Từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo
Từ ngày 12 - 15/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023 lần thứ 2.
Phát biểu khai mạc Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023 lần thứ 2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, đây là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh được đón nhận, lắng nghe kinh nghiệm, giải pháp của các Bộ trưởng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số - kinh tế số - xã hội số.
Đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế kết nối, thiết lập quan hệ đối tác để cùng nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), giới thiệu các sản phẩm về AI do Việt Nam phát triển đến bạn bè quốc tế.
Theo ông Cao Tường Huy, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, tỉ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng “cứng” với hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, trong những năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số.
Toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động.
Tỉ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%; số thuê bao điện thoại đạt tỉ lệ 1,3 thuê bao/người; tỉ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%; tỉ lệ hộ gia đình sử dụng thuê băng rộng cố định đạt 92,84%. tỉ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (cả nước 75,39%).
Tin tưởng vào công nghệ mới như AI
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 50 năm qua, chúng ta đã chứng kiến cuộc cách mạng máy tính, cuộc cách mạng Internet, cuộc cách mạng di động và cuộc cách mạng đám mây.
Hiện nay, chúng ta hiện đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này tin rằng cuộc cách mạng AI sẽ mang tính biến đổi nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng nói trên trong 50 năm qua cộng lại.
Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của cuộc cách mạng AI và một số quốc gia đã có chiến lược AI quốc gia. Liên Hợp Quốc và Liên minh Viễn thông Quốc tế đã xác định AI là lĩnh vực hợp tác quan trọng và đã tổ chức nhiều hội nghị về chủ đề “AI for Good”.
"Sự phát triển của AI mang lại cả cơ hội và thách thức cho tất cả chúng ta. Các quyết định về cách sử dụng và điều chỉnh AI sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai của chúng ta", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Việt Nam đã chọn chủ đề của Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam lần thứ 2 là “Ứng dụng AI diện hẹp”. AI diện hẹp là AI chuyên biệt và tập trung. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và đào tạo cho một nhiệm vụ cụ thể hoặc một nhóm nhiệm vụ hẹp. Chúng có hiệu quả cao trong phạm vi được xác định trước. AI diện hẹp hiện đã sẵn sàng để áp dụng rộng rãi.
Theo Bộ trưởng, AI diện hẹp cho phép tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của AI trong các ứng dụng cụ thể. Nó đưa AI đến với mọi người, mọi nơi, mọi quốc gia ở các mức độ phát triển khác nhau, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng AI.
"Trong thời đại cách mạng AI, tương lai không phải là một đường nối dài của quá khứ. Các nước đang phát triển nếu biết nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả lợi ích của AI sẽ có tiềm năng phát triển đột phá, bắt kịp các nước phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cuộc cách mạng AI đòi hỏi các Chính phủ phải phát triển cơ sở hạ tầng AI, lực lượng lao động AI và thiết lập khung pháp lý cho AI. Cuộc cách mạng AI mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thích ứng nhanh, sẵn sàng thay đổi và đón nhận sự thay đổi.
Cuộc cách mạng AI cũng đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hợp tác để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro. Cuộc cách mạng AI là một hành trình dài, rất dài nên chúng ta cần phải đi cùng nhau.
"Trong một thế giới đầy biến động hiện nay, chúng ta cần sự tin tưởng. Tin tưởng hơn. Hãy tin tưởng vào con người. Tin tưởng lẫn nhau. Và tin tưởng vào công nghệ mới như AI", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ số, kinh tế số, đặc biệt là các chương trình AI.