Giảm thiểu tai nạn giao thông
Chỉ thị nêu rõ, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô. Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của lái xe, chủ xe như vi phạm tốc độ, vi phạm quy định về thời gian lái xe, sử dụng xe ô tô không đủ điều kiện để kinh doanh vận tải… Điển hình là hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đối với xe ô tô chở khách tại Cao Bằng ngày 22/7/2018 và Quảng Nam ngày 31/7/2018, có dấu hiệu chủ xe sử dụng xe ô tô không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để kinh doanh vận tải (không có thiết bị giám sát hành trình, không có phù hiệu kinh doanh vận tải…).
Bên cạnh đó có sự buông lỏng quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải; công tác quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế; công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập; công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, ngăn chặn tai nạn trong hoạt động vận tải đường bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ Giao thông Vận tải khẩn trương rà soát, bổ sung các quy định để đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, siết chặt các điều kiện về an toàn giao thông đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và vận chuyển hàng hoá; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cho phù hợp với tình hình mới, bảo đảm chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải trái phép, gây mất trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là đối với phương tiện vận tải nội bộ.
Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy định bắt buộc trang bị dây an toàn đối với tất cả ghế ngồi trên các xe ô tô chở người, có lộ trình áp dụng đối với phương tiện đang lưu hành; khẩn trương nghiên cứu, bổ sung quy định tem kiểm định có màu sắc, hình dạng riêng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.
Đồng thời sửa đổi quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ, đặc biệt là hạn chế tốc độ trên các cung đường đèo, dốc và đường qua khu dân cư; tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đem, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có phương án xử lý triệt để các đường dân sinh, lối đi tự mở, đường ngang đường sắt không bảo đảm an toàn giao thông.
Tổ chức đợt cao điểm kiểm tra đơn vị kinh doanh vận tải
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo cơ quan chuyên môn và Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác hậu kiểm đối với đơn vị kinh doanh vận tải, tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Siết chặt hoạt động các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe; siết chặt hoạt động các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phương tiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tổ chức đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; xây dựng các kế hoạch chuyên đề tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trật tự, an toàn giao thông; tập trung xử lý người điều khiển xe ô tô chở khách, xe ô tô tải, container vi phạm và các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát khép kín 24/24 giờ để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các đường đèo dốc có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.
Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tuyên truyền chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp và lái xe nắm được các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải hàng hóa; vận động người dân kiên quyết từ chối sử dụng dịch vụ vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải không tuân thủ các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (không có phù hiệu, biển hiệu xe, không có thiết bị giám sát hành trình; không có vé xe, hợp đồng vận tải; hoặc trên vé xe, hợp đồng vận tải không có nội dung thể hiện quyền lợi về bảo hiểm đối với hành khách…); yêu cầu mọi người thắt dây an toàn khi đi xe ô tô.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải đối với toàn bộ đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn có xảy ra tai nạn giao thông trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, cơ quan liên quan tăng cường công tác hậu kiểm đối với đơn vị kinh doanh vận tải, tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm theo quy định; khẩn trương rà soát, xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường địa phương quản lý.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo hoặc Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là trưởng đoàn với thành phần là các cơ quan chức năng của bộ Công an, bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan để kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải đối với cơ quan quản lý Nhà nước và một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã xảy ra tai nạn giao thông trong 7 tháng đầu năm 2018 tại các địa phương.