Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện khẩn trương thực hiện hoàn thành các Phương án giao rừng, cho thuê rừng theo kế hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; tiếp tục rà soát thực hiện hoàn thành nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7437/UBND-NNTN ngày 21/12/2016 và Công văn số 2849/UBND-NNTN ngày 16/5/2017; Định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Đồng thời yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với các ban Quản lý rừng phòng hộ rà soát lại những diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân chồng lấn với diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ trên địa bàn quản lý, để có biện pháp xử lý phù hợp với quy định pháp luật; Tiếp tục rà soát diện tích rừng tự nhiên sau kết quả kiểm kê rừng (phòng hộ, sản xuất và ngoài quy hoạch 3 loại rừng) để xây dựng Phương án giao rừng mới (đối với các huyện chưa xây dựng phương án), trình phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định; Phối hợp với ban Quản lý rừng phòng hộ khẩn trương tổ chức bàn giao diện tích đất, rừng chuyển đổi từ phòng hộ sang sản xuất và ngoài 3 loại rừng cho UBND huyện quản lý theo Quyết định 871/QĐ-UBND ngày 23/4/2007, Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 và Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức rà soát toàn bộ các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến việc giao rừng, cho thuê rừng trong năm 2016, năm 2017; kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc theo thẩm quyền để thực hiện hoàn thành nội dung giao rừng, cho thuê rừng và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn. Định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện; Chỉ đạo các ban Quản lý rừng phòng hộ thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chủ động giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong việc chồng lấn diện tích đất rừng phòng hộ với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, các vướng mắc trong việc lấn, chiếm, xâm hại rừng trái phép theo thẩm quyền.
Sở TN&MT tiếp tục rà soát, thực hiện hoàn thành nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7437/UBND-NNTN ngày 21/12/2016, Công văn số 5870/UBND-NC ngày 25/9/2017 và Công văn số 5431/UBND-NNTN ngày 05/9/2017. Định kỳ hàng Quý báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Theo báo cáo của ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2006 - 2016, tỉnh đã giao và cấp sổ quyền sử dụng đất với diện tích 14.253 ha đất rừng, đất lâm nghiệp cho 104 cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó: rừng tự nhiên 13.583 ha, rừng trồng 345 ha, đất chưa có rừng 324 ha.
Đối với việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình dân tộc thiểu số, tỉnh đã giao và cấp sổ quyền sử dụng đất với diện tích 83.953 ha cho 52.621 hộ. Trong đó, đất có rừng: 3.990 ha (rừng tự nhiên: 2.423 ha; rừng trồng: 1.567 ha).
Việc giao đất, giao rừng, cấp quyền sử dụng đất còn chậm và chưa hoàn thành Trong đó, một số diện tích đất chưa được rà soát để giao hết cho người dân gây lãng phí rất lớn trong sử dụng đất rừng. Người dân không có đất canh tác, trong khi đất rừng sau khi thu hồi lại bỏ hoang. Nhiều diện tích đất đã giao cho các ban quản lý rừng cơ sở và UBND các xã quản lý, nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Doanh nghiệp được giao rừng và đất rừng với diện tích lớn trên địa bàn tỉnh sử dụng không hiệu quả.
Về phía người dân, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, kiến thức kinh tế và kỹ thuật sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả sử dụng đất của nhiều người dân chưa cao… Tình trạng người dân lấn chiếm, xâm chiếm đất đã giao cho các tổ chức và chặt phá rừng tự nhiên lấy gỗ, lấy đất sản xuất diễn ra khá phổ biến, nhưng chính quyền và cơ quan chức năng chưa có những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Theo Lan Anh (Báo Tài nguyên & Môi trường)