Ông Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi, biệt danh “Cá sấu”, đã chính thức trở thành Tổng thống của quốc gia châu Phi Zimbabwe sau hàng loạt sự kiện biến động ở trong nước.
Trong bài phát biểu nhậm chức ở sân vận động quốc gia tại Thủ đô Harare với sức chứa 60.000 người, ông Mnangagwa đã dành lời khen ngợi dành cho cựu Tổng thống 93 tuổi Mugabe, gọi ông là “người cha sáng lập đất nước”. Đồng thời, ông Mnangagwa cam kết sẽ thực hiện các chính sách kinh tế tích cực nhằm thu hút giới đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng thất nghiệp lan rộng và phục hồi nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng của Zimbabwe.
Nhà lãnh đạo mới của Zimbabwe tuyên bố mở ra một “vận mệnh mới” đối với quốc gia này. Bên cạnh đó, ông cho hay cuộc cải cách ruộng đất trước đó vừa được thực hiện tại Zimbabwe dưới thời ông Mugabe sẽ không bị xóa bỏ hoàn toàn, trong khi những người nông dân da trắng bị chiếm đất trước đó sẽ được đền bù thỏa đáng. Vị tân lãnh đạo cũng hứa sẽ siết chặt các hoạt động tư pháp, chấm dứt những hành vi tham ô và tiếp tục thực hiện kế hoạch bầu cử vào năm sau như đã định.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu của mình, ông Emmerson Mnangagwa khẳng định bản thân sẽ trở thành “vị Tổng thống của tất cả người dân, không phân biệt màu da, tôn giáo, tín ngưỡng, bộ lạc, nguồn gốc và tư tưởng chính trị”.
Theo tờ Al Jazeera, nhiều người dân ở Zimbabwe thực sự đặt niềm hy vọng của họ vào tương lai đất nước khi có một nhà lãnh đạo mới. Vào ngày Tổng thống nhậm chức, bà Theresa Hanga (53 tuổi) đã bắt xe đi từ Rusape, một thị trấn nhỏ cách Harare 175km về phía đông, lên tận Thủ đô để tận mắt chứng kiến sự kiện trọng đại này. Bà cho hay bản thân rất hạnh phúc khi quốc gia có một người lãnh đạo mới.
“Tôi từng tham gia chiến tranh. Khi còn là một cô gái trẻ, tôi tham gia công tác hậu cần, nấu nướng cho các binh sĩ và báo động họ mỗi khi lính thực dân tới. Nếu chúng tôi trước đây không làm những công việc đó thì có lẽ công cuộc giải phóng đất nước sẽ rất khó khăn, do đó tôi hy vọng Tổng thống mới sẽ coi trọng những người như chúng tôi”, bà Hanga nói.
Trong khi đó, Alice Mubaiwa, 48 tuổi, một phụ nữ bán rau trên phố, cũng đặt nhiều kỳ vọng: “Tôi rất vui vì sự thay đổi lãnh đạo này. Mong muốn lớn nhất của tôi khi bán hàng là có sự thay đổi trong cách xử sự của cảnh sát. Tôi hy vọng Tổng thống mới sẽ chú tâm tới việc đó”.
Theo bà Mubaiwa, cảnh sát thường truy đuổi bà và đưa về đồn phạt khoảng 20USD, cùng với đó thu hồi toàn bộ hàng hóa của những người bán hàng rong như bà. “Tôi đã bị bắt hai lần vì không trả tiền phạt, tới khi được thả, cảnh sát chẳng bao giờ trả lại rau cho tôi. Tôi hy vọng Tổng thống Mnangagwa sẽ không để cảnh sát đối xử với chúng tôi như vậy”, bà Mubaiwa nói.
Có thể thấy người dân Zimbabwe thực sự kỳ vọng vào sự thay đổi của đất nước thông qua nhà lãnh đạo mới. Ông Mnangagwa đang đứng trước câu hỏi liệu có thể mang tới một làn gió mới cho Zimbabwe hay sẽ vẫn bước vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Để trả lời cho câu hỏi đó, giới phân tích lưu ý tới một sự thật là 37 năm cầm quyền của ông Mugabe cũng là khoảng thời gian mà ông Emmerson Mnangagwa góp mặt trong nhiều quyết định. “Nói một cách chính xác thì Mnangagwa không phải gương mặt mới. Ông ấy đã đồng hành cùng cựu Tổng thống Mugabe từ năm 1976”, nhà Sử học Australia Stuart Doran nhận xét.
Tuy nhiên, theo CNN, trong thời kỳ trăng mật hiện tại, nhiều người sẵn sàng bỏ qua quá khứ của ông Mnangagwa. Dân chúng Zimbabwe sẵn sàng cho ông một cơ hội, họ hy vọng ông sẽ ý thức được rằng bản thân đang lãnh đạo một dân tộc, chứ không chỉ là người đứng đầu đảng cầm quyền Zanu PF.
Nhiều người vẫn đang say sưa với sự phấn khích rằng những năm tháng khó khăn dưới thời ông Mugabe đã qua. Họ ngất ngây với việc bà Grace Mugabe, vợ của cựu Tổng thống, không phải là người kế nhiệm lãnh đạo đất nước.
Với ý tưởng bồi thường nông dân sau cuộc cải cách ruộng đất của người tiền nhiệm, ông Mnangagwa đang có một khởi đầu tích cực. Trong thời gian tới, ông cần phải chứng minh bản thân sẽ làm những điều khác biệt so với người đàn ông từng lãnh đạo quốc gia gần 40 năm qua. Người dân Zimbabwe thực sự trông chờ vào sự thay đổi ấy, để lại được sống trong nền kinh tế đứng nhất nhì châu Phi như trước đây.
Xem thêm: Syria: Bí mật trong kho vũ khí khổng lồ IS bỏ lại chiến trường Deir ez-Zor