Với chính sách mở cửa thị trường để thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nước ta hiện đang là một trong những nước thu hút nguồn vốn FDI hàng đầu khu vực. Việc thu hút nguồn vốn này tăng nhanh chóng sau khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2006. Nguồn vốn này được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta trong nhiều năm qua.
Bằng những ưu đãi về thuế và hàng loạt chính sách khác, sự gia tăng ồ ạt các doanh nghiệp FDI trong khoảng 15 năm qua đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nước ta. Tuy vậy, nhiều vấn đề tiêu cực khi quản lý các doanh nghiệp này đang đặt ra bài toán khó cho các nhà quản lý. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp FDI là những tập đoàn đa quốc gia, có nguồn vốn lớn, chiếm thị phần cao trong nước, có doanh thu tăng trưởng mạnh qua các năm nhưng lại liên tục báo lỗ.
Mô hình đồ họa về doanh thu và số lỗ của Coca Cola Việt Nam (Nguồn: Cục Thuế TP.HCM - Đồ họa: V.Cường).
Theo quy định của Luật Thuế, khi doanh nghiệp bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh thì không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Những nghi vấn lỗ giả này kéo dài sẽ làm thất thu ngân sách Nhà nước và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp chấp hành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Xa hơn, hành vi chuyển giá để trốn thuế sẽ tác động không tốt đến cơ chế quản lý tài chính và ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút và quản lý vĩ mô vốn FDI của Chính phủ.
Các chuyên gia ngành thuế nhận định, "ngón nghề" phổ biến trong hoạt động chuyển giá của các công ty đa quốc gia thường là: Nâng giá nhập nguyên vật liệu cao hơn thực tế làm tăng giá thành, dẫn đến kinh doanh thua lỗ để không phải nộp thuế. Các công ty này thường khai báo lỗ triền miên nhiều năm, song trên thực tế lại luôn mở rộng đầu tư.
Như vậy, có thể thấy, dù có nghi vấn hay đã biết mười mươi về các trường hợp chuyển giá của nhiều doanh nghiệp, song cơ quan quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Không ít ý kiến cho rằng, các quy định, luật để quản lý vấn đề này vẫn đang có nhiều bất cập. Hệ thống thông tin, dữ liệu để phân tích các hành vi chuyển giá vẫn còn thiếu và yếu. Nhiều trường hợp quy định có nhưng lại không áp dụng được vào thực tế để xử lý.
Một số doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên liệu máy móc đầu vào từ công ty mẹ ở mức giá cao. Sau đó, họ bán lại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cho công ty mẹ với giá thấp. Với cách làm này, các doanh nghiệp tránh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tình trạng này kéo dài không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước; tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng; từng bước thôn tính các doanh nghiệp trong nước trong liên doanh liên kết; tăng nhập siêu và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn xã hội (do báo cáo lỗ nên tìm cách không nâng lương, thưởng cho công nhân, dẫn đến các cuộc đình công, bãi công).
Trước sự việc này, Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính đề xuất với Quốc hội và Chính phủ bổ sung, sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực pháp lý phục vụ cho công tác thanh tra chống chuyển giá.
Cụ thể, bổ sung quy phạm pháp luật về quyền xác định giá, thương thảo giá trước, bổ sung quy phạm pháp luật về quyền ấn định thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động giao dịch liên kết chuyển giá; bổ sung quy phạm pháp luật về điều chỉnh đối với các dự án đang hoạt động kinh doanh có số lỗ vượt vốn chủ sở hữu.
Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch chỉ đạo các sở chuyên ngành phối hợp với cơ quan thuế địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xem xét tư cách pháp nhân đối với các dự án đang hoạt động kinh doanh có số lỗ vượt vốn chủ sở hữu; xem xét không cấp quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với các dự án mở rộng hoặc đầu tư mới của chủ doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam có số lỗ vượt vốn chủ sở hữu.
Công tác chống chuyển giá được coi là trọng tâm của ngành thuế trong giai đoạn hiện nay, khi mà bội chi ngân sách đang gia tăng. Mục tiêu cuối cùng là ngành thuế phải thực thi được quyền thu thuế của Nhà nước, đảm bảo thu ngân sách và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng giữa các doanh nghiệp.
"Không có chuyện ngành thuế bất lực" Nhiều doanh nghiệp nằm trong "tầm ngắm" có dấu hiệu chuyển giá. Trước việc nhiều doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, ông Nguyễn Quang Tiến - vụ trưởng, phó trưởng ban cải cách Tổng cục Thuế Việt Nam khẳng định không có chuyện ngành thuế bất lực trước các công ty này, họ đều đang trong "tầm ngắm" của cơ quan thuế. "Tổng cục đã phát hiện, nhìn thấy những trường hợp này nhưng trong nguồn lực của mình chưa thể tiến hành ngay. Một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng nhiều khi phải xác định có thể mất 1, 2 năm, thậm chí như ở Australia còn lâu hơn. Còn nếu doanh nghiệp nào bị nghi oan thì cũng cần làm rõ để giải oan cho họ", ông Tiến chia sẻ. |
Cao Tuân - Minh Khánh