Theo AFP, buổi lễ diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đã đặt tay lên cuốn điều lệ Liên Hiệp Quốc và tuyên thệ trước Chủ tịch Đại hội đồng Peter Thomson.
“Liên Hiệp Quốc là nền tảng của chủ nghĩa hợp tác đa quốc gia. Tổ chức này đã đóng góp cho nền hòa bình nhiều thập kỷ qua nhưng những thách thức hiện nay đang vượt ra khỏi khả năng phản ứng của chúng ta. Liên Hiệp Quốc cần sẵn sàng thay đổi”, ông Guterres tuyên bố.
Như vậy, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha sẽ chính thức thay thế người tiền nhiệm Ban Ki-Moon từ ngày 1/1/2017, chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
The Guardian (Anh) cho hay, sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Guterres sẽ phác thảo kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng như các ý tưởng nhằm cải tổ tổ chức này.
Tân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đề ra 3 ưu tiên cho sự thay đổi trong nhiệm kỳ 5 năm của mình là làm việc vì nền hòa bình, hỗ trợ phát triển bền vững và cải thiện hệ thống làm việc nội bộ.
Ông Antonio Guterres (1949), từng là một giáo viên chuyên ngành vật lý, kỹ thuật. Năm 1974, ông gia nhập đảng Xã hội Bồ Đào Nha, sau đó giữ vai trò Tổng bí thư đảng này. Năm 1995, ông giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử Bồ Đào Nha và giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995-2002.
The Guardian điểm lại những thành tích đáng nể của cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha. Năm 1995, khi trở thành Thủ tướng, kinh tế Bồ Đào Nha phát triển nhanh chóng và tỉ lệ thất nghiệp gần như thấp nhất trong các nước châu Âu.
Ông Guterres cũng là người ủng hộ một EU thống nhất cũng như việc các quốc gia trong EU sử dụng dùng đồng tiền chung Euro. Bồ Đào Nha cũng là một trong 11 quốc gia đầu tiên sử dụng đồng tiền chung này vào thời điểm đồng Euro ra đời vào năm 1999.
Ông Guterres cũng được coi là người có công lớn trong việc thuyết phục Liên Hiệp Quốc can thiệp vào tình hình Đông Timor (từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha), để khu vực này tuyên bố là một quốc gia độc lập.
Sau khi dừng công việc chính trị, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha được mệnh danh là “nhà bảo trợ không mệt mỏi cho những người tị nạn”. Năm 2005, Antonio Guterres trở thành người đứng đầu cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc. Ông đã thực hiện nhiều chiến dịch giúp đỡ, giành quyền vì người tị nạn trong suốt 10 năm qua.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng hàng triệu người tị nạn rời khỏi Syria, Iraq, Afghanistan… tràn sang châu Âu nếu các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan từ chối tiếp nhận họ. Theo ông Guterres, các quốc gia có nền kinh tế vững mạnh cần phải tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn.
Tổng thư ký Ban Ki-moon đã khen ngợi ông Antonio Guterres là “sự lựa chọn tuyệt vời” để kế nhiệm ông.
Nhậm chức trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, song là một nhà hoạt động xã hội tích cực trở thành Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi lớn trong tổ chức, cải thiện tình trạng chia rẽ giữa các thành viên, đặc biệt là vấn đề tị nạn Syria.
Phương Anh