Tăng 20% công chức sau 5 năm giản biên chế

Tăng 20% công chức sau 5 năm giản biên chế

Thứ 3, 26/11/2013 13:44

Mới đây, bộ Nội vụ vừa gây "sốc" khi công bố thống kê về 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Theo đó, từ năm 2010-2013, thay vì giảm, trên cả nước đã tăng thêm gần 42.000 công chức. Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều người đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của đề án này và trách nhiệm của bộ Nội vụ khi lượng công chức tăng từng ngày mà chẳng giảm được 30% cán bộ không làm được việc.

Bộ máy phình to, bộ Nội vụ kêu khó

Tại phiên chất vấn ngày 20/11, Bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã phải liên tiếp trả lời những câu hỏi liên quan đến các vấn đề nóng như tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách chế độ công chức công vụ... Nhiều ĐBQH đặc biệt quân tâm đến vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các đại biểu đặt câu hỏi, có hay không việc 30% cán bộ, công chức không làm được việc? Trong khi ngân sách Nhà nước hết sức eo hẹp thì mức chi cho các đối tượng này không nhỏ, đang là gánh nặng lên ngân sách.

Xã hội - Tăng 20% công chức sau 5 năm giản biên chế

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có lẽ, nhiều người ngạc nhiên nhất là con số thống kê sau 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế. Theo số liệu của bộ Nội vụ, trong 5 năm qua, cả nước có gần 67.400 người nghỉ thuộc diện tinh giản biên chế, nhưng có tới 61.000 người nghỉ hưu trước tuổi, chiếm gần 91%. Điều đó cho thấy, số biên chế được tinh giản đơn thuần chỉ là "kêu gọi" những người sắp đến tuổi nghỉ, về hưu sớm, gần như không có người bị tinh giản vì không làm việc kém hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng theo một thống kê khác, số cán bộ, công chức nghỉ chế độ chính sách trong 3 năm từ 2010 đến năm 2012 là 28.132 người, song số tuyển mới là 69.851 người, tăng 41.719 người.

Giải thích về việc tinh giản biên chế có "tác dụng ngược" này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, số công chức tăng chủ yếu cho các đơn vị mới được thành lập hoặc các đơn vị cũ nhưng được bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, thuộc các lĩnh vực về môi trường, đất đai, biển, hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số, kế hoạch hóa gia đình và tăng ở một số địa phương được chia tách theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

Trước đây, nói về những mắc mớ trong thực hiện tinh giản biên chế, Chánh văn phòng bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Bình cũng cho rằng, hầu hết mọi người đều nhận ra rằng đội ngũ, bộ máy hiện quá cồng kềnh. Nếu không tinh giản thì không có tiền để trả lương chứ đừng nói đến chuyện cải cách lương. Không chỉ liên quan đến lương, thưởng, nếu để đội ngũ cứ phình to một cách vô cớ sẽ gây ra một số hệ lụy khác, đó là đánh đồng người làm được việc và không làm được việc trong nền công vụ, triệt tiêu động lực cống hiến của cán bộ... Nhưng tinh giản không dễ chút nào.

Xã hội - Tăng 20% công chức sau 5 năm giản biên chế (Hình 2).

Ông Hà Tuấn Trung

Còn nhớ trước đây, báo chí có nêu việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét rằng: Trong bộ máy có tới 30% số công chức làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp về", không mang lại bất cứ  hiệu quả công việc nào. Nhiều người đưa ra phép tính, nếu con số 30% số công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về" là đúng, thì tương ứng sẽ có 700.000 công chức làm việc không hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm cả nước tốn 17.000 tỷ đồng chi lương vô ích cho số công chức này.

Sắp nghỉ hưu không nên xếp vào để làm đẹp con số tinh giản biên chế

Tinh giản hay "tinh tăng" biên chế?

Theo thống kê từ bộ Nội vụ, số biên chế công chức của năm 2007 là 238.668 người, năm 2012 là 274.694 người, tăng 15,09%. Số viên chức năm 2007 là 1.490.544 người, năm 2012 là 1.872.044 người, tăng 25,59% .

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Hà Tuấn Trung, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa VII cho rằng: Việc đặt mục tiêu tinh giản biên chế là rất tốt. Tuy nhiên, đã có kế hoạch mà không thực hiện được thì cần phải kiểm điểm, nhìn nhận lại, tại sao công tác này chưa hiệu quả. Liên quan đến thông tin trong 5 năm, cả nước có gần 67.400 người nghỉ thuộc diện tinh giản biên chế, nhưng có tới 61.000 người nghỉ hưu trước tuổi, chiếm gần 91%, ông Trung cho rằng, vì không thực hiện được chỉ tiêu tinh giản biên chế nên các cơ quan mới cộng thêm số nghỉ hưu trước tuổi vào để sát con số đề ra. Việc nghỉ hưu khác với việc tinh giản biên chế. Số nghỉ hưu sẽ còn tiếp diễn nữa nên không thể cộng vào với con số tinh giản biên chế để "làm đẹp kết quả" được. Đối tượng của tinh giản biên chế là những người nằm trong độ tuổi lao động, còn có sức khoẻ nhưng vì biên chế cồng kềnh, quá nặng nề, ngân sách Nhà nước không gánh chịu nổi nên phải giảm đi. Nếu tính cả những người sắp nghỉ hưu vào đối tượng tinh giản thì số biên chế được tinh giản đơn thuần chỉ là "kêu gọi" những người sắp đến tuổi nghỉ về hưu sớm, gần như không có người bị tinh giản vì không đảm bảo công việc. Cũng theo ông Trung, cách làm của các cơ quan như vậy là chưa phù hợp, chưa đạt yêu cầu. Chính vì thế, mục tiêu tinh giản chưa đạt được mà lại dẫn đến một kết quả ngược lại.

Xã hội - Tăng 20% công chức sau 5 năm giản biên chế (Hình 3).

Ảnh minh họa

Vị nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa VII cũng thừa nhận rằng, việc tinh giản biên chế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Khó, vì bộ máy công quyền quá công kềnh. Nếu muốn tinh giản được theo đúng yêu cầu thì số làm việc không hiệu quả bị đưa ra khỏi biên chế rất nhiều và sẽ đụng chạm đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khi cho ai đó nghỉ việc thì phải xem, sau đó sẽ thu xếp cho họ vào công việc gì. Nếu không bố trí được việc khác thì sẽ đẩy người ta vào con đường thất nghiệp. Rồi khi tinh giản biên chế, sẽ đụng chạm đến những người vào các cơ quan Nhà nước bằng con đường chạy chức, chạy quyền, những người là họ hàng thân thích của lãnh đạo và con ông cháu cha. Cá nhân nào nếu bị đưa ra lại kiện những người đã đưa mình vào. Lúc đó, mọi chuyện sẽ vỡ lở, lùm xùm hết.

Từ những vấn đề trên, ông Trung cho rằng, một trong những hiệu quả mà nhiều người mong muốn từ việc tinh giản biên chế là ngăn chặn được nạn chạy chức, chạy quyền. Tinh giản biên chế cần loại ra những đối tượng được vào biên chế bằng con đường chạy chọt, những đối tượng thăng quan tiến chức bằng tiền… mà không đủ tiêu chuẩn, năng lực.                

Kiên quyết từ nay đến 2016 không tăng biên chế

Về giải pháp cho việc bộ máy Nhà nước ngày càng "phình to", đại diện bộ Nội vụ khẳng định, đã báo cáo cấp có thẩm quyền kiên quyết không tăng biên chế công chức từ nay đến năm 2016 nhằm giữ ổn định đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục sắp xếp, tổ  chức lại bộ máy, các đơn vị cấu thành, đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị dịch vụ công ích của Nhà nước, không chia tách đơn vị hành chính, kiểm tra chặt chẽ việc thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Văn Chương - Phạm Hạnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.