Vào đêm Giáng sinh, Tân Hoa Xã sẽ phát hành miễn phí tổng cộng 110.001 bản copy các bức ảnh báo chí được chọn lọc dưới dạng NFT, theo một thông báo từ hãng thông tấn này vào ngày 22/12.
Chúng sẽ bao gồm 11 bộ sưu tập, mỗi bộ sưu tập chứa 10.000 ảnh và 1 bức ảnh phiên bản đặc biệt được phát hành trên ứng dụng điện thoại của Tân Hoa Xã vào 20h giờ địa phương ngày 24/12. Công nghệ blockchain đứng sau bộ sưu tập này được tập đoàn công nghệ Tencent hỗ trợ.
Thông báo của Tân Hoa Xã cho biết: “[Bộ sưu tập này] ghi lại những khoảnh khắc lịch sử quý giá trong năm 2021. Nó cũng là một ký ức điện tử được ghi vào thế giới vũ trụ ảo (metaverse)”. Bộ sưu tập do Tân Hoa Xã phát hành bao gồm lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn và dấu mốc tiêm chủng hơn 2,7 tỷ liều vắc-xin Covid-19 trên cả nước.
NFT (non-fungible token, token không thể thay thế) là chứng nhận số hoá quyền sở hữu, thường chỉ các đơn vị dữ liệu mang tính độc nhất, bảo đảm và không thể thay đổi, được lưu trữ trên blockchain.
Do NFT được xác thực trên blockchain phi tập trung, mỗi NFT có thể được “sở hữu” giống như một vật phẩm ngoài đời thực, dẫn đến việc loại tài sản này có giá trị và được trao đổi, giao dịch như đồ sưu tầm.
Việc Tân Hoa Xã phát hành NFT diễn ra sau khi SCMP phát hành các thẻ bài sưu tập dưới dạng NFT vào tháng 11 vừa qua, lấy nguồn từ kho lưu trữ 118 năm tuổi của tờ báo này.
Tuy chính phủ Trung Quốc đã quyết liệt trấn áp hoạt động đào và giao dịch các loại tiền mã hóa như Bitcoin, những công nghệ mới như NFT và vũ trụ ảo lại đang được chấp nhận hoạt động trong một “khoảng xám” nhất định. Hơn 50 chính quyền địa phương tại Trung Quốc hiện có kế hoạch hoặc đang xây dựng khung pháp lý nhằm quản lý tài sản ảo, bao gồm một hệ thống cấp phép cho các chủ tài sản và tổ chức vận hành nguồn lực tài sản ảo.
Trước đó, một quan chức từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ra cảnh báo về việc mối quan tâm đến NFT và vũ trụ ảo đang gia tăng mạnh mẽ tại quốc gia này, nói rằng những công nghệ này “có thể dễ dàng trở thành công cụ rửa tiền”.
Tùng Phong (Theo SCMP)