Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm an ninh hàng không, trật tự xã hội tại các cảng hàng không, sân bay và công tác đón, tiễn khách, vận động viên phục vụ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.
Đại hội diễn ra từ ngày 12/5 đến ngày 23/5/2022 tại Hà Nội và 11 địa phương khu vực miền Bắc.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ đạo các cảng hàng không, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cát Bi xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ Đại hội; thường xuyên cập nhật các chỉ đạo, thông báo của Tiểu ban An ninh và các cơ quan chức năng về việc bảo đảm an ninh, trật tự cho các Đoàn đại biểu tại các cảng hàng không, sân bay.
Các cảng hàng không, sân bay hỗ trợ tối đa các đề nghị của Ban Tổ chức, các Tiểu ban phục vụ SEA Games theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện, chủ động phối hợp để công tác đón tiễn bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, chu đáo, trọng thị; tổ chức lực lượng y tế thường trực, sẵn sàng phục vụ khi cần thiết.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm y tế và các cơ quan liên quan triển khai việc giám sát hành khách nhập cảnh/xuất cảnh và hành khách đi trên các chuyến bay nội địa tại các cảng hàng không nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để có phương án và biện pháp cách ly kịp thời.
Đồng thời chỉ đạo các cảng hàng không dự bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ dự bị, bảo đảm tốt an ninh, an toàn.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm Quy chế an ninh hàng không được Cục HKVN phê duyệt; rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó không lưu, phương án điều hành tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp; thường xuyên cập nhật thông tin về các chuyến bay đến, đi của các đoàn đại biểu, các đoàn vận động viên để có kế hoạch phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn, thuận tiện.
VATM cần chỉ đạo Công ty Quản lý bay miền Bắc và các đơn vị trực thuộc rà soát, hoàn thiện các phương án khẩn nguy cơ sở; kiện toàn, có kế hoạch bố trí kiểm soát viên không lưu có phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành kỷ luật nghiêm; kiểm tra tình trạng kĩ thuật của các trang thiết bị phục vụ điều hành bay, bao gồm cả các trang thiết bị dự phòng đảm bảo các hệ thống trang thiết bị phục vụ điều hành bay trong điều kiện hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho công tác điều hành bay. Đồng thời hoàn thiện các phương án phòng ngừa, xử lý tình huống bị tấn công, can thiệp vào hệ thống thông tin chuyên ngành hàng không của đơn vị…
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không yêu cầu các Hãng xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ SEA Games 31; phối hợp chặt chẽ với cảng hàng không, cảng vụ hàng không, các đơn vị lễ tân liên quan tổ chức phục vụ, làm thủ tục hàng không bảo đảm an ninh, an toàn, thuận tiện cho việc đi, đến, đón tiễn các đoàn khách, đoàn vận động viên theo quy định; cập nhật thông tin về các chuyến bay đến, đi của các đoàn do hãng phục vụ.
Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trực thuộc duy trì thực hiện nghiêm Quy chế an ninh hàng không; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình kiểm soát an ninh hàng không đối với người, hành lý, hàng hóa, suất ăn, xăng dầu; kịp thời trao đổi, phản ảnh với cảng hàng không các bất cập, sai sót khi thực hiện nhiệm vụ của lực lương kiểm soát an ninh hàng không.
Đối với các Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc cấp thẻ, giấy phép phục vụ đón, tiễn các đoàn đại biểu và các đoàn vận động viên; phối hợp chặt chẽ với các cảng hàng không, sân bay và các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
Đồng thời chủ trì xử lý và điều phối các vấn đề phát sinh tại cảng hàng không, sân bay trong thời gian diễn ra SEA Games 31.