Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ - Là tinh
Như thường lệ, Giáo Hội sẽ hướng về quá khứ để tìm về nguồn cảm hứng và thậm chí là cả sự đổi mới. Đức Giáo hoàng đã lấy danh hiệu là Phanxicô, theo gương vị thánh Francis thành Assisi, người đã sáng lập ra dòng Phanxicô. Ngài cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Dòng Tên, Hội dòng được sáng lập vào thế kỷ thứ 16 bởi Thánh Inhaxiô, khi Giáo Hội Công giáo bị lung lay trước những thách thức của Giáo hội Tin lành.
Sau khi có kết quả bầu chọn, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bước ra ban công và thốt ra những lời mà trong đó hai từ "Giám mục" nhiều hơn cả từ "Giáo hoàng" hay "linh mục". Trước hết, Giáo hoàng đã tự gọi mình là Giám mục của Rô ma và Đức Giáo hoàng Bênêđictô thứ 16 không phải là một Đức Giáo hoàng đã nghỉ hưu nhưng là một vị Giám mục danh dự.
Có một sự chân thật trọn hảo khi Giáo hoàng nói rằng, ông và những người tín hữu liên kết với nhau trong cùng một đức tin và tình yêu có cùng một hành trình đức tin. Giáo hoàng xin các tín hữu giúp đỡ và cầu nguyện, nhưng đó không phải là sự cầu nguyện cho cá nhân như trước nữa. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cúi mình để nhận những lời cầu nguyện của các con chiên mà ông sẽ phục vụ và dẫn dắt.
Chân dung tân Giáo hoàng Phanxicô I.
Đức Thánh Cha Phanxicô I là Giáo hoàng đầu tiên từ khu vực Mỹ Latinh, có quốc tịch Argentina, với tên tục là Jorge Bergoglio. Ông là một người có tư tưởng thần học bảo thủ, nhất là về các vấn đề đạo đức xã hội và là một con người khiêm tốn. Ông đã từng từ chối những tiện nghi sinh hoạt sang trọng dành cho một vị Tổng giám mục để đến sống tại một căn hộ giản dị và hàng ngày đi lại bằng xe buýt.
Kết quả bầu chọn vị tân Giáo Hoàng khiến nhiều người Công giáo bất ngờ bởi ở tuổi 76, Đức Hồng Y người Argentina được xem là không phải ở lứa tuổi lý tưởng để thay thế cho người tiền nhiệm vốn đã phá vỡ truyền thống và từ nhiệm khi còn sống vì lí do sức khỏe và tuổi tác. Trong thời gian bầu chọn, ông hầu như không được coi là một trong số những vị có nhiều khả năng trở thành Giáo Hoàng mới.
Nhân cách hiếm hoi
Quyết định chọn tông hiệu là Franxicô, tông hiệu Giáo hoàng đầu tiên được đặt theo tên Thánh Franxicô thành Assisi, cũng gây ngạc nhiên bởi tông hiệu này gợi liên tưởng về một đời sống giản dị và khiêm nhường khác xa sự tráng lệ nguy nga của những cung điện thành Vatican.
Người viết tiểu sử của vị Tân Giáo hoàng mô tả ông là người giữ vị thế cân bằng, Hồng Y Bergoglio có phong cách của một thầy tu, ít tiếp xúc với giới truyền thông ông có mối quan tâm sâu sắc về những vấn đề bất bình đẳng xã hội phổ biến ở quê hương ông và những nơi khác ở khu vực Mỹ Latinh.
Francesca Ambrogetti, đồng tác giả một cuốn tiểu sử về Hồng Y Bergoglio sau khi tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn với ông trong khoảng 3 năm cho biết: "Ông hoàn toàn có khả năng tiến hành những cải cách cần thiết mà không rơi vào tình thế phải mạo hiểm. Ông sẽ là một người giữ vị thế cân bằng trong Giáo hội". Bà Francesca Ambrogetti cho biết thêm rằng vị tân Giáo Hoàng có quan điểm Giáo hội nên tăng cường vai trò truyền giáo, ra đi gặp gỡ mọi người, năng động hơn... Giáo hội nên phát triển và thực hành niềm tin của mình nhiều hơn.
Phong cách sống của ông là nghiêm nghị và khổ hạnh. Ông đi lại bằng tàu điện ngầm, xe buýt hoặc bay tới Rome trên những chuyến bay hạng phổ thông. Vị Hồng Y dòng Tên đầu tiên trở thành Giáo hoàng được sinh ra trong một gia đình trung lưu có 7 người con, cha là nhân viên đường sắt người Ý nhập cư và mẹ là người nội trợ. Ông cũng là người rất nghiêm nghị, thấm nhuần những tư tưởng truyền thống của Giáo hội Công giáo. Điều này được thấy qua việc vị tân Giáo Hoàng đề nghị đám đông đang reo hò hãy đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng khi ông xuất hiện trên ban công tòa thánh sau khi đắc cử.
Hồng Y Bergoglio cũng là thành viên câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Argentina - San Lorenzo. "Ông luôn là một người dễ chịu và dễ gần". Roberto Crubellier, 65 tuổi, một người phục vụ tại một nhà thờ ở trung tâm Buenos Aires nơi mà Hồng Y Bergoglio đã từng lui tới và cầu nguyện cho biết. "Đức Hồng Y từng đi bộ từ Nhà thờ chính tòa (cách đó chừng 10 dãy phố) tới và ngồi ở dãy ghế cuối cùng trong nhà thờ, cầu nguyện thinh lặng, như thể ông cũng chỉ là một giáo dân bình thường".
Những câu chuyện về sự khiêm tốn của Đức tân Giáo Hoàng đang được lan truyền rất nhanh. Khi được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2001, Bergoglio đã thuyết phục hàng trăm giáo dân Argentina không bay đến Rome để chúc mừng ông mà để dành số tiền định mua vé máy bay quyên góp cho người nghèo.
Khi còn là Giám mục, vị tân Giáo hoàng vẫn đi làm công tác mục vụ bằng xe điện ngầm và xe bus.
"Định mệnh" Giáo hoàng
Vị tân Giáo hoàng cũng là ứng viên về nhì trong cuộc bầu chọn Giáo hoàng năm 2005 mà kết quả cuối cùng là vị Hồng Y người Đức Joseph Ratzinger đã trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Ông không phải là một ứng viên nặng ký nhưng những Hồng Y có tư tưởng ôn hòa tìm kiếm một lựa chọn cho vị trí người đứng đầu tòa thánh Vatican lại ủng hộ ông.
Trong Mật nghị Hồng y năm 2005, Hồng Y Bergoglio nổi bật như là ứng viên đại diện của các Hồng y theo trường phái ôn hòa, đối lập với phái bảo thủ của Hồng Y Joseph Ratzinger, người mà sau đó đã trở thành Giáo Hoàng Bênêđictô. Sau Mật nghị Hồng Y năm đó, một số nhà bình luận đã cho rằng Bênêđictô sẽ là "vị Giáo hoàng người châu Âu cuối cùng" và rằng những Hồng Y Mỹ Latinh sẽ có nhiều cơ hội hơn ở lần sau.
Sau mật nghị Hồng Y năm 2005, một Hồng Y đã phá vỡ lời thề giữ bí mật và tiết lộ với tờ tạp chí Limes của Ý rằng Hồng Y Ratzinger đã có 47 phiếu ở vòng bỏ phiếu thứ nhất trong khi Hồng Y Bergoglio có 10 phiếu và những phiếu còn lại rải rác bầu cho những Hồng Y khác.
Số lá phiếu đã thay đổi trong vòng bỏ phiếu thứ hai vào sáng hôm sau, nâng số phiếu cho Hồng y Ratzinger lên 65 và của Hồng Y Bergoglio lên 35 phiếu. Tạp chí Limes cho biết, Hồng Y người Argentina nhận được sự ủng hộ của những Hồng Y theo phái ôn hòa người Đức, Mỹ, và các Hồng Y châu Mỹ Latinh. Vòng bỏ phiếu thứ ba ngay trước bữa trưa đã đem về cho Hồng Y Ratzinger 72 phiếu và 40 phiếu cho Hồng Y Bergoglio và Hồng Y người Đức đã có đủ số phiếu bầu sau vòng bỏ phiếu thứ tư vào chiều hôm đó với 84 phiếu.
Số phiếu của Hồng y Bergoglio giảm ở vòng thứ tư xuống còn 26 phiếu cho thấy có một số người ủng hộ đã quay sang phía Hồng y Ratzinger. "Một số Hồng Y đã cho rằng điều này là do Chúa Thánh Thần đã điều hướng cuộc bỏ phiếu" - một Hồng y phát biểu sau cuộc bỏ phiếu.
Faggioli cho rằng ngược lại với Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Giáo hoàng Franxicô I sẽ lắng nghe các giáo dân một cách cởi mở hơn, ngay cả khi quan điểm của ông không phải lúc nào cũng được nhiều người chấp nhận.
Thanh Xuân (Theo Reuters, CNN)