Nhưng cũng chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều nơi ở Ngân Sơn, ruộng nương không thể cấy hái được, đời sống người dân bản địa vô cùng cơ cực. Giáp ranh với huyện Ngân Sơn là huyện Na Rì - nơi có khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (diện tích trên 14.000 ha) cũng từng bị "vàng tặc" tàn phá không thương tiếc.
Vật lộn đường vào đại công trường vàng
Sau khi quặn lòng trước những thân nghiến bị đốn hạ ở Cốc Khoang (xã Ân Tình), PV theo chân người dẫn đường B.X.H lên xã Kim Hỷ theo quốc lộ 279. H. bảo rằng anh ta sẽ dẫn chúng tôi vào mỏ vàng Tốc Lù nằm sâu trong bản Kim Vân. Theo đồng bào dân tộc sinh sống trong vùng cho hay, thời tiết nắng ráo, vào Tốc Lù mất khoảng một giờ đi xe máy.
Nếu gặp trời mưa, chỉ có một cách duy nhất là cuốc bộ. Không may cho chúng tôi gặp đúng hôm mưa lớn, đường trơn như bôi mỡ. Hơn hai tiếng vừa đi vừa… bò trên con đường mòn vừa trơn vừa nhiều ổ voi ngập nước đến đầu gối người lớn, chúng tôi cũng vào được đại công trường khai thác vàng nổi tiếng này.
Lúc chúng tôi đến đây đã có hàng trăm phu vàng đang đào đào, bới bới. Bất chấp mưa gió, không khí lao động vẫn khẩn trương tấp nập. Thế mới biết ma lực mang tên "vàng sa khoáng" ghê gớm đến cỡ nào.
Theo quan sát của PV, ở Tốc Lù, chúng tôi đếm được không dưới 10 điểm khai thác (dân làm vàng gọi là bưởng vàng). Mỗi bưởng vàng có khoảng 10-15 phu vàng. Tất cả số vàng do các phu vàng đào đãi được đều phải nộp lại cho chủ bưởng. Hàng tháng chủ bưởng sẽ phát "lương" (trả bằng vàng) cho phu vàng căn cứ vào sản lượng vàng nộp vào của từng người. Thường thì lương sẽ bằng 30-50% sản lượng nộp vào.
Trong trường hợp "trúng quả", chủ bưởng sẽ thưởng thêm. Khác với các khai thác thủ công tại các mỏ vàng thổ phỉ ở huyện Ngân Sơn trước kia, ở Tốc Lù, gần như tất cả mọi công đoạn từ đào đất, xúc đất, đãi vàng… đều được "cơ giới hoá". Tất cả các bưởng vàng đều trang bị đầy đủ các loại máy móc hiện đại nhất như máy xúc, máy bơm nước công suất lớn, giàn tuyển vàng…
Đội tiếp tế đang giao dịch với chủ bưởng
Sau khi được sàng lọc qua giàn tuyển, phần quặng chứa vàng sẽ được chia đều cho các nhóm phu vàng đãi lại lần cuối trước khi "thành phẩm". Đây là công đoạn duy nhất được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Cách khu vực đãi vàng khoảng vài trăm mét, nằm phía cuối xã Kim Vân là khu vực "hậu cần" của các bưởng vàng.
Khu vực này cất chứa dầu máy, máy phát điện, các loại nhu yếu phẩm, đồ ăn thức uống cho phu vàng cũng như chủ bưởng. Mỗi bưởng vàng có một nhóm gồm 6 người cả nam lẫn nữ chịu trách nhiệm nấu ăn, đánh rửa dụng cụ làm vàng và tiếp tế nhiên liệu cho máy móc mỗi khi cần.
Những thung lũng "chết"
Trong những ngày băng rừng để tiếp cận những bãi, mỏ khai thác vàng, chúng tôi được biết, sở dĩ các chủ bưởng cũng như hàng trăm phu vàng có thể sống vài tháng trời trong rừng sâu được là nhờ sự tiếp tế của bên ngoài. Cứ độ mấy ngày, một "đội quân" lại được cử ra ngoài dùng ngựa thồ hoặc xe máy chuyên vận chở xăng, dầu, nước sạch, gạo, rau xanh, thịt lợn… tới các điểm khai thác vàng sa khoáng nằm trong khu bảo tồn Kim Hỷ.
"Những ngày nắng, bọn chúng thường dùng xe máy chở thực phẩm vào đại công trường vàng. Còn những bãi đào ở mãi trong tận rừng sâu, không có đường chính để đi mà phải lội suối, băng đèo, thì sẽ dùng ngựa thồ", L.C.D, một người ở Kinh Vân nói. Được biết, cứ mỗi chuyến thành công, chủ các bãi khai thác vàng trả công người vận chuyển rất hậu hĩnh. Thậm chí có chuyến đi người vận chuyển được trả bằng vàng cám.
Còn tại thôn Khuổi Lộc (xã Lương Thượng) người dân lại "hợp đồng tác chiến" với chính những chủ bưởng nhằm khai thác vàng ngay trên mảnh đất nông nghiệp của gia đình mình. Trưởng thôn Khuổi Lộc, ông Ông Dương Văn Sơn thừa nhận, việc một số người dân thôn ông kết hợp với người ngoài mang máy xúc vào đào vàng trái phép tại địa bàn của thôn là có thật. Cũng có hộ để chắc ăn, phòng trường hợp vàng sa khoáng có ít, họ bán quyền khai thác ruộng cho các chủ với giá hàng trăm triệu đồng. Khai thác xong, chủ vàng phải có nghĩa vụ hoàn thổ.
Dân làm vàng lâu năm đúc rút ra một kinh nghiệm, khu vực lòng chảo hay còn gọi là thung lũng giữa những dãy núi trùng điệp, những con suối, sẽ là nơi tích tụ nhiều vàng nhất. Tuy nhiên, cũng chính những thung lũng này, đất đai luôn màu mỡ. Và cách đây nhiều năm, khi chưa rộ lên nạn khai thác vàng sa khoáng, trong trí nhớ của người dân xã Ân Tình, Lạng San, Kim Hỷ, những mỏ như Tốc Lù, Xạ Hang, Lủng Cốp, Lùng Mòn… đều là những thung lũng rộng cả chục hecta, ruộng nương tươi tốt. Nhưng giờ đây, tất cả đều bị xới tung, đất chất thành gò, nơi sâu hun hút. Hàng loạt những ao, hồ nông sâu được hình thành làm biến dạng con suối. Chưa hết, dòng nước suối trong vắt cũng chuyển qua đỏ quạch.
Như tại bãi vàng thuộc bản Nà Láng (xã Lương Thượng), sông Bắc Giang chảy qua địa bàn xã giờ đây đã bị thu hẹp đáng kể. Dòng chảy bị biến dạng do những đống đất sỏi như núi "mọc" lên giữa lòng sông. Ông T.H.Đ, một người dân trong bản Nà Láng bức xúc, đã lâu nay cứ khi màn đêm buông xuống, bà con lại bị tra tấn bởi tiếng máy móc phát ra từ các bãi vàng. Thậm chí nhiều khi còn phải nhét bông vào tai mới có thể ngủ được.
Nhiều khi bọn "vàng tặc" làm khuya, những đứa trẻ không ngủ được, khóc lóc làm khổ người lớn. Những nhà trồng lúa, ngô bên cạnh bãi vàng thì liên tục mất mùa bởi thiếu nước và các hóa chất dùng cho việc tách vàng. Chúng làm khiến lúa bị hạt lép và chết khô.
Kỳ trước:
> Lâm tặc ngang nhiên 'uống máu' rừng ở khu bảo tồn (1)
> Theo dấu lâm tặc, thâm nhập 'chợ thớt' vùng biên
Môi trường, vật nuôi và con người mang họa vì khai thác vàng Tại bản Kim Vân thuộc xã Kim Hỷ, nơi có mỏ vàng Tốc Lù. Hiện Kim Vân có tới phân nửa hộ dân thuộc diện nghèo. Đi tìm câu trả lời chúng tôi được biết, chủ bưởng càng mở rộng bãi khai thác vàng, cũng đồng nghĩa với việc diện tích làm ruộng, nương bị thu hẹp. Chưa hết, quanh các bãi, mỏ khai thác vàng sa khoáng, môi trường bị ảnh hưởng trầm trọng, hàng đàn gia cầm chăn thả ngoài đồng bỗng nhiên lăn ra chết, do uống phải nước thải từ công đoạn phân vàng. Còn đám trẻ con sau mỗi lần lội suối, tập bơi ở sông về thường bị ghẻ ngứa, mắc bệnh ngoài da. Khóe chân, khóe tay người làm đồng cũng hay bị sưng có mủ. |
Văn Chương - Quyết Hồng