Tận mắt khám phá ngôi làng phu cao su cổ nhất Việt Nam

Tận mắt khám phá ngôi làng phu cao su cổ nhất Việt Nam

Thứ 3, 10/09/2013 16:55

Đầu thế kỷ 20, do nhu cầu phát triển nhanh chóng của các đồn điền cao su, thực dân Pháp tuyển mộ hàng chục ngàn phu cao su vào Nam làm thuê cho các chủ người Tây. Cũng từ đó, các làng Công Tra (hay còn gọi là các làng phu cao su) được xây dựng để có chỗ cho hàng ngàn công nhân cao su sinh sống.

Mục sở thị làng Công Tra

Làng Công Tra Lộc Thiện chính là một trong những ngôi làng Công Tra lâu đời nhất còn tồn tại... Chúng tôi đến thăm làng Công Tra Lộc Thiện hay còn tên gọi khác là làng 10 (ấp 10, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) vào một buổi sáng tháng Tám, sau cơn mưa đêm tầm tã, những con đường đất đỏ dẫn vào làng trở nên trơn bóng như được tráng một lớp mỡ. Dưới sự dẫn đường của một cán bộ xã Lộc Thiện, chúng tôi đã đặt chân lên ngôi làng Công Tra cổ duy nhất còn lại hiện nay của tỉnh Bình Phước. Làng 10 nằm lọt thỏm trên ngọn đồi thoai thoải được bao quanh bởi những rừng cao su bạt ngàn.

Xã hội - Tận mắt khám phá ngôi làng phu cao su cổ nhất Việt Nam

Ngôi nhà thầy xu vẫn được giữ nguyên hiện trạng từ những năm 1935.

Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Bình Phước, làng Công Tra Lộc Thiện được xây dựng từ năm 1940 với khoảng 50 căn nhà, mỗi căn có diện tích 20 - 40m2. Hiện nay, làng Công Tra Lộc Thiện chỉ còn lại 24 căn, phân bố làm 4 dãy chạy dọc hai bên con đường chính vào làng 10. Để thuận tiện trong việc quản lý, kiểm soát phu cao su, chủ đồn điền đã xây dựng mỗi nhà cách nhau 30m, đánh số nhà từ phải qua trái, từ dãy trước đến dãy sau theo thứ tự tăng dần.

Các ngôi nhà trong làng Công Tra được xây dựng nhất quán theo một loại hình kiến trúc như nhau, đó là kiểu nhà hai mái với hai cửa chính, hai cửa sau và hai cửa sổ. Căn nhà được ngăn đôi chính giữa bởi một tấm ván gỗ hoặc một mảnh vải. Hai hộ gia đình cùng chung sống trong một ngôi nhà. Tuỳ theo số người trong gia đình phu cao su được phân nhà lớn, nhà nhỏ. Nếu gia đình nào đông con hoặc có nhu cầu làm thêm nhà bếp thì có thể nới rộng nhà bằng tre, nứa tự kiếm. Theo người dân trong vùng kể lại, vào những năm 60 của thế kỷ trước, thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của làng, dân số trong làng lên đến gần 300 hộ. Mỗi dịp lễ tết, người dân thường rủ nhau đi chùa, tổ chức ăn mừng rất náo nhiệt.

Ông Trịnh Tiến Hưng (SN 1952, Phó ban điều hành ấp 10, xã Lộc Thiện) cho hay: "Làng Công Tra tương tự như mô hình đô thị hiện đại khép kín bao gồm: Nhà ở của phu cao su; nhà kho; cửa hàng tạp hóa. Nhà phu là nơi phu cao su đến để nhận và trả công cụ lao động. Nhà này cũng là nơi  trước khi đi làm, phu cao su phải tập trung để điểm danh. Riêng làng Công Tra Lộc Thiện, chủ đồn điền còn xây thêm nhà thờ, chùa, nhà giữ trẻ và ít phòng học cho học sinh tiểu học lớp 4, lớp 5 tương đương với lớp 1, lớp 2 thời nay. Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ nằm cuối làng đã bị bom đạn tàn phá, từ đó đến nay cũng bị bỏ hoang, không ai lui tới. Chỉ còn chùa Vĩnh Lâm là ngôi chùa duy nhất tại làng Công Tra Lộc Thiện vẫn giữ nguyên kiến trúc xây dựng ban đầu, tượng Phật A Di Đà và Phật Di Lặc hiện đang được thờ cúng trong chùa cũng có từ ngày chùa mới được xây dựng".

Bà Nguyễn Thị Hoa (73 tuổi, ngụ tại ấp 10, xã Lộc Thiện) người sở hữu căn nhà nguyên thủy nhất làng cho hay: "Nhà tuy chật chội, nhỏ hẹp nhưng được xây dựng bằng gạch đúc nên khá vững chãi, chịu được mưa bão tàn phá. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng nhà xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là phần mái ngói. Nhiều đêm đang ngủ, mái ngói rơi ngay đầu giường, sợ quá không dám ngủ lại. Do vậy, số người đập bỏ, xây dựng nhà mới ngày càng nhiều. Những nhà không có tiền xây nhà mới cũng gom góp tiền để sửa tường, thay mái, rất ít nhà còn giữ nguyên hiện trạng như ban đầu".

Xã hội - Tận mắt khám phá ngôi làng phu cao su cổ nhất Việt Nam  (Hình 2).

Cụ Hoàng Thị Lộc trong căn nhà cổ.

Gặp "cư dân thứ thiệt" của Công Tra thời Pháp

Cần bảo tồn làng Công Tra Lộc Thiện

Ông Phạm Văn Vân (Cán bộ văn hóa - xã hội xã Lộc Thiện cho biết: "Hiện nay, làng Công Tra Lộc Thiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền xã đã kiến nghị lên sở VH-TT&DL Bình Phước để có biện pháp bảo tồn, tôn tạo làng Công Tra duy nhất còn tồn tại này, nhưng chưa được phê duyệt…".

Thuở ban đầu, người dân Công Tra hầu hết là những nông dân nghèo khổ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vì chịu không nổi cảnh đói rách, đành rời bỏ quê hương theo lời chiêu dụ của bọn "mộ phu" vào đồn điền cao su để tìm đất sống. Hai cuộc chiến tranh qua đi, những phu Công Tra này một phần tìm về quê cha đất tổ, một phần khác đã chuyển đi các vùng lân cận tìm kiếm cơ hội làm giàu. Chỉ ít ỏi những gia đình đã không còn thân nhân, không có nhân lực lao động mới quyết định ở lại bám trụ với làng.

Hiện nay, làng Công Tra đa số là dân tứ xứ đến đây theo lời kêu gọi xây dựng kinh tế mới của chính quyền. Bên cạnh đó, không ít gia đình là con cháu của những phu cao su thời Pháp. Tuy nhiên, không mấy ai biết và nhớ được lịch sử của làng. Những nhân chứng từng gắn bó và trải qua bao thăng trầm cùng làng Công Tra Lộc Thiện nay phần lớn đã mất hoặc chuyển đi nơi khác. Chỉ còn lại duy nhất một người còn lưu giữ và hoài niệm về những năm tháng cũ của làng 10, đó là cụ Hoàng Thị Lộc (78 tuổi, ở ấp 1, xã Lộc Thiện), người dân Công Tra "thứ thiệt" duy nhất còn lại hiện nay.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cổ nhất nhì làng Công Tra, cụ Lộc đưa mắt nhìn xa xăm, nhớ lại: "Vào những năm 40 của thế kỷ trước, cha mẹ tôi từ huyện Đông Quan (Thái Bình) bị ép vào làm phu cao su tại đồn điền Lộc Ninh để có tiền trả nợ. Đồng cảnh ngộ với chúng tôi là những người dân đến từ khắp các tỉnh thành trên đất nước như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa...  Sau ngày giải phóng, gia đình tôi vì kinh tế khó khăn nên ở lại làng để trồng khoai sắn kiếm miếng ăn sống tạm qua ngày. Ngôi nhà tôi đang ở được xây từ lúc tôi vừa bốn tuổi, đến nay đã hơn 70 năm rồi, tôi chẳng sống được mấy nỗi nữa nên cứ để nguyên vậy, cũng không muốn sửa nhà làm gì!".

Chỉ tay về phía khu đồi cao trước mặt, bà Lộc kể thêm: "Chủ đồn điền người Pháp không ở chung trong Công Tra với dân phu cao su mà xây nhà biệt lập trên đỉnh đồi cao nhất khu vực để dễ bề quan sát toàn đồn điền. Họ chỉ làm việc với những thầy xu, thầy đội, chứ không tiếp xúc với công nhân. Họ canh giữ công nhân lỏng lẻo, bởi quanh đồn điền là rừng núi bạt ngàn, người dân lại lạ nước lạ cái, không rành địa hình nên ít người dám trốn. Hơn nữa, lúc mới đi mộ, toàn bộ thẻ căn cước (chứng minh thư nhân dân) đã bị chủ đồn điền nắm giữ, không thể đi đường chính được mà phải trốn đi bằng đường rừng. Nhiều người quá nhớ quê hương, không chịu nổi nên đã trốn vào rừng đi Campuchia, băng qua Lào rồi về Bắc".

HOÀI THƯƠNG - QUYÊN TRIÊU

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.