Báo cáo tại kỳ họp thứ 23 của HĐND TP.HCM khóa IX đang diễn ra, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết sẽ đưa ra xét xử vụ án Đinh Ngọc Hệ, Đinh La Thăng cùng đồng phạm trong vụ sai phạm xảy ra tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương; bà Dương Thị Bạch Diệp trong vụ án sai phạm liên quan đến thửa đất tại số 185 Hai Bà Trưng,…trong thời gian tới.
Từ ngày 1/10/2019 đến ngày 30/9/2020, TAND hai cấp TP.HCM đã giải quyết 49.190/62.318 vụ việc, đạt 78,93%. Số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn theo quy định pháp luật và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Trong đó, giải quyết 47.139/160.062 vụ việc sơ thẩm, đạt 78,5%; giải quyết 2.051/2.256 vụ việc phúc thẩm, đạt 91,0%. Tỷ lệ án hủy do lỗi chủ quan là 0,35% (165/47.139) và sửa do lỗi chủ quan là 0,5% (238/47.139).
Về công tác giải quyết các vụ án hình sự, TAND hai cấp thụ lý 6.536 vụ/11.801 bị cáo, giải quyết 6.523 vụ11.770 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,8%. So với cùng kỳ năm 2019, thụ lý giảm 92 vụ, giải quyết tăng 764 vụ (tăng 0,27%).
Qua công tác xét xử các vụ án hình sự cho thấy, các nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu; các tội phạm về ma túy; xâm phạm trật tự công cộng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người vẫn chiếm tỷ lệ cao.
“Mặc dù án hình sự tại TP.HCM phức tạp nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ thẩm phán, thư ký TAND hai cấp nên kết quả xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ cao. Việc xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không phạm tội”, ông Phong đánh giá.
Năm 2020, đã phát hiện, xử lý và xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Điển hình như vụ án Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí (vụ án liên quan đến các bị cáo nguyên là Phó Chủ tịch và các cán bộ thuộc UBND TP.HCM).
Vụ án Châu Văn Khảm và đồng phạm bị truy tố xét xử về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (bị cáo Khảm là Bí thư Đảng bộ của Việt Tân tại Úc).
Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng và tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (xảy ra tại ngân hàng Đông Á).
Vụ án Nguyễn Thành Tài và đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Vụ án Trầm Bê, Dương Thanh Cường và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Vụ án Nguyễn Khanh và đồng phạm về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và tội Mua bán, chế tạo, tàng trữ trái phép vật liệu nổ.
Vụ án Văn Kính Dương và đồng phạm về tội Sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, vụ án Trần Ngọc Phúc (Phúc XO) và đồng phạm về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy;...
Trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, bên cạnh việc áp dụng đúng các quy định pháp luật về chế tài hình phạt, tòa án luôn chú trọng thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Tuy vậy, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cũng nêu ra một số khó khăn như công tác kiện toàn lực lượng cán bộ, công chức còn khó khăn, đặc biệt là biên chế thư ký.
Mặc dù lượng án thụ lý lớn, áp lực công việc ngày càng cao nhưng chủ trương của TAND Tối cao là không tăng biên chế.
Do đó, ở TAND hai cấp thành phố, 1 thư ký phải giúp việc cho từ 2 đến 3 thẩm phán. Trong thời gian tới, số lượng thẩm phán sơ cấp tiếp tục được bổ nhiệm theo đúng chỉ tiêu phân bổ của TAND Tối cao thì tình trạng thiếu hụt thư ký giúp việc ngày càng trầm trọng hơn.
Dự án trùng tu sửa chữa trụ sở TAND Thành phố và xây dựng mới trụ sở của một số TAND quận, huyện (quận 1, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, quận Tân Bình và huyện Hóc Môn) còn chậm.
Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở và trang thiết bị vật chất mặc dù đã được triển khai thực hiện nhưng chậm so với dự kiến kế hoạch đề ra do vướng kinh phí và thủ tục tài chính cũng như ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh covid-19.