Tăng cường khả năng cải thiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp

Đậu Anh Tuấn

Đậu Anh Tuấn

Chủ nhật, 16/10/2022 09:00

Thông qua góc nhìn từ kết quả PCI, bài viết chỉ ra một số vấn đề tồn tại cơ bản trong công tác quản trị công về đất đai ở các địa phương hiện nay.

Là một yếu tố sản xuất, đất đai có tính “khan hiếm”. Chức năng của Nhà nước là thúc đẩy việc sử dụng, phân bổ nguồn lực “khan hiếm” này một cách hiệu quả nhất nhằm tối đa hóa lợi ích chung.

Nếu quản trị đất đai yếu kém sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, không đem lại đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững và bao trùm của địa phương. Biểu hiện của quản trị yếu kém là việc để xảy ra tình trạng phân bổ đất đai không hợp lý, với việc đất đai chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm lợi ích thiểu số.

Điều này dễ xảy ra khi quản trị đất đai ở địa phương thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, thiếu sự tham gia của các bên liên quan như người dân hay doanh nghiệp, thiếu sự phối hợp liên ngành hiệu quả, hoặc bộ máy quản lý thiếu liêm chính tạo điều kiện cho tham nhũng, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thực trạng quản trị đất đai tại các địa phương ở Việt Nam ra sao? Đâu là những điểm nghẽn cần giải quyết? Người Đưa Tin xin giới thiệu bài viết của Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, mong muốn cung cấp một số đánh giá tổng quan về những vấn đề trong quản trị công về đất đai ở các tỉnh, thành phố hiện tại và nhu cầu cải thiện việc tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp. Thông tin này sẽ hữu ích cho các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi và cải thiện chất lượng chất lượng điều hành kinh tế ở cấp địa phương.

Quan điểm - Tăng cường khả năng cải thiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp
Quản trị đất đai ở các tỉnh, thành ở Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức cần nhanh chóng tháo gỡ (Ảnh: Phạm Tùng).

Trong gần 18 năm qua, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một thước đo đáng tin cậy phản ánh chất lượng quản trị công trong lĩnh vực kinh tế ở các địa phương. Thông qua kết quả phân tích chuyên sâu dữ liệu PCI, bài viết này cung cấp một số phát hiện chính.

Thứ nhất, khác với nhiều lĩnh vực khác, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đánh giá chất lượng quản trị công trong lĩnh vực đất đai không có chuyển biến tích cực đáng kể trong gần một thập kỷ qua biểu hiện qua việc điểm chỉ số thành phần gốc về Tiếp cận đất đai - 1 trong 10 chỉ số thành phần của PCI - có xu hướng giảm kể từ năm 2013.

Thứ hai, kết quả phân tích chỉ ra doanh nghiệp phải đối diện với nhiều rào cản trong tiếp cận đất đai như thủ tục hành chính phiền hà, gánh nặng chi phí không chính thức còn phổ biến, việc hỗ trợ tiếp cận thông tin về đất đai chưa tích cực. Các trở ngại này khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.

Theo ước tính từ dữ liệu điều tra, khoảng 31,6% doanh nghiệp quy mô vừa và lớn từng gặp khó khăn về thủ tục đất đai đã chấp nhận trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục. Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ thực hiện hành động này là khoảng 26,6%.

Thứ ba, việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai ở các địa phương còn thiếu nhất quán. Một vấn đề nổi cộm trong những năm qua là để xảy ra “tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư. Tình trạng này tạo ra sự thiếu ổn định cho môi trường kinh doanh tại địa phương và dẫn tới những rủi ro gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Một ví dụ khác về tính thiếu nhất quán trong thực thi pháp luật đất đai ở các địa phương là việc xác định giá đất. Hình thức chỉ định nhà đầu tư hầu hết được các địa phương lựa chọn khi giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Dù có lợi thế nhanh chóng về thủ tục nhưng có thể dẫn tới tình trạng xác định giá đất còn tùy tiện, sai sót và làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Mặt khác các địa phương cũng rất lúng túng khi xác định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng.Theo quy định pháp luật khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào thực tế tại địa phương quy định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất.

Thứ tư, một trong những tác động tiêu cực nhất của việc doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai đó là làm giảm năng tiếp cận tín dụng - một trong những nguồn lực quan trọng cần được khơi thông, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp cần trợ lực phục hồi sau đại dịch.

Đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong quá trình phục hồi sau khoảng hai năm chống chịu những tác động nặng nề do đại dịch Covid-19. Một trong các giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là thông qua kênh tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, tiếp cận tín dụng không phải là điều dễ dàng!

Trong các loại tài sản thế chấp thường được các tổ chức tín dụng chấp nhận, đất đai và tài sản gắn liền với đất có lẽ là loại tài sản thế chấp phổ biến nhất. Chính vì thế, nếu doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc họ có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Dù vậy, dữ liệu khảo sát PCI từ năm 2006 đến nay lại phản ánh một thực tế là tỉ lệ doanh nghiệp trả lời khảo sát có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khiêm tốn. Năm 2021, chỉ 42,9% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh đất họ đang dùng để kinh doanh -thấp nhất trong các năm PCI tiến hành điều tra.

Việc nắm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp đảm bảo quyền tài sản và tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về triển vọng đầu tư dài hạn. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc “an cư” của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được đảm bảo để nghĩ tới việc đầu tư thêm hay mở rộng quy mô.

Đồng thời, như đề cập ở trên, việc không có quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thiếu đi một loại tài sản thế chấp để có thể tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Khi không tiếp cận được tín dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho tài sản mới, chẳng hạn đất đai, nhà xưởng. Đây là một cái vòng luẩn quẩn kiềm chế sự phát triển lâu dài của khu vực doanh nghiệp.

Những đánh giá trên hàm ý rằng các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tăng cường các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công về đất đai ở địa phương. Luật Đất đai đang sửa đổi được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật.

Trong khi đó, các chính quyền địa phương cần tăng cường cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, chú trọng vào tăng cường công khai, minh bạch thông tin, hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Các địa phương cũng cần thực hiện thực chất nỗ lực cải cách hành chính, đơn giản hóa các quy trình thủ tục về đất đai, giảm nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh cần gắn với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, đặc biệt chú ý đến hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.