày bình thường. Còn vào những dịp cận tết hoặc ngày lễ thì giá được nâng lên là 700.000 đồng/1kg. Dù đắt đỏ nhưng vì quý hiếm và bổ dưỡng nên nguồn hàng này thường “cháy”, không có để bán.
Thịt lợn rừng được bày bán với chiếc đuôi còn nguyên lông lá.
Không phải chỉ riêng lợn rừng đang bị săn bắt, giết mổ mà cả khỉ, chồn, sóc, gà rừng, rắn… cũng đều phải chung số phận. Ngay trên trục đường mòn Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Hiền Ninh, thi thoảng chúng tôi vẫn có bắt gặp những chiếc lồng nuôi nhốt thú rừng để bán cho thực khách. Ngay cả Tê-tê, một trong những loài thú quý hiếm sắp bị tuyệt chủng nằm trong sách đỏ của Thế giới nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn đặt hàng còn sống cũng có.
Thú rừng đang bị tận diệt! Cứ tình trạng phá rừng và săn bắt, buôn bán động vật như thế trong một tỉnh có thảm thực vật dày đặc với độ che phủ của rừng cao nhất nước (70%) như Quảng Bình liệu có đáng quan ngại hay không? Liệu rằng, các lực lượng và cơ quan chức năng quản lý và bảo vệ rừng có biết được thực trạng này đang diễn ra, và họ sẽ nói như thế nào về vấn đề này?.
Theo Pháp luật & Xã hội