Mới đây, trong tập 2 của chương trình Shark Tank Vietnam mùa 4, đã có màn gọi vốn và “chốt deal” gây tranh cãi trong dư luận.
Ngay sau khi nữ CEO của Wiibike chạy xe đạp trợ lực điện, sử dụng năng lượng xanh từ pin lithium ra sân khấu và trình bày phần gọi vốn, doanh nhân Nguyễn Ngọc Phú (Shark Phú) đã nói: “Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả”.
Tiếp theo đó là rất nhiều lời lẽ khiến khán giả dễ dàng nhận thấy đây giống như màn “thả thính”, thậm chí, là lấy danh nghĩa bông đùa, trêu ghẹo, ngợi khen ngoại hình, nhiều người đang hạ thấp thực lực, giá trị của phụ nữ trong môi trường làm việc.
Phát ngôn của Shark Phú có thể xuất phát chỉ là một lời khen ngợi, tán dương dành cho nữ CEO xinh đẹp và tài năng. Tuy nhiên, khi xuất hiện không đúng thời điểm, bối cảnh, sẽ thành thiếu tế nhị, thậm chí, trở thành sự lố bịch. Và nếu theo như lời Shark Phú nói, ông không quan tâm đến nội dung thuyết trình, không quan tâm đến sản phẩm, mà chỉ quan tâm đến nữ CEO, vậy thì có lẽ đã “chốt” nhầm chương trình.
Người đàn ông biết thưởng thức cái đẹp, biết dành lời khen cho phái đẹp cũng rất đỗi bình thường, vốn dĩ sự yêu thích, ngưỡng mộ nằm sẵn trong bản năng chinh phục của phái mạnh. Nhưng những lời lẽ dành để tán dương những bóng hồng ấy lại trở nên thật suồng sã, xuất hiện giữa một thương vụ đầu tư kinh doanh trên sóng truyền hình quốc gia tiếp cận nhiều đối tượng người xem, trong đó có giới trẻ (những người có thể chưa phát triển đầy đủ về nhận thức nên dễ bị tác động bởi phong thái, tư tưởng của những người nổi tiếng trên truyền thông). Dẫu rằng, đó có thể là “nghệ thuật sắp đặt” của các show truyền hình thực tế, tạo yếu tố hài hước để hút khách, tăng tương tác.
Có thể xem lại Shark Tank các mùa trước, nhận thấy, mùa này, có sự đầu tư hơn, xen lẫn những yếu tố nghệ thuật nhiều hơn, có thể đó là cách để tạo nên sự hấp dẫn cho một chương trình về kinh doanh bớt khô khan. Đây có thể coi là gia vị. Nhưng gia vị cũng phải đúng điệu! Không thể tùy tiện nêm vào một cách đầy bản năng, như thế, rất dễ biến một món ngon hảo hạng thành món ăn dở tệ, không thể cứu vãn…
Những lời lẽ của Shark trong tập phát sóng này đã gây ra rất nhiều tranh cãi, nhiều chuyên gia cho rằng, đó là điều không thể chấp nhận trên sóng truyền hình và ngay cả trong đời sống hằng ngày, vì bản chất đó là quấy rối.
Và tất nhiên, việc dung túng cho những phát ngôn kém duyên, những cử chỉ suồng sã và hành vi quấy rối, phân biệt đối xử giới tính là khó có thể chấp nhận.
Có rất nhiều người “bênh vực” Shark Phú rằng: “Đó đơn thuần chỉ là lời khen khó kiềm được vẻ đẹp và tài năng của nữ CEO kia, và cô gái cũng không cảm thấy có vấn đề gì…”. Nhưng xin thưa, một lời khen đến từ một người đàn ông trí tuệ và có thể xuất hiện trước mắt hàng triệu khán giả, cần đến sự tinh tế hơn thế rất nhiều lần. Nhiều người vẫn tự cho đó là những lời tán dương tích cực, mà không biết, nó cách sự quấy rối chỉ qua một lằn ranh mong manh.
Hơn nữa, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra, tỉ lệ nữ giới ở Việt Nam bị quấy rối mà không hề biết mình bị quấy rối, không phải là nhỏ. Cô gái có thể xuề xòa mà không để ý đến những lời lẽ đó, nhưng như thế không có nghĩa là những lời ấy là hoàn toàn vô tội.
Khi cấp trên, đồng nghiệp khen ngợi ngoại hình của một nữ nhân viên, liệu có phải là tín hiệu đáng mừng? Nó có vẻ vô hại hay thậm chí còn khiến nữ nhân viên đó cảm thấy rất vui, cho đến khi nhân viên này chỉ luôn nhận được những nhận xét hời hợt về vẻ bề ngoài mà không bao giờ được đánh giá về năng lực chuyên môn.
Theo đại diện Nhà Nhiều Cột, chiến dịch xã hội do CARE Quốc tế tại Việt Nam và Tuva Communication thực hiện nhằm hướng đến bình đẳng giới, những lời khen như vậy cũng là một dạng phân biệt giới, định kiến phổ biến trong môi trường công sở. Đó là những dấu hiệu của việc chấp nhận tư tưởng cũ: “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”.
Sẽ có người nghĩ, phát ngôn của Shark Phú có thể hiểu rằng, đã ngầm gửi đi thông điệp: Nếu nữ doanh nhân đủ xinh đẹp, ngoại hình đủ ấn tượng thì ý tưởng hay dở không còn mấy quan trọng nữa. Vậy thì tài năng không bằng vẻ ngoài xinh đẹp hay sao?! Nếu đây là một chương trình có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ đến giới trẻ, thì nay, chỉ vì những lời lẽ “không đúng nhịp”, mà trở thành mang thông điệp lệch lạc.
Các chương trình truyền hình là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nó đóng một vai trò lớn trong việc định hình văn hóa cho giới trẻ cho dù chúng ta có nhận ra được điều đó hay không.
Mong rằng, mỗi chương trình dù chỉ nhằm mục đích giải trí, cũng phải đảm bảo những chuẩn mực nhất định về phát ngôn, ngôn ngữ giao tiếp đảm bảo tôn trọng những người chơi, những khán giả ở mọi độ tuổi theo dõi chương trình, đảm bảo mặt văn hoá, định hướng giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ.
Hơn nữa, mong khán giả không quá dễ dãi với những sản phẩm giải trí mà mình tiếp nhận.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Lam Anh