Ở Sài Gòn không chỉ có những gánh xôi hàng rong, mà có cả những con phố bán xôi, những quán xôi ngon đã thành thương hiệu. Hình như không ai bận tâm rằng xôi có mặt ở trên đường phố Sài Gòn từ khi nào. Chắc là ai cũng cho rằng, cũng như ở nhà mình, từ khi sinh ra thì đã được ăn xôi mẹ nấu.
Xôi nếp vẫn thơm trong ký ức mỗi người
Xôi Sài Gòn có thể chia làm hai loại là xôi ngọt và xôi mặn. Xôi ngọt phổ biến nhất vẫn là xôi gấc, xôi cẩm (hay còn gọi là xôi tím), xôi nếp than, xôi đậu, xôi sầu riêng, xôi vò. Mỗi loại xôi lại có cách thêm hành phi, mỡ hành, dừa bào hay đường riêng. Các món xôi có nguồn gốc từ phía Bắc như xôi cốm, xôi gấc cũng chen nhau nằm trên các quầy hàng khắp các nẻo đường Sài Gòn. Vào đến trong Nam, hương vị của các món xôi này ít nhiều đã thay đổi. Vẫn là xôi với gạo nếp thơm lừng nhưng ngọt hơn theo khẩu vị của người Nam.
Ngoài ra còn có một món xôi ngọt khá đặc sắc là món xôi xiêm. Xôi xiêm có nguồn gốc từ Thái Lan, là sự tổng hợp từ các nguyên liệu từ gạo nếp Thái Lan, nước cốt dừa, sầu riêng, đường thốt nốt… Ở Sài Gòn xôi xiêm thường được bán ở khu người Hoa (quận 5).
Xôi mặn thì phải kể đến xôi gà, xôi lạp xưởng, trứng cút, xá xíu, xôi chả, patê… Thường người ta sẽ để xôi gà sang một bên, còn xôi với lạp xưởng, chả, trứng cút, patê sẽ được gọi chung là xôi mặn.
Xôi Sài Gòn thường bán vào sáng hoặc chiều tối. Xôi sáng có mặt ở khắp nơi, ngồi nhà cũng nghe được vài tiếng rao mua xôi khắp mọi con hẻm ở Sài Gòn. Xôi chiều thì phải kể đến đoạn đường Cao Thắng từ đầu đường đến ngã tư Điện Biên Phủ. Chủ yếu là xôi ngọt với đủ màu sắc bắt mắt. Chỉ cần chạy xe ngang qua, nghe mùi thơm phức của gạo nếp nấu chín lan tỏa trong không khí thì khó có thể kìm lòng mà đi tiếp.
Sài Gòn có một quán xôi nức tiếng từ xưa đến nay nằm ở đường Bùi Thị Xuân. Đây được mệnh danh là quán xôi ngon nhất Sài Gòn với món xôi gà chiên, xôi lòng gà và xôi gấc nổi danh. Xôi chiên được làm thành từng cục xôi nhỏ vo tròn rồi đánh dẹp như chiếc bánh rán bỏ vào chảo chiên lên, bên trong cho thêm ít thịt heo băm nhỏ với đỗ xanh và mộc nhĩ. Đưa lên miệng cắn một miếng có vị béo ngậy mang một hương vị rất riêng, khiến người ta muốn quay lại thưởng thức lần nữa.
Xôi phải được gói trong lá sen hay chí ít cũng phải là lá chuối, nhưng xôi bây giờ chủ yếu được gói trong giấy báo, cuộn ngoài bằng bịch nilon, kèm theo cái thìa nhựa nho nhỏ. Lịch sự hơn thì được bỏ trong một cái hộp mút xốp mà thôi. Xôi nóng hôi hổi bỏ trong đó thì cái mùi thơm nguyên thủy của xôi không còn nữa, mà quyện vào đó là mùi nhựa chứa đồ nóng bay lên, vừa mất vệ sinh lại vừa không ngon miệng.
Xôi của cái thời xa xưa nào đó, chắc phải là món ăn sang lắm. Bởi vì thường thì phải nhà có dịp lễ, Tết, làng phải có dịp trọng đại người ta mới nấu xôi. Bây giờ, xôi là món ăn sáng bình dân, bán khắp nơi trên các vỉa hè Sài Gòn. Mà các vị khách hàng ruột chủ yếu là lớp người lao động nghèo, học sinh, sinh viên muốn có một bữa sáng vừa chắc bụng, vừa rẻ tiền. Thỉnh thoảng cũng có vài vị khách là người nước ngoài mê xôi Việt Nam như một sự khám phá văn hóa ẩm thực từ một nơi không phải quê hương mình.
Xôi là thứ mà người ta đứng ngay trên quê hương mình, ăn một gói xôi mà vẫn thấy lòng rưng rưng nhớ. Nỗi nhớ theo cái mùi thơm này mà thương nhớ tháng mười, mùa gặt nếp, là nỗi nhớ người mẹ tảo tần. Bởi bất kỳ ai đã từng được ăn xôi mẹ mình nấu thì đều phải công nhận rằng xôi mẹ nấu là ngon nhất trên đời này. Muôn ngàn nỗi nhớ, mênh mang tình chứa trong cái gói xôi nhỏ mà ta vừa mua bên lề đường. Vẹn nguyên như mùa xôi nếp thơm trong ký ức của mỗi người.
Hương Lam