1. Tăng cước chỉ là giải pháp tình thế
OTT* (ứng dụng dùng internet để cung cấp nội dung cho người dùng) là một xu hướng tất yếu bởi tính thực tế của nó khi áp dụng vào cuộc sống. Nhu cầu nghe, gọi , nhắn tin, chia sẻ cảm xúc, hình ảnh... với người thân bạn bè gần như bất biến, chỉ khác nhau ở cách thức và phương tiện truyền thông mà thôi.
Nắm bắt được xu hướng này các nước đã phát triển OTT từ nhiều năm trước. Các nước khu vực châu Á gần đây mới trở nên xôm tụ hơn khi ngày một xuất hiện nhiều tên tuổi lớn như KaKao Talk, Line và gần đây là Zalo của Việt Nam. Dịch vụ nào đi trước tất sẽ đón đầu xu thế và thu hút cộng đồng lớn quan tâm nhưng đó cũng không phải lợi thế để dịch vụ đó tồn tại lâu dài. Tính thay thế của loại ứng dụng này rất cao, một khi có ứng dụng mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dùng họ sẽ chuyển sang ngay, hoặc dùng song song và dần chuyển sang hoàn toàn.
Các nhà mạng đưa ra lý do rằng cước 3G ở Việt Nam đã quá thấp so với các nước trong khu vực, nếu tạm coi điều này là đúng thì một điểm quan trọng mà các nhà mạng đã không để ý tới và nó có thể là tử huyệt cho họ chính là việc tăng giá cước thực chất không làm tăng doanh thu về dài hạn. Nếu như không muốn nói là sẽ làm giảm doanh thu nếu nhà mạng không đảm bảo được chất lượng đường truyền 3G như cam kết.
Thứ nhất, dịch vụ 3G không thay thế hoàn toàn cho các cách thức kết nối internet công cộng khác như wifi đã phổ biến gần như tất cả các văn phòng, khu vực công cộng. Giá cước 3G không quyết định việc dùng hay không dùng mà chỉ làm tăng hay giảm lượng người và lưu lượng truy cập cũng như thời gian sử dụng 3G.
Thứ 2, dịch vụ 3G không quyết định việc người dùng có thể dùng các ứng dụng OTT hay không. Nhu cầu sử dụng ứng dụng OTT là không thay đổi được nên người dùng sẽ dùng cách khác để truy cập mạng chứ không giảm đi, và ngoài dùng các ứng dụng OTT thì người dùng vẫn có nhu cầu dùng các dịch vụ khác như đọc báo, chơi game, do đó thay vì dùng 3G họ sẽ dùng wifi..
Thứ 3, việc tăng giá cước 3G sẽ làm tăng áp lực về chất lượng đường truyền, nếu không đáp ứng được điều này , các nhà mạng rất dễ phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng, số lượng thuê bao 3G sẽ giảm rõ rệt.
Thứ 4, nhà mạng đang dùng lý do giá cước rẻ để giải quyết bài toán làm giảm sự cạnh tranh từ các dịch vụ OTT chứ không phải là do giảm doanh số, bởi theo báo cáo gần đây thì doanh số từ 3G của các nhà mạng vẫn tăng trưởng đều, điều này sẽ không lý giải nổi tại sao nhà mạng lại tăng giá vào thời điểm này bởi thực tế ảnh hưởng của OTT lên doanh thu chưa lớn, nếu có thì về lâu dài, nhưng hậu quả của việc tăng giá cước sẽ khiến hậu quả khôn lường cho nhà mạng.
Lấy một ví dụ đơn giản: với 1000.000 thuê bao, người dùng trung bình sử dụng 50.000đ/tháng để truy cập 3G, nếu người dùng cắt giảm 10% chi phí thuê bao 3G hàng tháng thì thất thoát của nhà mạng là 5 tỷ/tháng (60 tỷ/năm). Con số thực của các nhà mạng cộng lại có thể lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm.
2. Sai một ly đi một dặm
Việc tăng giá về lâu dài không những làm giảm tính cạnh tranh của 3G mà còn giảm doanh thu của nhà mạng. Trước đây giá cước trung bình 1 tháng người dùng chỉ phải bỏ ra khoảng 50.000đ cho dịch vụ 3G thì nay phí thuê bao đã tăng lên 30-40% từ 10/2013. Nếu nhìn thoáng qua có thể bạn sẽ thấy là giá cước tăng đồng nghĩa với doanh thu tăng nhưng liệu có đúng phải vậy?
Nếu một người dùng điện thoại trung bình chi 100.000 đ cho nhắn tin , gọi điện thì thường chỉ dám chi 50.000đ nữa cho các dịch vụ phát sinh từ các ứng dụng đòi hỏi kết nối 3G thì khi tăng giá , thay vì họ dùng gói cao sẽ chuyển sang gói thấp, thay vì dùng gói không giới hạn sẽ chuyển qua gói có giới hạn . Và khi đã chuyển sang gói thuê bao thấp hơn thì cũng đồng thời giảm thời gian, lưu lượng dùng các dịch vụ khác ngoài nhắn tin, nghe gọi (như lướt web, chơi game, mail ) để đảm bảo vẫn có thể truy cập được các ứng dụng cần thiết . Về lâu dài , nhu cầu người dùng trọn gói có thể sẽ giảm 30% cùng với phí thuê bao gói cước 3G người dùng thuê bao trọn gói chấp nhận được có thể giảm tới 50%, dẫn tới doanh số thực của nhà mạng qua 3G chỉ còn 35% so với trước khi tăng giá. Hiện các gói cước thuê bao trọn gói không giới hạn chiếm 20% số thuê bao, do đó doanh thu của các nhà mạng có thể sụt giảm 14%.
Nhà mạng có thể giảm sự cạnh tranh từ OTT, nhưng theo đó cũng sẽ giảm thuê bao 3G
3. Cạnh tranh khốc liệt - một mất 1 còn
Nếu như bạn có thể dùng sim Vinaphone gọi cho sim Viettel thì với dịch vụ OTT điều này gần như không thể tại thời điểm hiện tại do bạn không thể gửi tin nhắn từ Zalo sang Line hay Viber. Chính yếu tố này khiến cho OTT trở nên khó cạnh tranh nhất với các nhà mạng hiện tại.
Nếu vượt qua trở ngại này thì các dịch vụ OTT sẽ làm mưa làm gió trong làng viễn thông. Do đó thời điểm này các công ty có thể chạy đua trong cuộc cạnh tranh xem ai dành vị trí thứ nhất thì chỉ vài năm nữa , các tên tuổi nhỏ sẽ mất dần và nhường ngôi vương cho 1,2 tên tuổi lớn nhất, có tiềm lực nhất, cộng đồng đón nhận dịch vụ nhiều nhất.
Bạn có thể dùng nhiều sim trên 1 điện thoại để tận dụng các gói khuyến mại và giá cước khác nhau của nhà mạng nhưng bạn sẽ không sẵn sàng để cùng lúc cài nhiều ứng dụng OTT trên cùng một máy để liên lạc với bạn bè của mình thông qua các danh bạ khác nhau, như vậy là quá phiền phức. Chính vì vậy mà Zalo phải quyết tâm dẫn đầu bằng mọi giá nếu không toàn bộ công sức cũng như chi phí bỏ ra của họ thành công cốc, họ đang là top 2,3 sẽ biến mất ngay khi người dùng từ chối sử dụng dịch vụ Zalo để dùng một ứng dụng OTT khác thịnh hành hơn. Vậy kịch bản nào có thể xảy ra nếu các nhà mạng trở thành nhà cung cấp dịch vụ OTT.
4. Các kịch bản mang tính chiến lược cho nhà mạng
Kịch bản 1: OTT nước ngoài sẽ mua lại OTT trong nước và phát triển độc lập với nhà mạng và đưa ra các dịch vụ tiện ích cao đem lại lợi nhuận, hoặc họ sẽ bán lại giá rất cao cho các nhà mạng muốn hợp tác một khi do họ có thị trường đủ lớn. Lúc này sẽ không kiểm soát được nội dung cũng như mức phí phát sinh trên phần mềm OTT vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Truyền thông và thông tin. Hãng viễn thông nước ngoài sẽ mua lại dịch vụ OTT này và tạo thế áp đảo với nhà mạng nội hiện tại như Viettel, Vinaphone hay Mobifone. Đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất nếu nó xảy ra với 3 nhà mạng lớn của Việt Nam hiện nay.
Kịch bản 2: OTT trong nước được một nhà mạng mua lại hoặc hợp tác chiến lược và cùng phát triển dựa trên thuê bao sẵn có cùng lợi thế về công nghệ , truyền thông và dịch vụ gia tăng kèm theo. Đây là viễn cảnh tốt nhất cho cả nhà mạng và công ty phát triển dịch vụ OTT. Ở một số nước thì các nhà mạng hoặc tự phát triển phần mềm OTT hoặc mua lại công ty lớn để giữ thị phần mà không hao hụt doanh thu dịch vụ số.
Kịch bản 3: các nhà mạng quyết không mua hay hợp tác với các OTT trong và ngoài nước, họ sẽ tự phát triển riêng các phần mềm này và tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng giá trị tăng thêm từ việc gộp 2 dịch vụ nhắn tin, đàm thoại truyền thống với dịch vụ trên phần mềm OTT. Lúc này thị trường sẽ bị phân mảnh khá rõ rệt và ai là người đi trước thì sẽ có cơ hội chiếm thị phần lớn hơn. Vấn đề lúc này là các nhà mạng đang băn khoăn không biết bắt đầu tư đâu nếu tự phát triển ứng dụng kiểu này, họ không đảm bảo sự chắc thắng về mặt sản phẩm so với các đơn vị chuyên phát triển phần mềm, cũng không đảm bảo sự độc tôn trên thị trường so với các sản phẩm tương tự nhưng lại quá do dự trong việc bỏ ra một ngân sách lớn để mua lại các công ty nhỏ hơn.
Chiến lược khôn ngoan nhất là các nhà mạng nên nhanh chóng mua lại ứng dụng hoặc tự phát triển ứng dụng riêng để đảm bảo thị trường không quá biến động, vừa đảm bảo giữ được thuê bao và tăng trưởng doanh thu mà không cần tăng giá sẽ đảm bảo quyền lợi của các thuê bao đồng thời tăng tính trung thành của họ. Nếu một nhà mạng bỏ ra 100 triệu USD thời điểm này để phát triển dịch vụ OTT thì họ có thể sẽ phải bỏ ra ít nhất 500 triệu USD nếu chỉ chậm chân sau vài năm so với đối thủ. Sự trả giá là quá đắt cho một bước đi thiếu tính toán.
*OTT là viết tắt của từ Over The Top – các ứng dụng hoạt động trên nền internet nhưng lại không liên quan tới các nhà cung cấp internet. OTT được dùng trong bài viết có thể được hiểu là phần mềm OTT, công ty phát triển dịch vụ OTT tùy theo hoàn cảnh tại vị trí sử dụng trong bài viết.
Mak Nguyen
Vice CEO Abay.vn
Cố vấn chiến lược độc lập cho các doanh nghiệp khởi nghiệp